(GLO)- Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã triển khai quyết liệt các giải pháp tài chính-tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), thúc đẩy-hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã thực hiện cơ cấu lại nợ, hạ lãi suất các khoản vay cũ về mức 15%/năm, xem xét cho vay mới... nhưng để DN phục hồi “nội lực” thì xem ra cần rất nhiều thời gian.
Vì theo nhận định từ phía NHNN Việt Nam-ngay bản thân cộng đồng DN cũng có những vấn đề riêng, năng lực nội tại không có, lại phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn NH. Trong khi đó, hoạt động sản xuất kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Ảnh: Đức Thụy |
Tại Hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ ngân hàng nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn do NHNN Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh tổ chức, 3 vấn đề mấu chốt được Hội nghị quan tâm thảo luận nhiều nhất là vốn, lãi suất và làm cách nào để DN tiếp cận được nguồn vốn NH trong giai đoạn hiện nay. Bởi theo nhiều ý kiến, sự tồn tại của DN và cơ chế lãi suất NH luôn liên quan mật thiết với nhau.
Theo báo cáo từ NHNN-Chi nhánh tỉnh, qua thời gian chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã mang lại một số kết quả nhất định. Các DN gặp khó khăn về tài chính đều đã được các Chi nhánh NHTM tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giúp DN tái cấu trúc về tài chính để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Bằng những động thái tích cực, NHNN-Chi nhánh tỉnh, lãnh đạo các Chi nhánh NHTM, NH Phát triển tỉnh đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức gặp gỡ, trao đổi với Hội Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng nông sản xuất khẩu, Hội Doanh nghiệp ngành xây lắp để nắm bắt tình hình và tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cụ thể về thực hiện Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 10-5-2012 của Chính phủ, NHNN-Chi nhánh tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 111 DN, với dư nợ là 1.801 tỷ đồng (điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 494 tỷ đồng, gia hạn nợ 1.307 tỷ đồng); tính đến ngày 28-2-2013, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 121 DN với dư nợ 2.378 tỷ đồng. Về thực hiện trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực, ngành kinh tế theo Thông tư số 14/2012/TT-NHNN, đến cuối năm 2012, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới 7.269 khách hàng (trong đó có 544 DN) với dư nợ 2.502 tỷ đồng; tính đến cuối tháng 2-2013, các Chi nhánh cho vay mới 7.823 khách hàng (654 DN) với dư nợ 2.866 tỷ đồng.
Ảnh: Đức Thụy |
Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ về mức tối đa 15% theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN Việt Nam, các tổ chức tín dụng đã triển khai thực hiện, tiến hành rà soát lại những khoản cho vay cũ, điều chỉnh lãi suất các khoản vay này về dưới 15% và định kỳ hàng tuần báo cáo tiến độ thực hiện về NHNN-Chi nhánh tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Tính đến cuối năm 2012, các Chi nhánh đã điều chỉnh cho 49.473 khách hàng (trong đó có 1.078 DN), với dư nợ được điều chỉnh là 14.874 tỷ đồng, chiếm 87,2% tổng dư nợ lãi suất trên 15% (trong đó, dư nợ được điều chỉnh của các DN là 8.268 tỷ đồng, chiếm 93,8% tổng dư nợ lãi suất trên 15% của các DN).
Trong những tháng đầu năm 2013, việc tháo gỡ khó khăn cho DN được ngành NH tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, ngay chính các NHTM cũng đang đối mặt với một số khó khăn khi công tác huy động vốn tại chỗ mặc dù tăng trưởng khá nhưng chỉ mới đáp ứng được 51,4% dư nợ cho vay nên chưa chủ động trong việc mở rộng tín dụng, phần còn lại các Chi nhánh chủ yếu sử dụng nguồn vốn điều chuyển từ NHTM cấp trên.
Bên cạnh đó, mặc dù đã giảm lãi suất theo chỉ đạo nhưng dư nợ cho vay giảm so với cuối năm 2012. Một vấn đề quan trọng được NHTM quan tâm nhất là xử lý nợ xấu. Hiện nay, dư nợ được các Chi nhánh NHTM cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các DN theo Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012 là 2.378 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số dư nợ này có thể chuyển thành nợ xấu khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ 1-6-2013. Ông Lâm Quốc Vinh-Giám đốc BIDV Gia Lai đã đề xuất nên lùi lại thời gian thực hiện Thông tư 02/2013/TT-NHNN sang năm 2014. Vì các NHTM cần có thời gian để tiếp tục cơ cấu nợ, đưa nhóm nợ xấu về nhóm nợ bình thường. Nếu vẫn thực hiện Thông tư 02 như đã định thì các NHTM đương nhiên đối mặt với áp lực về trích chi phí dự phòng rủi ro khi nhóm nợ xấu gia tăng. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, BIDV Gia Lai đã thực hiện 5 đợt giảm lãi suất cho vay, hiện nay mức lãi suất cơ bản từ 13,5% đến 14%/năm.
Trước những khó khăn hiện nay, ngoài việc giảm lãi suất cho vay thì tự thân các DN phải phát huy nội lực của mình. Làm sao để nâng cao năng lực tài chính của DN, tỷ trọng vốn đối ứng của DN và NH phải cân đối, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn NH... thực sự là bài toán khó cho các DN và cho cả NH khi muốn tiếp cận nguồn vốn mới, bởi hoạt động tín dụng luôn chứa đựng nhiều rủi ro, liên quan mật thiết đến các quyết định của DN vay vốn.
Về vấn đề lãi suất, theo ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Agribank Gia Lai, hiện nay 96,7% đầu tư tín dụng của Agribank Gia Lai dành cho thị trường nông nghiệp-nông thôn. Để tính toán mức lãi suất cho vay dài hạn là một bài toán khó cho cả NH, DN và nông dân vì thời gian đầu tư tín dụng của một dự án kéo dài từ 10 nă đến 20 năm, nên đề nghị NHNN cần có một chính sách lãi suất dài hạn rõ ràng và ổn định hơn.
Trước những vấn đề thực tế của địa phương, các NHTM cũng chủ động cần tiết giảm chi phí lợi nhuận để có những chương trình cho vay lãi suất thấp nhằm chia sẻ khó khăn với DN, có những giải pháp cụ thể gắn kết nhiều hơn với DN; chủ động đề xuất với tỉnh, với Trung ương hỗ trợ DN phát triển…
Sơn Ca