Ngang nhiên mua bán súng đạn: Cần có chiến dịch truy quét, trấn áp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau loạt bài Ngang nhiên mua bán súng đạn và một số vụ nổ súng gây thương vong cho nhiều người đã xảy ra thời gian gần đây, PV Thanh Niên có cuộc trao đổi nhanh với đại biểu Quốc hội, bộ ngành về vấn đề này.
Gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội
Theo Công an TP.HCM (CATP), từ đầu năm 2022 đến nay, CATP đã tập trung lực lượng tăng cường công tác nắm tình hình, đấu tranh phòng chống tội phạm về ma túy, quá trình triệt phá nhiều đường dây, tang vật thu giữ không chỉ có ma túy mà còn có súng, đạn… Điển hình, ngày 4.6.2022, CATP phối hợp Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an và Đoàn Đặc nhiệm Phòng, chống tội phạm - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đấu tranh, khám phá, bắt giữ 3 đối tượng có hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy từ Campuchia về TP.HCM tiêu thụ; thu giữ 104,6 kg ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng, 1 hộp tiếp đạn, 4 viên đạn.
Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (PC02), CATP, cho biết thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về việc tăng cường phòng ngừa và đấu tranh tội phạm về sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, PC02 đang triển khai nhiều kế hoạch tấn công với loại tội phạm này. Việc triệt phá, thu giữ số lượng lớn vũ khí trên góp phần đảm bảo an ninh trật tự (ANTT), kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự và các vụ việc băng nhóm mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ để thanh toán lẫn nhau.

 
Lực lượng công an sẽ kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, mua bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ nay đến cuối năm 2022, PC02 sẽ tiếp tục phối hợp với các quận huyện, TP.Thủ Đức đẩy mạnh tấn công trấn áp các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm gây rối trật tự công cộng và cố ý gây thương tích.
Theo nguồn tin từ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC06), CATP, cho biết hiện tình trạng mua bán trái phép các loại súng, hay vũ khí, vật liệu nổ... trên mạng có lợi nhuận cực cao. Hành vi công khai rao bán những loại hung khí, công cụ hỗ trợ mà không được cấp giấy phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang rất đáng lo ngại và nguy cơ tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm đến tình hình ANTT xã hội. Điều đáng lo ngại nhất là công tác quản lý nhà nước về vũ khí thô sơ, súng tự chế còn hạn chế. Vị này nói thêm đã có nhiều vụ án hình sự xảy ra, sau khi khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an thu rất nhiều dao kiếm, súng tự chế... Vì vậy các cơ quan ban ngành, lực lượng công an… cần kiểm soát, ngăn chặn; cơ quan chức năng cần phát hiện, chặn nguồn cung cấp để tránh hệ lụy xấu xảy ra.
Trước hết cần có một hàng rào về kỹ thuật để hạn chế, ngăn chặn tối đa những giao dịch trái phép các loại vũ khí này. Tôi cho đây là sức ép lớn với cơ quan chức năng như công an, do đó cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan.
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội
Vị này cũng cho biết lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các website, quảng cáo, Facebook đang công khai rao bán công cụ hỗ trợ trái phép để xử lý nghiêm.
Ngoài ra, vị này cho rằng để ngăn chặn tình trạng rao bán công khai súng săn và công cụ hỗ trợ, cần tăng cường quản lý nhà nước của các sở ban ngành đối với các trang mạng xã hội vì hiện việc mua bán trên mạng phức tạp. Ngoài ra, lực lượng công an tăng cường lập các chuyên án bóc gỡ các đường dây buôn bán súng săn, công cụ hỗ trợ, đưa các đối tượng cầm đầu ra trước pháp luật để răn đe.
“Hiện việc mua bán súng đạn (loại công cụ hỗ trợ) dễ dàng trên mạng nên các đối tượng phạm tội thường mua trên đó. Lực lượng chức năng, lực lượng công an sẽ cùng phối hợp vào cuộc để xử lý các đối tượng mua bán súng đạn… trên mạng để răn đe”, một lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an nhấn mạnh.
