Nghiên cứu thị trường để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong xu thế phát triển hiện nay, bất cứ ngành hoặc lĩnh vực nào cũng phải tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường, đặc biệt là du lịch. Nếu du khách đến Việt Nam, họ tính phải đi thăm nơi nào, ăn gì, mua hàng gì, ở đâu, thì chẳng lẽ chủ nhà lại không biết tính toán gì hết, cứ tới đâu hay tới đó?
 đây là một vùng đất đầy tiềm năng về du lịch, nhất là tỉnh Gia Lai
Gia Lai là một vùng đất đầy tiềm năng về du lịch cần nghiên cứu thị trường. (ảnh nguồn internet)
Nghiên cứu thị trường du lịch Việt Nam là việc phải làm và làm một cách nghiêm túc, chuyên nghiệp; từ đó mới có chiến lược phát triển du lịch, phục vụ du khách ngày một tốt hơn.
Không nên cho rằng do mình còn một vài điểm khiếm khuyết khi đón khách mà khách du lịch đến Việt Nam “một đi không trở lại”. Vấn đề không phải ở việc khách cũ có trở lại hay không, cái chính ở đây là làm thế nào để khách tham quan khi đã đến Việt Nam được hài lòng, dĩ nhiên mức hài lòng có thể khác nhau, nhưng điều này sẽ bảo đảm cho du khách có thể “nói tốt” cho Việt Nam khi đã về nước. Chỉ cần như vậy sẽ ngày càng nhiều du khách tìm đến Việt Nam. Tuy nhiên, những cái dở, cái tệ của thị trường du lịch Việt Nam thì nói mãi không hết. Theo đó, nếu không có sự nghiên cứu một cách bài bản thì mức độ phát triển du lịch “lúc nóng lúc nguội” sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn lợi mà du lịch mang lại cho Việt Nam.
Chính vì thế, việc nghiên cứu thị trường du lịch Việt Nam một cách thấu đáo, chi tiết sẽ dần thu hẹp lại những kiểu “du lịch tự phát” như “du lịch 0 đồng”, hay chỉ “đếm đầu du khách lấy thành tích” mà không hề tính được chất lượng du khách. Nếu không phân loại được chất lượng du khách, cởi mở trong việc đón tiếp nhưng không biết cảnh giác trước những du khách “mua hàng Việt” mà lại trả tiền về cho nước mình thì cái sự “công cốc” sẽ xảy ra. Đó là thực trạng không chỉ có ở Quảng Ninh, mà còn ở Khánh Hòa và “hứa hẹn” sẽ xảy ra ở những nơi khác. Du lịch kiểu ấy thì Việt Nam ta chỉ “hưởng rác”, còn tiền thì người khác hưởng.
Tôi rất hy vọng Tây Nguyên sẽ đón được ngày càng nhiều du khách. Bởi lẽ, đây là một vùng đất đầy tiềm năng về du lịch, nhất là tỉnh Gia Lai với du lịch sinh thái, du lịch trở về thiên nhiên hoang dã. Vấn đề không phải là xây dựng nhiều cơ sở đón khách theo kiểu “resort”, du lịch lên Gia Lai có thể đơn giản hơn nhiều, nhất là hình thức du lịch homestay sẽ rất hút khách, nếu chúng ta biết tổ chức. Từ lâu, khách Tây đã rất thích kiểu du lịch này. Bây giờ thì sự hứng thú còn tăng lên bội phần. Sự ấm cúng, thân thiện, hòa đồng trong du lịch homestay sẽ rất thích hợp với Gia Lai. Nhưng vấn đề là phải nghiên cứu một cách thấu đáo và làm cho chắc.     
Chính sự hời hợt trong nghiên cứu thị trường, chưa coi du khách là hạt nhân trong quá trình phát triển khiến ngành du lịch cứ mãi quẩn quanh trong những tính toán tủn mủn, ngắn hạn. Trong khi phải coi du lịch là một chiến lược cần đầu tư chất xám ở mức độ cao, kể cả du lịch ẩm thực đường phố.
Năm 2017, Việt Nam đón hơn 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm 2016. Đây có thể coi là kỳ tích của ngành khi lần đầu tiên mức tăng về khách du lịch đạt gần 3 triệu lượt/năm. 6 tháng đầu năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 7,89 triệu lượt, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2017. Nhưng đó mới chỉ là số lượng. Vấn đề bây giờ về sau là chất lượng, từ chất lượng du khách tới chất lượng phục vụ và chất lượng ấy phải tính được bằng tiền.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025: Hội chợ triển lãm Chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP có quy mô lớn

Ban tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9 năm 2025 cho biết, Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê và sản phẩm OCOP năm 2025 sẽ được tổ chức với quy mô lớn, với nhiều hoạt động hấp dẫn.