Ngăn ngừa hiểm họa từ vũ khí trôi nổi trên địa bàn biên giới Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau vụ nhóm khủng bố dùng hung khí tàn sát cán bộ và nhân dân, đập phá trụ sở nhà nước xảy ra ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) vào ngày 11/6/2023, một lần nữa vấn đề quản lý, sử dụng vũ khí (VK) lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Rõ ràng, một khi các loại vũ khí vẫn còn trôi nổi trong dân, dù số lượng không nhiều cũng mang đến những mối hiểm họa khôn lường đối với tính mạng, tài sản con người, cũng như việc bảo tồn hệ sinh thái. Trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên, công tác vận động thu hồi VK tàng trữ, sử dụng trái phép được triển khai quyết liệt trong nhiều năm qua đã góp phần hạn chế những tác hại do súng đạn gây nên...
- Các đối tượng dùng súng săn bắn thú rừng trái phép bị Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai phát hiện, bắt giữ ngày 4/7/2023. Ảnh: Thái Kim Nga

- Các đối tượng dùng súng săn bắn thú rừng trái phép bị Đồn Biên phòng Ia Mơ, BĐBP Gia Lai phát hiện, bắt giữ ngày 4/7/2023. Ảnh: Thái Kim Nga

Súng, đạn từ đâu mà ra?

Điểm lại những đợt ra quân cao điểm tuyên truyền, vận động thu hồi VK tàng trữ, sử dụng trái phép trong dân của BĐBP các tỉnh Tây Nguyên, có thể nhận thấy, địa bàn biên giới là một trong những khu vực có số lượng VK bất hợp pháp (các loại súng quân dụng, Klip, kíp, tự chế, thể thao) khá lớn. Gần 30 năm qua kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 47/CP, ngày 12/8/1996 về quản lý VK, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Tây Nguyên đã đẩy mạnh công tác dân vận, kết hợp biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi mua bán, tàng trữ, sử dụng VK trái phép. Số lượng VK được thu hồi hàng năm là rất lớn, song tình trạng cất giấu, sử dụng các loại súng vẫn âm ỉ diễn ra trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, chủ yếu nhằm mục đích săn bắn thú rừng và bảo vệ nương rẫy.

Có thể khẳng định, hiện tượng mua bán, vận chuyển các loại VK, vật liệu nổ trên địa bàn Tây Nguyên là có, nhưng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, theo kiểu mua bán qua tay, chứ chưa hình thành những đường dây mang tính chuyên nghiệp. Ngoài số ít súng quân dụng trôi nổi từ chiến tranh tồn lại, hầu hết là các loại súng tự chế, súng kíp, súng thể thao do đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào mang theo.

Phần đông người dân tàng trữ VK trái phép luôn tìm cách đối phó với cơ quan chức năng như cất giấu trong rừng, hoặc trên nương rẫy chứ không bao giờ mang về nhà. Họ chỉ tự giác giao nộp khi cơ quan chức năng đã “khoanh vùng”, có đủ cơ sở để chứng minh hành vi tàng trữ, sử dụng VK trái phép. Đây chính là khó khăn, thách thức đối với chính quyền địa phương và BĐBP trong công tác tuyên truyền, vận động thu hồi VK tàng trữ, sử dụng trái phép trên khu vực biên giới.

Siết chặt các biện pháp, quản lý chặt chẽ VK, vật liệu nổ

VK trôi nổi là mối hiểm họa khôn lường không chỉ đối với con người, mà còn trực tiếp đe dọa đến sự cân bằng hệ sinh thái, bảo tồn và duy trì nguồn gen động vật hoang dã quý hiếm. Rõ ràng, tập quán dùng súng đạn để bảo vệ con người, cây trồng, vật nuôi của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên giờ đây không còn “chỗ đứng” trong cộng đồng, bởi môi trường an ninh trên địa bàn luôn được bảo đảm, hình thức canh tác cũng đã hiện đại, tập trung chứ không còn manh mún nhỏ lẻ, dễ bị muông thú phá hoại mùa màng như ngày xưa, nên không cần có súng để xua đuổi. Việc tàng trữ, sử dụng các loại VK lúc này chủ yếu nhằm mục đích săn bắn thú rừng và một số nhỏ là để thỏa mãn "thú chơi" sưu tầm.

