Nghề cao quý cần lương tương xứng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Năm 2006, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi đó có lời hứa “nhà giáo sống được bằng lương”.
Nay đã 16 năm trôi qua, với 4 thời bộ trưởng Bộ GD-ĐT, phần lớn giáo viên (GV) vẫn vật vã bám trụ với nghề dù đồng lương không đủ sống, dù công việc ngày càng áp lực hơn.
Trả lời báo chí ngay sau khi trở thành Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vào tháng 4.2021, ông Nguyễn Kim Sơn nhắc đến nhóm việc nóng, cấp bách cần làm ngay, trong đó dù không hứa hẹn, khẳng định về lương GV nhưng cũng chia sẻ: “Tôi rất mong muốn đời sống, thu nhập của người thầy được cải thiện”.
Mới đây, khi ồn ào chuyện thiếu GV trầm trọng mà không có nguồn tuyển, cùng với đó chỉ từ đầu năm đến nay đã có khoảng 16.000 GV trên cả nước nghỉ việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận việc này “gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học”. Trao đổi với PV Thanh Niên, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục Vũ Minh Đức cũng thừa nhận có nguyên nhân chính từ chính sách tiền lương, thu nhập của nhà giáo nói chung và đặc biệt với GV mới vào nghề, GV hợp đồng còn rất thấp; trong khi chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, học tập nâng cao trình độ…) khá cao.
Cục trưởng Vũ Minh Đức cho biết Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới; trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất, mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp; theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”; tạo sự thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Vấn đề này thực ra không phải bây giờ mới nhắc đến. Khi bàn sửa đổi luật Giáo dục 2019, dự thảo ban đầu đã đưa vào nội dung “lương GV được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”. Nội dung này nhận được sự ủng hộ rất lớn của dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, sau nhiều lần bàn thảo, vấn đề lương GV đã được đưa ra khỏi dự thảo luật Giáo dục 2019 trình Quốc hội thông qua. Khi ấy, hai bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đều không đồng tình với nội dung “lương GV được xếp cao nhất...” và cho rằng đề xuất như vậy sẽ “phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”…
GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, chia sẻ ông “rất tiếc”, bởi lẽ chủ trương xếp lương GV cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp đã có tại Nghị quyết T.Ư 8 khóa 2 năm 1996. Nhưng đến thời điểm sửa luật Giáo dục là hơn 20 năm qua, chúng ta vẫn chưa thực hiện được một chính sách đặc biệt cần thiết và có ý nghĩa này. Việc tăng lương cho nhà giáo là cuộc cách mạng, bởi đây là ý chí của Đảng và của nhân dân, chỉ khi Quốc hội đưa vào luật thì Chính phủ sẽ thực hiện.
Bản thân các nhà giáo đang cố gắng bám trụ với nghề cũng chia sẻ họ không kỳ vọng hay đòi hỏi lương phải cao nhất hay cao hơn các ngành nghề khác. Nhưng trước mắt, họ cần đồng lương đủ sống trên mức trung bình từ “nghề cao quý”, cộng với môi trường làm việc tốt, khuyến khích tự do sáng tạo nghề nghiệp.
Theo Tuệ Nguyễn (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Trách nhiệm với cơ sở

Trách nhiệm với cơ sở

Nhiều cán bộ công an cấp phòng, cấp huyện xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.

Đứng về phía người nghèo

Đứng về phía người nghèo

(GLO)- Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải hoàn thành trong năm 2025, Trung ương tập trung tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh và phát động các phong trào thi đua. 

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Là năm tăng tốc, về đích trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và khởi động cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, thế nên tết năm 2025 đã diễn ra hết sức đặc biệt.