Hòa bình luôn là ước vọng của tất cả mọi người. Là một người lính tham gia chiến tranh, dự cuộc vào ngày hòa bình 30/4/1975, tôi không bao giờ quên được thời khắc hạnh phúc ấy. Trận mạc kể như đã dày dạn, nhưng tình huống hòa bình này thật không thể tưởng tượng được.
Ngày hòa bình 30/4/1975 để lại một dấu mốc cho lịch sử. Chiến tranh kết thúc và hòa bình cho người dân Việt để đất nước thống nhất. Đã 46 năm. 30/4 năm nay có phần không náo nhiệt như mọi năm, cờ hoa cũng ít hơn và không khí dẫu vẫn sinh sắc, hồ hởi, nhưng người dân đón nhận lễ hòa bình có phần thực tế. Đã có những điểm bắn pháo hoa thường niên dừng lại kế hoạch. Những điểm vui chơi được hạn chế. Có thể do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phần nữa tôi nghĩ là mọi người đã có nhìn nhận sát thực hơn về ngày lễ hòa bình.
Hòa bình luôn là ước vọng của tất cả mọi người. Là một người lính tham gia chiến tranh dự cuộc vào ngày hòa bình 30/4/1975, tôi không bao giờ quên được thời khắc hạnh phúc ấy. Tôi là lính của một đại đội cao xạ pháo tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh ở cánh quân Tây Nam, mặt trận 232. Đơn vị tôi tham gia chiến dịch hành quân thần tốc vượt sông Vàm Cỏ vào đất Long An ở những ngày cuối chiến dịch.
Khi vượt sông bằng bến phà dã chiến, chúng tôi được lệnh chốt lại bảo vệ cuộc hành quân vượt sông. Đại đội triển khai trận địa chiến đấu ở một căn cứ của Chi khu Đức Huệ, Tiểu khu Hậu nghĩa của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Mấy ngày cuối cùng hầu như không quân Sài Gòn đã tan rã. Thi thoảng mới có một cuộc oanh kích lẻ tẻ, yếu ớt của một vài phi đội F5E và A37 vào vùng chiến sự. Hỏa lực cao xạ lúc này rất mạnh đủ sức đánh bật mọi cuộc oanh kích.
Sáng 30/4 sau vài ngày mệt mỏi trực chiến nhằm cảnh giác đối phó với những tốp F4 của không quân Mỹ vào yểm trợ cuộc di tản của người Mỹ, chúng tôi vẫn ở tư thế trên mâm pháo sẵn sàng chiến đấu. Chiến trường có vẻ im ắng. Các đơn vị chủ lực đã hoàn thành cuộc vượt sông, bến phà chỉ còn chở lẻ tẻ các đơn vị hậu cần, trợ chiến…
Quãng gần trưa chợt đại đội trưởng của chúng tôi ở hầm chỉ huy đang áp tai vào chiếc radio chợt hét lên lạc giọng vì sung sướng.
- Hòa bình rồi. Hòa bình rồi. Chiến tranh đã kết thúc….Kết thúc…
Cả đơn vị ngơ ngác rồi mọi người bừng hiểu. Không có lệnh nhưng hầu như tất cả đều rời bỏ vị trí chiến đấu. Ai đó ôm lấy đại đội trưởng rồi như một hiệu ứng lan truyền tất cả người nọ ôm người kia hét lên sung sướng. Có ai đó thút thít khóc lẩm bẩm: Sống rồi, sống rồi.
Tôi cũng như mọi người, sung sướng tột độ. Lúc ấy tôi nghĩ đến mẹ tôi ở nhà. Mẹ vẫn thương con trai bé bỏng đầu xanh tuổi trẻ xông pha nơi hòn tên mũi đạn. Vậy là con sắp được về với mẹ rồi. Chạy cung quăng khắp trận địa tôi chẳng biết nói gì, làm gì. Nhiều anh em giống như tôi. Cảm giác lúc ấy tất cả như òa vỡ rồi mê mụ đi. Chiến tranh đã kết thúc và hòa bình đã đến. Bấy giờ lứa lính đơn vị tôi tham gia trận mạc từ những ngày chiến đấu ngoài miền Bắc chống chiến tranh phá hoại của Mỹ năm 1972 đến khi vào Đông Nam Bộ đã được hơn 3 năm. Trận mạc kể như cũng đã dạn dày nhưng tình huống hòa bình này thật không thể tưởng tượng.
