Ngành Du lịch làm gì với 2 "mỏ vàng" mới phát hiện?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc Gia Lai phát hiện và thông tin trên báo chí về 2 di sản địa chất có giá trị đặc biệt ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) và ở làng Đôn Hyang (xã Đê Ar, huyện Mang Yang) trong tháng 6-2021 có thể xem là một sự kiện. Nó đã thực sự gây chú ý và chắc chắn sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát và ngăn chặn.
Là những địa điểm mới, chưa được đánh dấu trên bản đồ du lịch địa phương, việc khai thác 2 di sản địa chất hẳn còn nhiều vấn đề phải bàn. Dịch Covid-19 là một trở ngại cho du lịch. Tuy vậy, những người có trách nhiệm hoàn toàn có thể tận dụng thời gian hoạt động này bị ngừng trệ để chuẩn bị cho việc tái khởi động du lịch địa phương bằng chính 2 điểm nhấn độc đáo này.
Chúng tôi đã hơn nhiều lần đến khảo sát các di sản địa chất kể trên. Về giá trị, theo các nhà chuyên môn, đây là những quần thể đá cổ có niên đại hàng triệu năm, hiếm thấy cả ở Việt Nam và cả trên thế giới. Những khóm đá lục lăng tại Chư Păh và Mang Yang được xếp ngang hàng với người anh em của chúng tại Gành Đá Đĩa Phú Yên-di tích quốc gia đặc biệt.
Trong tương quan chung, nếu Gành Đá Đĩa Phú Yên có lợi thế lớn là nằm cạnh biển, đã được đầu tư đáng kể, được du khách biết đến từ lâu thì 2 di sản của Gia Lai lại có điểm cộng khác, đó là tọa lạc giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh) hoặc được bao bọc giữa núi rừng (xã Đê Ar, huyện Mang Yang). Hơn thế, các di sản của Gia Lai chưa được nhiều người ngoài tỉnh biết nên sự háo hức vẫn còn nguyên trong mỗi du khách có ý định đến thưởng ngoạn và trải nghiệm ở nơi này.
Nếu điểm du lịch được hiểu là cần có đường giao thông thuận tiện kèm hàng loạt dịch vụ liên quan thì cả 2 “mỏ vàng” mới của Gia Lai đều chưa đáp ứng được điều kiện này. Sự hoang sơ của cả 2 nơi này có thể mang lại sự hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, hoang sơ không đồng nghĩa với việc thiếu thông tin quảng bá, thiếu dịch vụ thiết yếu hoặc khó khăn về đường đi lối lại, thậm chí chưa có cả thùng rác.
âsa

Suối đá triệu năm ở làng Vân (thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Sở dĩ như vậy là vì cả 2 di sản trên đều chưa được xếp hạng, càng không phải là những khu du lịch chính thức, chưa được đầu tư hay quản lý, điều hành của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Trong khi suối đá cổ làng Vân là nơi mà một bộ phận dân cư các cộng đồng xung quanh đó sử dụng nước để tưới cà phê hoặc tắm giặt, câu cá thì quần thể đá cổ ở Đê Ar từ trước đến nay là vùng “trắng” thuộc hạ lưu của Nhà máy Thủy điện H’Chan, rất ít dấu chân người qua lại, thậm chí có thể nói chưa có lối đi chính thức.
Gia Lai nên làm gì với 2 di sản độc đáo kể trên? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ngay khi mới phát hiện ra suối đá cổ làng Vân, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho rằng có mấy việc cần làm: Đề nghị UBND tỉnh có chủ trương, biện pháp bảo tồn phù hợp; nghiên cứu, xây dựng để nơi đây trở thành một điểm du lịch, gắn với tour Thủy điện Ia Ly, núi lửa Chư Đang Ya... Theo chúng tôi, điều này hoàn toàn đúng và mô hình này đương nhiên cũng có thể áp dụng cho quần thể đá cổ H’Chan ở Mang Yang.
Ở góc độ bảo tồn di sản, chúng tôi cho rằng các đơn vị chức năng nên sớm khảo sát, đánh giá thực trạng và đề xuất UBND tỉnh cho phép lập hồ sơ di tích cấp tỉnh đối với những địa điểm nói trên. Việc làm này có ý nghĩa hết sức thực tế, là khoanh vùng và giữ được đất để sau này có thể đầu tư, phát huy các giá trị của di tích cũng như phát triển du lịch địa phương.
Thẳng thắn nhìn nhận, việc đầu tư cho 2 nơi kể trên để chúng trở thành những điểm du lịch thật sự cần có thời gian và nguồn lực tài chính đáng kể. Cũng như vậy, để các di sản rất có giá trị ấy được công nhận là di tích cũng không phải việc một sớm một chiều. Trong khi đó, thực tế cho thấy, ngay sau khi được phát hiện, các điểm di sản đá cổ ở Chư Păh và Mang Yang đã thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan. Hàng ngàn bức hình chụp từ những nơi này đã tạo thành một làn sóng dư luận đáng kể trên mạng xã hội. Rất nhiều người ngoài Gia Lai đã sắp xếp hoặc ao ước được tham quan các di sản này khi điều kiện cho phép.
Công bằng mà nói, những ngày qua, kiểu du lịch tự phát tại 2 địa điểm này đã gây ra nhiều phiền toái, trong đó có việc xả rác. Đến nay, chưa có điều gì đáng tiếc liên quan đến tính mạng hay tài sản của du khách nhưng không ai dám chắc điều đó là vĩnh viễn, khi mà số lượng người đổ về 2 nơi này mỗi ngày một đông.
Trong khi chờ đợi giải pháp căn cơ, các cơ quan chức năng nên làm ngay một số việc cấp thiết. Ít nhất, tại các địa điểm nói trên, hệ thống biển báo giao thông, biển cảnh báo nguy hiểm và đặc biệt là các thùng rác nhất thiết phải có. Việc bảo đảm an ninh, dọn vệ sinh tại 2 địa điểm cũng phải được quan tâm. Về kinh phí, các địa phương nên tham khảo Nghị quyết số 96/2014/NQ-HĐND, ngày 16-7-2014 của HĐND tỉnh quy định về phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa áp dụng trên địa bàn tỉnh để đề xuất một mức thu phù hợp cho việc này.
Cho đến nay, có thể khẳng định, Gia Lai đã thực sự có 2 “mỏ vàng” về du lịch. Dư luận đang trông chờ cách khai thác hiệu quả những “mỏ vàng” này của các cơ quan chức năng địa phương.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Đi du lịch trước Tết, cảm nhận sắc Xuân sớm

Với mong muốn mang đến cho du khách trải nghiệm đặc biệt, chứng kiến không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão ở các đô thị hay vùng quê, nhiều doanh nghiệp dịch vụ lữ hành, điểm đến ở Nam Bộ đã sớm hoàn thiện sản phẩm, khai thác chùm tour, tuyến du lịch đón Xuân sớm.