(GLO)- Năm 2014, số vụ vi phạm trong buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã giảm hơn so với năm 2013 (từ 4.008 vụ xuống còn 3.388 vụ). Tuy nhiên, xét về mức độ thì năm 2014 tình hình diễn biến phức tạp và nghiêm trọng hơn kể cả tính chất và quy mô, đặc biệt nổi lên là các vụ buôn bán và vận chuyển thuốc lá ngoại và gỗ nhập lậu. Cụ thể, năm 2014 số vụ bị xử lý hình sự tăng 15 vụ (năm 2014: 46 vụ, năm 2013: 31 vụ); tịch thu 1.539 cây (quả) pháo các loại; 177.724 bao thuốc lá ngoại nhập lậu; 1.354 chai rượu giả; 2.202 m3 gỗ…
Ảnh: Lê Lan |
Lý giải về việc vẫn còn để “lọt” các vụ vận chuyển lâm sản trái phép, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng: Lực lượng quản lý hết sức khó khăn do đường biên dài, dù tăng cường lực lượng thường xuyên nhưng lâm sản vẫn nhập lậu (thống kê có đến 40% lâm sản nhập lậu từ Campuchia bị thu giữ). Trong thời gian qua, đặc biệt là dịp cuối năm, tỉnh có mở 5 lối mở nên phải tăng cường lực lượng kiểm tra giám sát các chốt, lượng lâm sản nhập trái phép đã giảm. “Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp chỉ nhập lai rai, thậm chí có chuyến chỉ vài m3 gỗ trong khi đó đơn vị vẫn phải bố trí lực lượng kiểm tra. Đề nghị tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký nhập tập trung, để tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát”- ông Nguyễn Nhĩ nói.
Liên quan đến vấn đề buôn lậu qua biên giới và vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm như thuốc lá ngoại nhập lậu, ông Nguyễn Hồng Hà-Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Thị trường đã nêu ra một số bất cập trong công tác phối hợp. Theo đó, một số huyện tổ chức đoàn liên ngành quá nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Hoạt động kiểm tra trên đường gặp khó khăn do lực lượng không có chức năng dừng xe. Ngoài ra, việc xây dựng các cơ sở “nhân mối” cũng rất khó vì không có chi phí dù chỉ là chi phí điện thoại thôi cũng không có trong khi nhiều người bán thông tin cần tiền để phục vụ cuộc sống. Không chỉ vậy, phương tiện hoạt động của đơn vị hiện đã cũ trong khi các đối tượng vi phạm sử dụng xe đời mới, hiện đại nên không đuổi kịp…
Thừa nhận vẫn còn một số bất cập, tồn tại trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả về chế độ, chính sách, phương tiện, thậm chí là con người, ông Võ Ngọc Thành-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 cho rằng: Để làm tốt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì không có cách nào khác là tăng cường kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, các thành viên trong Ban chỉ đạo cần có sự phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch để hành động trên cơ sở có sự phối hợp, gắn kết giữa các ngành và quan trọng phải lấy hiệu quả làm đầu. Phải triển khai quyết liệt, thậm chí là phải tuyên chiến với nó-bởi đây là một trong những nhiệm vụ làm lành mạnh nền sản xuất của tỉnh nhà, đảm bảo quyền lợi của người sản xuất, người tiêu dùng- người tiêu dùng cũng chính là chúng ta.
Bên cạnh đó, vấn đề giá cước vận tải cũng được ông Võ Ngọc Thành yêu cầu tăng cường kiểm soát, đề nghị ngành Giao thông-Vận tải phải chủ động đề ra các biện pháp xử lý. Theo ông Võ Văn Văn-Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thì Sở đã triển khai, phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị và đoàn thể tuyên truyền về pháp luật an toàn giao thông; thường xuyên có văn bản yêu cầu chủ doanh nghiệp nhắc nhở lái xe, những điểm bán vé xe, trên xe phải niêm yết giá, bán đúng giá…
Lê Lan