Đơn giản là hiện TP HCM có đến 3 đường Hoàng Hoa Thám đi qua 5 địa phương: quận 1, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận, Bình Thạnh và Gò Vấp. Muốn đến địa chỉ ở đường Hoàng Hoa Thám của quận 1, không cẩn thận bạn đi đến Gò Vấp là rất… bình thường.
Xác lập địa chỉ một ngôi nhà không đơn giản là ấn định một con số. Nó gắn liền với quyền sở hữu tài sản, tạo thuận lợi giao dịch dân sự và càng quan trọng hơn là phục vụ cho công tác quản lý dân cư, quy hoạch đô thị và tác động toàn diện đến các vấn đề khác như quân sự, giao thương, điều tiết dân số…
Đây chính là một môn khoa học được quan tâm chỉnh lý trong tất cả các quốc gia từ Đông sang Tây và thực nghiệm qua từng thời kỳ lịch sử. Thời xưa, các đô thị được hình thành chủ yếu từ việc buôn bán ở các bến cảng nên thường lấy sông (biển) làm trung tâm. Từ đây các con đường chính tỏa đi các hướng. Số nhà bắt đầu từ bến sông tính trở đi, bên trái là số lẻ, bên phải là số chẵn.
Thời cận đại trung tâm đô thị không nhất thiết là bến sông nên xác định trung tâm là nơi người dân quen thuộc, hay lui tới nhất. Thông thường là bưu điện hay nhà ga tàu hỏa. Từ đây các con đường tỏa ra được đánh số từ nhỏ đến lớn, vẫn theo nguyên tắc lẻ bên trái, chẵn bên phải. Tại TP HCM, xưa nay xác định trung tâm là Bưu điện TP HCM. Những khu phố riêng biệt thường đặt tên theo cụm nghề nghiệp cho người dân dễ nhớ… Dù nguyên tắc nào cũng nhằm mục đích tạo thuận lợi nhất cho người dân và phục vụ công tác quản lý dân cư dễ dàng.
Với tốc độ phát triển đô thị chóng mặt như hiện nay, có những nhà phải xuyệt nhiều lần, cơ bản không thỏa mãn được yêu cầu thực tế, nên nhiều quốc gia quy hoạch theo khu vực và đặt tên theo bảng chữ cái và số. Cách này tuy khô cứng nhưng rất khoa học, rõ ràng, dễ hình dung.
Các đô thị ở Việt Nam cũng không vượt ra khỏi những rắc rối do sự phát triển nhanh chóng gây ra. Vấn đề vướng mắc chính là chúng ta chậm thay đổi quy hoạch đô thị để trực tiếp sắp xếp lại đường phố và số nhà. Nguyên do chính là nhiều địa phương ngại ngần, bởi thay đổi số nhà, đường phố sẽ kéo theo một núi việc vì phải điều chỉnh lại dữ liệu dân cư, thay đổi nhiều quy định trong hoàn cảnh nền hành chính phụ thuộc nhiều vào giấy tờ.
Nay đã khác. Chúng ta bước vào nền hành chính số, đã lập dữ liệu quốc gia về chuyển đổi số. Những lo ngại về những phiền phức của nền hành chính giấy tờ đã được giảm thiểu tối đa. Mọi giao dịch liên quan đến địa chỉ đều rút gọn bởi được gắn liền với mã định danh, dữ liệu cá nhân rõ ràng. Ví dụ như muốn thay đổi địa chỉ nhà thì chỉ là thay đổi dữ liệu từ các cơ quan quản lý hành chính; thay đổi địa chỉ cư trú lại càng đơn giản…
Có thể nói mọi thứ đã chín muồi. Sắp xếp lại trật tự cư trú không còn quá phức tạp nhưng với điều kiện là các địa phương phải thực hiện nhanh để phục vụ cho công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch dân cư, nâng tầm nền hành chính phục vụ vì lợi ích của người dân.