Thep AP, cuộc họp giữa các lãnh đạo thế giới tại Papua New Guinea ngày 18/11 đã không thể thống nhất đưa ra một thông cáo cuối cùng, thể hiện sự chia rẽ ngày càng lớn giữa hai cường quốc thế giới Mỹ và Trung Quốc.
Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) giữa 21 thành viên tại Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea ngày 18/11 đã không thể trở thành cầu nối xóa bỏ những khác biệt như vai trò của Tổ chức thương mại thế giới WTO. Theo AP, kết thúc cuộc họp các lãnh đạo mà không thể đưa ra tuyên bố chung, một tuyên bố khác sẽ được chủ tịch cuộc họp là Thủ tướng Papua New Guinea, Peter O’Neill đưa ra.
Các lãnh đạo chụp ảnh tại cuộc họp APEC. (Ảnh: AP)
“Cả thế giới đang lo lắng” về căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, ông O’Neill trả lời các phóng viên sau khi xác nhận sẽ không có thông cáo chung từ các lãnh đạo.
Lãnh đạo nền kinh tế Canada Justin Trudeau cho biết đã có sự khác biệt trong quan điểm giữa một số quốc gia, bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Theo các phiên bản dự thảo của thông cáo, AP cho biết Mỹ đã muốn đưa ra một tuyên bố với ngôn ngữ mạnh mẽ chống lại các hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc mà nước này cáo buộc.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày trở nên “nóng” với mâu thuẫn và cạnh tranh ngày càng lớn giữa Trung Quốc và phương Tây, khi tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Nam Thái Bình Dương vốn trước giờ chưa được quan tâm nhiều, theo AP.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra những bài phát biểu đối lập nhau ngày 17/11. Ông Pence, trong khi bày tỏ sự tôn trọng ông Tập và Trung Quốc, chỉ trích nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vì cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ, ép buộc chuyển giao công nghệ và các hoạt động thương mại không công bằng.
Trong khi đó, ông Tập cho rằng thế giới đang đối mặt với việc phải lựa chọn giữa hợp tác và đối đầu, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương phát triển. Ông cho rằng những thể chế quốc tế được thiết lập sau Thế chiến II như Tổ chức Thương mại Thế giới WTO không nên bị ảnh hưởng bởi các chương trình nghị sự ích kỷ.
Trả lời phóng viên, Phó Tổng thống Mỹ cho biết đã có hai cuộc đối thoại “thẳng thắn” với Chủ tịch Trung Quốc, người dự định sẽ gặp Tổng thống Mỹ tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 11 ở Buenos Aires.
“Đã có những sự khác biệt hôm nay. Bắt đầu với các hoạt động thương mại, thuế quan và hạn ngạch, chuyển giao công nghệ bắt buộc, ăn cắp tài sản trí tuệ. Xa hơn nữa là tự do hàng hải, những lo ngại về nhân quyền” – ông Pence nói.
Mỹ quan tâm đến việc phát triển mối quan hệ tốt đẹp hơn nhưng phải có sự thay đổi từ Trung Quốc, theo ông Pence. Đáp lại, ông Tập nói đối thoại là rất quan trọng.
Theo AP, tại Port Moresby, thủ đô Papua New Guinea, ảnh hưởng của các chương trình viện trợ và cho vay từ Trung Quốc là rất rõ ràng. Tuy nhiên Mỹ và đồng minh đang cố gắng đối phó bằng các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng khác ở Papua New Guinea và những quốc đảo khác. Mỹ cũng cho biết sẽ tham gia vào kế hoạch của đồng minh Australia trong việc phát triển một căn cứ hải quân với Papua New Guinea.
Ngày 18/11, Mỹ, New Zealand, Nhật Bản và Australia nói sẽ làm việc với chính phủ Papua New Guinea để mang điện đến với 70% người dân nước này đến năm 2030. Theo AP, ít hơn 20% dân số Papua New Guinea sở hữu nguồn cung cấp điện ổn định.
Mỹ, New Zealand, Nhật Bản và Australia ký kết thỏa thuận điện khí hóa với Papua New Guinea.
“Sự cam kết của Mỹ với khu vực này chưa bao giờ mạnh mẽ hơn” – ông Pence nói tại lễ ký kết. Một tuyên bố riêng từ văn phòng của ông nói các nước khác được chào mừng tham gia sáng kiến cung cấp điện này nếu ủng hộ tầm nhìn của Mỹ về một Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Trung Quốc, trong khi đó, cam kết một chương trình tài chính 4 tỷ USD để xây dựng mạng lưới đường quốc gia đầu tiên ở Papua New Guinea, một trong những nước đô thị hóa ít nhất trên thế giới.
Phương Anh (VTC/Nguồn AP)