Năm 2022, Bộ TN-MT sẽ thanh tra diện rộng về đất đai, môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra diện rộng vào các lĩnh vực đất đai nông lâm trường, khoáng sản (mỏ đá vôi làm nguyên liệu ximăng, than), tài nguyên nước…

Tình trạng xây dựng sai phạm trên đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Thành Đạt/TTXVN).
Tình trạng xây dựng sai phạm trên đất lâm nghiệp tại huyện Sóc Sơn. (Ảnh minh họa. Nguồn: Thành Đạt/TTXVN).


Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong gần 2 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra tài nguyên môi trường gặp rất nhiều khó khăn, trong đó một số kế hoạch phải dừng lại bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, ông Lê Vũ Tuấn Anh cho biết trong kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn...

Cụ thể, với lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.

Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, ximăng, sản xuất gang, thép; trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lớn.

Trong lĩnh vực khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, nguyên liệu xi măng, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Tương tự, đối với lĩnh vực tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả; tập trung xử lý, giải quyết đúng hạn các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của bộ trưởng; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

 

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện 729 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.015 tổ chức, thực hiện 490 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Qua đó, cơ quan này đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.269 tổ chức với tổng số tiền là 204 tỷ 417 triệu đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước 912 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11.000 tỷ đồng.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Nhà đầu tư quay lại lướt sóng bất động sản

Khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh tế - Tài chính - Bất động sản Dat Xanh Services (DXS-FERI) cho thấy, tỷ lệ khách hàng mua để ở giảm từ 59,5% của năm 2023 xuống 44,9% trong năm 2024. Đáng chú ý, đã xuất hiện 10% khách hàng đầu tư lướt sóng trong năm 2024, so với chỉ 1,5% trong năm 2023.

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới

Khép lại một năm với sự phục hồi tích cực nhờ các bước tiến lớn trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, nhiều nhận định cho rằng năm 2024 là một năm bản lề, là nền tảng tạo động lực cho thị trường bất động sản Việt Nam sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.