Chưa bao giờ tình trạng bác sĩ nghỉ việc lại rộ lên như những tháng vừa qua. Một số kỳ họp HĐND ở tỉnh, thành đưa ra những kết quả giám sát cùng những con số đáng để giật mình, đòi hỏi có giải pháp khắc phục.
Trước đó, tại hội nghị ngày 4-7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo báo cáo của các địa phương, năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, bỏ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng viên chức thôi việc, bỏ việc cao như: TP HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng...
Tại TP HCM, năm 2020 có 597 người nghỉ việc, năm 2021 có hơn 1.000 người nghỉ việc và quý I/2022 có 396 người nghỉ (268 người ở các bệnh viện tuyến thành phố, còn lại ở quận - huyện, phường - xã), cao hơn quý I/2021 là 219 người. Tại Hà Nội, từ năm 2021 đến tháng 4-2022 có 857 người nghỉ việc, chuyển công tác, tập trung ở các bệnh viện lớn. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2020 đến tháng 4-2021 có 221 người rời bệnh viện, trong đó hơn 100 người là bác sĩ, phó giáo sư, tiến sĩ, có người là trưởng khoa...
Những lý do chính của tình trạng y, bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc là thu nhập thấp, lương và phụ cấp chưa bảo đảm nhu cầu cuộc sống; áp lực công việc cao, cường độ lao động lớn, suy giảm thể chất... Ngoài ra, còn có những lý do cá nhân khác, những tác động tâm lý từ các vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong mua sắm, đấu thầu thời gian qua...
Ai cũng rõ ngành y là ngành cao quý, được xã hội trọng vọng. Những người khoác áo blouse chân chính đều làm tốt thiên chức cứu người, xứng đáng với lời thề Hyppocrates. Hai năm qua, họ là những chiến sĩ trên tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, chấp nhận gian khổ và hy sinh cả mạng sống của mình để cứu hàng vạn bệnh nhân Covid-19. Đó là những hy sinh lớn lao, thầm lặng, được xã hội trân trọng, tôn vinh. Nhưng trong đời thường, những khoản chăm lo, đãi ngộ chưa tương xứng với đóng góp, công sức họ bỏ ra.
Để có được một bác sĩ y khoa, thời gian đào tạo kéo dài 6 năm trong khi các ngành khác hệ đại học thường chỉ học 4 hoặc 5 năm. Ra trường, bác sĩ phải mất 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1, trong khi các ngành khác nhận mức lương khởi điểm là 2,34. Đây là một bất cập, thiệt thòi cho ngành y tế. So sánh với ngành giáo dục, lao động trong ngành y có phần vất vả, độc hại hơn nhiều nhưng lao động ngành y không được hưởng chế độ thâm niên nghề như ngành giáo dục được hưởng. Nhiều người sau khi tốt nghiệp đại học phải làm việc không công thời gian dài trong bệnh viện lớn mới được xét ký hợp đồng, vào biên chế, nên khi họ nghỉ hưu thì không thể nào có đủ thời gian làm việc để hưởng mức tối đa 75%.
Để khắc phục hiện trạng, Bộ Y tế và Công đoàn ngành y tế đã đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40%-70% lên 100%; đề nghị tiền lương khởi điểm riêng với bác sĩ ngành y áp dụng mức tương đương bậc 2 là 2,67; được hưởng thâm niên nghề như ngành giáo dục...
Hy vọng những kiến nghị được cấp thẩm quyền giải quyết sớm, góp phần ngăn dòng chảy y, bác sĩ nghỉ việc, giữ họ lại với nghề, không lãng phí nguồn vốn quý về nhân lực.
Theo THÔNG ĐẠT (NLĐO)