Bỗng có tiếng súng AK nổ liên thanh. Nãy giờ sung sướng không để ý hóa ra tiếng súng đồng loạt nổ rộ cả trong và ngoài trận địa ở những đơn vị khác. Chúng tôi lính pháo ít sử dụng vũ khí bộ binh, nhưng lúc này ai nấy đều tranh thủ lấy súng AK lia vài loạt lên trời. Lại là tiếng đại đội trưởng thất thanh ra lệnh không được bắn. Nhưng lúc đó ai mà cản được niềm hạnh phúc vô bờ. Tôi vốn nhát tiếng nổ nhưng cũng không thể cầm lòng chơi một điểm xạ dài.
Niềm vui hòa bình kéo rất dài. Đám lính sau hân hoan ban đầu đã tụ lại từng nhóm trà lá liên hoan. Câu chuyện rôm rả bất tận. Hòa bình mày về làm gì? Tao đi học. Chả làm gì cả tao về cưới vợ ngay lập tức, cô bạn học đã chờ đợi mấy năm, nhớ liệt người rồi. Còn tao về tiếp tục làm ruộng nuôi con. Có ai đó hỏi tôi câu tương tự. Vốn lém lỉnh đi trận chỉ sợ đói tôi bông đùa, tôi về việc đầu tiên là ra phố Hàng Buồm mua một con ngỗng quay rồi vòng xuống Cổ Tân làm mấy vại bia. A lê hấp để nguyên con ngỗng béo múp phập hàm răng vào cái lườn vàng rộm mà ngấu mà nghiến. Câu đùa của tôi chẳng ngờ lại được nhiệt thành hưởng ứng. Liên hoan thôi, giết lợn ăn mừng hòa bình đi đại đội trưởng ơi, chính trị viên ơi, thủ trưởng ơi…
Không có cuộc liên hoan nào hôm đó. Ngay lập tức đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân di chuyển đến vị trí mới. Ngày hòa bình đầu tiên vẫn là cơ động trên đường, vẫn xe pháo, chỉ khác là lần đầu tiên vũ khí, xe cộ không phủ lá ngụy trang.
Sau đó chúng tôi vào Hậu Nghĩa, Hóc Môn, Đức Hòa… tham gia cuộc diễu binh mừng hòa bình ở Sài Gòn ngày 15/5/1975. Còn điều này, lúc trước khi hành quân sau thời khắc hòa bình, chúng tôi làm nghi lễ tưởng niệm đến liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến dịch cuối cùng.
Năm sau hòa bình cánh lính chúng tôi lục tục được giải quyết ra quân theo chính sách. Những dự định cũng như ước mơ sau giây phút hòa bình được mỗi người lính thực hiện. Tôi ra quân vào dịp đó. Trở về như bao người lính khác rời cây súng tôi đi học, đi làm, bươn chải đủ nghề, để rồi cuối cùng trụ lại ở nghề văn. Riêng ước muốn con ngỗng quay tôi cùng bạn bè giải quyết đúng như thế ngay khi về Hà Nội. Thật hạnh phúc vô cùng.
46 năm đã trôi qua, những gì ở thời khắc hòa bình 30/4/1975 mãi hằn sâu và được những người lính chúng tôi lưu giữ, trân quý. Không có gì quý hơn hòa bình, càng quý giá khi để có được nó, đất nước và mỗi cá nhân đã phải trả cái giá không nhỏ.
Sẽ có người hỏi sao tôi không gọi ngày này là ngày chiến thắng. Tôi đã từng gọi thế không ít thời gian và viết như thế trong các sáng tác của mình. Tôi cũng gọi những người lính phía bên kia là "ngụy". Xin thưa chiến thắng quá đúng và tất nhiên có chiến bại không sai, nhưng gần nửa thế kỷ rồi, sự rạch ròi ấy nên gác đi, xếp lại để một đất nước thống nhất cần những tiềm lực thống nhất.
Vâng, hãy gọi đó là ngày hòa bình. Ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải.
Hà Nội 29/4/2021
Theo PHẠM NGỌC TIẾN (Dân Việt)
https://danviet.vn/ngay-hoa-binh-20210429125631095.htm