PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, hệ quả của việc nghiện C sủi là thừa vitamin C, tăng hấp thu canxi từ đường ruột vào, dẫn đến trong máu cao gây sỏi thận.
Trẻ nhập viện do nghiện C sủi |
Tự hủy hoại sức khỏe
Hiện nay vitamin C được nhiều người tin dùng trong việc bổ sung năng lượng, sức đề kháng. Tuy nhiên không ít người đã lĩnh hậu quả của việc này.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, vitamin C được các bác sĩ sử dụng trong các phác đồ để bổ sung hoặc điều trị các bệnh như nhiễm trùng, bệnh nhân thiếu máu (để tăng cường hấp thu sắt), bệnh nhân ung thư, ngộ độc mãn tính (ngộ độc chì)… Việc tự ý bổ sung vitamin sai cách lại gây phản tác dụng.
Nhiều năm trong nghề, PGS Dũng đã gặp nhiều trường hợp gặp các biến chứng khó lường do tự ý dùng loại vitamin này, bao gồm việc dùng thuốc, thực phẩm chức năng, lạm dụng thực phẩm chứa vitamin C.
Đó là trường hợp một bệnh nhân sử dụng viên uống vitamin C nhằm mục đích đẹp da, uống liên tục tới 5 tháng dẫn tới hệ quả bị mắc sỏi thận. Hoặc một bệnh nhân khác đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau dạ dày cấp do uống nước chanh liên tục vào buổi sáng.
Cũng theo PGS Dũng, nhiều người nghiện C sủi đã phải nhập viện để chữa sỏi thận. Có trường hợp chị Nguyễn Phương Lan (Hà Nội) ngày nào cũng uống 1 – 2 viên vì nghĩ đây là cách bổ sung vitamin C tốt. Nhiều trẻ cứ nhìn thấy lọ C là dùng 2 – 3 ngày đã hết veo. Đến khi đi khám vì có cảm giác đau lâm râm bụng, bác sĩ giật mình vì đó là cách làm nguy hiểm, có thể gây sỏi thận.
“Chúng tôi vẫn chỉ định bổ sung vitamin C nhưng ở mỗi người cơ địa khác nhau, giới tính khác nhau, bệnh lý khác nhau sẽ có những phác đồ riêng, không ai giống ai. Do đó việc tự ý dùng vitamin C nói riêng, vitamin khác nói chung một thời gian dài là điều tuyệt đối cấm”, PGS Dũng cho hay.
Sức khỏe bình thường không cần uống C
Theo chuyên gia, hệ quả của việc này trước mắt là gây thừa vitamin C, tăng hấp thu canxi từ đường ruột vào, dẫn đến trong máu cao gây sỏi thận. Trong khi đó, bệnh sỏi thận hiện rất khó chữa.
Bên cạnh đó, việc lạm dụng các thực phẩm chức năng, viên uống bổ sung vừa gây tốn tiền vừa gây nên tâm lý chủ quan cho người bệnh. Họ thường bỏ qua các biện pháp chăm sóc sức khỏe khác dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm.
Vẫn theo PGS Dũng, ở các bệnh viện phương tây luôn có quy định chỉ định rõ ràng về thời gian, liệu trình chi tiết khi bổ sung vitamin C. Với những người ăn uống đầy đủ, cách tốt nhất để tăng cường vitamin trong cơ thể là lấy từ ttrong thức ăn, cụ thể trong hoa quả tươi. Trong đó, lượng vitamin sẽ cân đối, hài hòa với các vitamin khác. Với những người ở những vùng khó khăn hoặc đi công tác xa, lượng năng lượng không hài hòa thì có thể dùng bổ sung. “Tốt nhất mỗi người nên có tư vấn bác sĩ nếu có ý định uống vitamin C kéo dài từ 3 tháng trở lên”, PGS Dũng khuyến cáo.
Về liều lượng, chuyên gia khuyến cáo, với người lớn, mỗi ngày dùng dưới 2 g trong thời gian ngắn khoảng tháng trở lại thì không gây nguy hiểm. Với trẻ con dưới từ 5 tuổi trở lên ngưỡng an toàn là 1 gr/ngày, trẻ dưới 5 tuổi chỉ đước dưới 500 mg/ngày.
Nếu người dùng bổ sung ngắn hạn dưới 3 tháng có thể không cần tư vấn nhưng từ 3 tháng trở lên nhất thiết phải có chỉ định từ bác sĩ.
PGS Dũng cho rằng, nếu người sức khỏe bình thường không cần thiết bổ sung. Trường hợp bệnh nhân thiếu máu, suy dinh dưỡng, ung thư, ngộ độc mãn, ăn kém thì mới bổ sung vitamin C. Khi bổ sung cần cân nhắc khối lượng vì trong nhiều thực phẩm chức năng có vitamin tổng hợp và khối lượng có thể giao động sai số rất cao không như dược phẩm nên cẩn trọng tránh bị thừa. Người bổ sung vitamin C không uống lúc đói.
Theo Danviet