Ngăn 'ngâm' giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần thứ ba tính từ tháng 9-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuần qua tiếp tục nhắc các địa phương vẫn trì trệ giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí ông còn thẳng thừng yêu cầu 'anh nào không giải ngân được thì điều chuyển sang đơn vị khác!'
 


Ông cũng đã từng "điểm mặt" các nguyên nhân của việc chậm giải ngân bằng vài từ ngắn gọn: do vốn, thủ tục phức tạp, hay do tinh thần, thái độ thiếu tích cực?

60% của 700.000 tỉ đồng đang nằm ở các địa phương cần được giải ngân trong năm 2020 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Nếu nhìn nguồn vốn đầu tư công chiếm khoảng 10,7% tổng giá trị GDP, càng thấy hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công khác nào "nút thắt cổ chai đối với nền kinh tế", để lại rất nhiều hậu quả mà ở thời điểm hậu COVID-19, đây là điều khó chấp nhận được khi nhiệm vụ thúc đẩy sản xuất, kích thích tăng trưởng kinh tế như là mệnh lệnh sống còn.

Cỗ máy tăng trưởng của VN mà Chính phủ ví như "cỗ xe tam mã" gồm ba cấu phần quan trọng đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng sẽ tăng trưởng kiểu gì khi hạng mục quan trọng nhất là đầu tư, trong đó các dự án đầu tư công có nhiệm vụ tạo ra hàng triệu công ăn việc làm cho người dân thoát khó vì dịch COVID-19 vẫn chậm chạp đầy khó hiểu?

Việc chậm xử lý dứt điểm những nguyên nhân tồn đọng đưa đến giải ngân vốn đầu tư công cứ rề rà, từng được Bộ Kế hoạch - đầu tư thống kê có đến 15 lý do từ khách quan đến chủ quan, dường như vẫn không có nhiều chuyển biến.

Vậy cỗ xe bị nghẽn ở đâu? Nổi cộm tồn đọng vẫn là công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, khiến khả năng giao và giải ngân vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không thể sát được với khả năng thực hiện trên từng dự án.

Còn với các dự án dù đã được thông qua chủ trương, nhưng tiền vẫn "ì èo" chưa giải ngân ra được xã hội thì lại thuộc trách nhiệm không nhỏ của người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương khi thiếu quyết liệt, có phần đùn đẩy, né tránh trong triển khai.

Điều đáng nói là lãnh đạo các địa phương và bộ ngành - nơi đang có những dự án hạ tầng quan trọng được rót vốn từ ngân sách nhà nước - đều hiểu rất rõ việc giải ngân chậm sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP như thế nào.

Tiếp đến là gây lãng phí lớn khi tiền nằm ở đó mà Chính phủ phải trả thêm chi phí vốn.

Chưa kể kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, làm doanh nghiệp phải chịu chi phí bị đội lên, nợ nần tăng thêm…

Hi vọng với lần "ra tay" thật quyết liệt này, Chính phủ sẽ không cho phép tồn tại các nguyên nhân chậm giải ngân "vô cùng đa đạng" kéo dài như thời gian qua.

Một khi đã chỉ ra được các điểm nghẽn như thế, rõ ràng không chỉ có cơ quan quản lý mà cả cấp cao nhất cũng thấy cần phải hành động quyết liệt hơn để giải quyết tình trạng giải ngân chậm đến mức "báo động đỏ".

Nó cũng chính là trách nhiệm buộc phải thấy của các bên liên quan với đất nước, xã hội và cả người dân.

Còn nếu những ai không thấy những điều đó, hãy quyết liệt làm như Thủ tướng nói: "Chuyển sang đơn vị khác!".

Theo TRẦN VŨ NGHI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế

Hai câu chuyện về thuế của các doanh nghiệp đặt ra nhiều suy ngẫm cho chúng ta trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, công bằng trong kỷ nguyên mới.

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tận dụng tối đa cơ hội thu hút FDI

Tháng 3, Việt Nam đón tiếp 2 đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ, với hơn 60 thương hiệu lớn. Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), ông Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho biết đây là phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ lớn nhất từng đến Việt Nam.

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Trị sốt đất để dồn sức cho tăng trưởng

Thật phi lý khi vừa qua những thông tin đồn sốt đất đã bùng lên với lý do sáp nhập tỉnh thành, cho dù thực tế chẳng ăn nhập gì với nhau. Mục đích sáp nhập nhằm tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực phát triển kinh tế chứ không phải hướng đến phát triển bất động sản (BĐS).

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

Tư duy mới cho tác phẩm đặt hàng

MV Bắc Bling của Hòa Minzy đạt hơn 77 triệu lượt xem sau 20 ngày phát hành, đứng tốp 1 Trending YouTube Việt Nam liên tục gần 2 tuần lễ. Đây là thành công của một sản phẩm âm nhạc, minh chứng cho cách một tác phẩm có thể khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc mà không cần những khẩu hiệu cứng nhắc.