Tình trạng rất đáng báo động
Theo đại biểu (ĐB) Quốc hội Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội, hiện cơ sở pháp lý quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ đều đầy đủ, lực lượng chức năng quản lý vấn đề này, nhất là Bộ Công an cũng đang làm rất tốt. Tuy nhiên, việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ trái phép, nhất là trên internet với tính ẩn danh rất cao đang trở thành một thách thức lớn. Đây cũng là thách thức với nhiều quốc gia khác chứ không chỉ VN.
Thực tế, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc về ANTT có sử dụng các loại vũ khí, đặc biệt và điển hình nhất là vụ việc xảy ra tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) hồi cuối tháng 10 vừa qua. Từ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai, 2 nhóm đối tượng đã sử dụng nhiều loại vũ khí, trong đó có cả súng quân dụng để thanh toán lẫn nhau dẫn đến hậu quả là nhiều người chết và bị thương.
Hàng loạt vụ việc như vừa qua cho thấy tình trạng rất đáng báo động trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ, đặc biệt là việc mua bán cũng như sử dụng các loại vũ khí này để thực hiện các hành vi phạm tội. Ngay ngày 14.11, tại Thái Nguyên cũng đã có một đối tượng sử dụng súng để cướp ngân hàng.
“Với thực trạng nói trên, tôi cho rằng cần phải có giải pháp mạnh mẽ, mang tính tổng thể để siết lại việc quản lý đồng thời đấu tranh thật mạnh, hiệu quả đối với các đối tượng vi phạm. Bởi vì nếu để tình trạng này tiếp diễn có thể dẫn đến những hệ lụy lớn đối với xã hội, ảnh hưởng trực tiếp tới ANTT. Thậm chí, nếu không quản lý tốt, để việc mua bán các loại vũ khí, vật liệu nổ quân dụng và công cụ hỗ trợ dễ dàng như tình trạng vừa qua, các thế lực thù địch, chống đối hoàn toàn có thể lợi dụng để thực hiện các hoạt động gây rối. Nói cách khác, hệ lụy của nó có thể rất lớn chứ không chỉ là một vài vụ cướp, một vài vụ thanh toán lẫn nhau.
Về giải pháp, theo tôi, trước hết các cơ quan chức năng của Bộ Công an, các lực lượng được giao nhiệm vụ quản lý vấn đề này cũng như các cơ quan liên quan như Cục An ninh mạng của Bộ Công an, đơn vị an ninh mạng của Bộ TT-TT, Tổng cục Quản lý thị trường, kể cả các nhà mạng viễn thông cần có sự phối hợp chặt chẽ để đánh giá tình hình cũng như có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả xử lý tình trạng nêu trên”, ĐB Trịnh Xuân An nói.
Theo ĐB Trịnh Xuân An, việc nhiều đối tượng mua bán và sử dụng súng, các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ dễ dàng trong các vụ phạm tội như vừa qua cho thấy có lỗ hổng trong quản lý. Việc quản lý về an ninh mạng vừa qua tập trung nhiều vào vấn đề an toàn thông tin, hay hàng giả, hàng nhái, lừa đảo… song vấn đề mua bán, trao đổi các loại vũ khí vật liệu nổ quân dụng hay công cụ hỗ trợ lại chưa thực sự được quan tâm. Rõ ràng để việc giao dịch, mua bán các loại vũ khí tràn lan trên mạng internet như vừa qua thì phải có cả một hệ thống ngầm để giao dịch nhưng chúng ta chưa có công cụ để kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc này. Vì vậy, trước hết cần có một hàng rào về kỹ thuật để hạn chế, ngăn chặn tối đa những giao dịch trái phép các loại vũ khí này. Tôi cho đây là sức ép lớn với cơ quan chức năng như công an, do đó cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan.
Thứ hai, tôi cho rằng cần phải xử lý nghiêm với các trường hợp vi phạm để đảm bảo tính răn đe. Các cơ quan chức năng cần bám, nắm các đối tượng có khả năng mua sắm, sử dụng các loại vũ khí này. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có chiến dịch truy quét, trấn áp các đối tượng vi phạm và xử lý thật nghiêm. Chẳng hạn như các vụ việc xảy ra thực tế vừa qua thì phải xử lý nghiêm để mang tính răn đe.
Theo Ngọc Lê-Lê Hiệp (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.