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Thầy, BĐBP Kon Tum thu hồi vũ khí tàng trữ, sử dụng trái phép trong nhân dân. Ảnh: Thái Kim Nga

Cán bộ Đồn Biên phòng Sa Thầy, BĐBP Kon Tum thu hồi vũ khí tàng trữ, sử dụng trái phép trong nhân dân. Ảnh: Thái Kim Nga

Tuy vậy, dù nhằm bất kỳ mục đích gì thì việc siết chặt các biện pháp, quản lý các loại VK, vật liệu nổ trên địa bàn biên giới là hết sức cấp thiết. Như chúng tôi đã nói, đối với các đơn vị BĐBP trên tuyến biên giới Tây Nguyên, đây là lựa chọn duy nhất và được triển khai thường xuyên, liên tục từ nhiều năm qua. Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động để bà con tự giác giao nộp VK, các đồn Biên phòng luôn đi sâu, đi sát địa bàn, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, điều tra khoanh vùng những đối tượng có dấu hiệu tàng trữ, sử dụng trái phép các loại VK để khi “bắt mạch” ở đâu là chính xác ở đó.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2022 đến nay, BĐBP các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông) đã thu giữ hơn 200 khẩu súng các loại, gần 100kg thuốc nổ TNT cùng nhiều vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khác. Để có được kết quả rất đáng khích lệ này, các đơn vị BĐBP đã vận dụng nhiều biện pháp từ công tác trinh sát nắm tình hình, đấu tranh chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đến xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động bà con nhân dân nói không với các loại VK, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, từ đó tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng.

Công tác quản lý VK, vật liệu nổ trên địa bàn biên giới được chính quyền và lực lượng chức năng triển khai chặt chẽ đa dạng với nhiều cách làm hay, mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình là phong trào toàn dân thực hiện cuộc vận động thu hồi VK, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở tỉnh Đắk Nông. Tại đây, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh viết thư kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào và lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin liên quan. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, người dân trong tỉnh đã tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng hàng trăm khẩu súng, nhiều công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ, riêng BĐBP đã tiếp nhận, xử lý 30 khẩu súng các loại.

Ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk, địa bàn tiềm ẩn phức tạp do nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Yok Đôn, chính quyền địa phương và các đồn Biên phòng thường xuyên “kích hoạt” phong trào toàn dân đấu tranh tố giác tội phạm, tăng cường tuyên truyền, vận động thu hồi VK tàng trữ, sử dụng trái phép trong nhân dân. Từ năm 2022 đến nay, BĐBP Đắk Lắk đã vận động thu hồi được gần 100 khẩu súng các loại, siết chặt công tác quản lý VK, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, hạn chế xuống mức thấp nhất tình trạng săn bắn thú rừng trên khu vực biên giới.

Tương tự, ở địa bàn Bắc Tây Nguyên, BĐBP Gia Lai và Kon Tum một mặt, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác giao nộp VK; mặt khác, tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng các chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh bóc gỡ nhiều vụ án mua bán, vận chuyển các loại vật liệu nổ trái phép. Chỉ riêng đợt ra quân cao điểm từ đầu năm 2023 đến nay, BĐBP 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã vận động thu hồi và bắt giữ được 47 khẩu súng, 1 quả lựu đạn, gần 200 viên đạn các loại. Đáng chú ý, trong số này có cả VK được các đối tượng lén lút mang từ địa bàn nội địa lên biên giới nhằm mục đích săn bắn thú rừng.

Có thể nói, việc siết chặt các biện pháp, quản lý chặt chẽ VK, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là việc làm hết sức cần thiết để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản con người và môi trường sinh thái. Tuy nhiên, để có được môi trường an ninh thật sự an toàn và bền vững nhất thì mọi người dân hãy “nói không” với việc tàng trữ trái phép VK, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trước khi quá muộn.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...