Đắk Lắk: Thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, đảm bảo an ninh ở biên giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ năm 2020 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk vận động thu hồi trên 110 khẩu súng các loại, 46 viên đạn và nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ tự chế khác.

Ảnh minh họa. Ảnh: Sơn Ca/Vietnam+
Ảnh minh họa. Ảnh: Sơn Ca/Vietnam+
Tỉnh Đắk Lắk có đường biên giới dài hơn 71km, tiếp giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia), với 4 xã biên giới thuộc 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp.
Những năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk tích cực vận động, tuyên truyền cùng các biện pháp nghiệp vụ thu hồi nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh vận động thu hồi trên 110 khẩu súng các loại, 46 viên đạn và nhiều vũ khí, công cụ hỗ trợ tự chế khác.
Trước tình trạng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ trên địa bàn khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh mở đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn trường hợp vi phạm.
Đại úy Nguyễn Viết Thanh, Đội trưởng Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Ia Rvê, Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, xã Ia Rvê là một trong những “điểm nóng” về tàng trữ vũ khí và công cụ hỗ trợ.
Năm 2022, lực lượng Bộ đội Đội Biên phòng thu hồi 10 khẩu súng các loại, trong đó có 1 khẩu quân dụng, 9 khẩu súng bắn đạn hơi cồn, 2 gói thuốc nổ với trọng lượng 0,5kg, 2 kíp nổ, 1 mã tấu.
Theo Đại úy Nguyễn Viết Thanh, trước đây, đồng bào chưa chủ động giao nộp vũ khí do thói quen săn bắn có từ lâu đời. Ngoài ra, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm cũng như hành vi vi phạm khi tàng trữ các loại súng và công cụ hỗ trợ.
Trước tình hình đó, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã bám nắm địa bàn, từng bước tuyên truyền, vận động kết hợp với biện pháp răn đe để người dân nâng cao nhận thức, tự nguyện giao nộp vũ khí.
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy xã Ia Rvê cho rằng, do một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ, sợ bị xử lý vi phạm nên rất ít gia đình chủ động giao nộp vũ khí, vật liệu nổ.
Do đó, chính quyền địa phương phối hợp với lực lượng chức năng kiên trì vận động, giải thích cho bà con hiểu và chấp hành quy định của pháp luật. Từ đó, người dân chủ động giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ và tự tuyên truyền về quy định của pháp luật liên quan đến việc tàng trữ vũ khí; qua đó góp phần rất lớn vào việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội và an ninh khu vực biên giới.
Đại tá Vương Trường Nam, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, công tác vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được triển khai đồng bộ, quyết liệt, góp phần phòng ngừa từ xa, ngăn chặn các loại tội phạm lợi dụng, sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Qua từng năm, số lượng vũ khí, vật liệu nổ và phương tiện hỗ trợ do Bộ đội Biên phòng tỉnh thu hồi liên tục giảm, góp phần giảm thiểu hiểm họa liên quan đến vũ khí tự chế tại khu vực biên giới.
Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sắp tới, lực lượng Bộ đội Biên phòng tiếp tục nắm bắt địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ ở khu vực biên giới, góp phần phục vụ nhân dân yên tâm vui Xuân, đón Tết.
Theo Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.