Mùa này, tàu cá "ngủ đông"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tâm thế của ngư dân Quảng Nam là bám biển quanh năm. Nên nhiều người ngạc nhiên ở mùa biển động này, tàu cá nằm bờ.

Mùa biển động này, tàu cá sản xuất xa bờ ở Núi Thành nối dài nằm bờ, một số thiết bị được ngư dân mở đưa về nhà. Ảnh: Việt Nguyễn
Mùa biển động này, tàu cá sản xuất xa bờ ở Núi Thành nối dài nằm bờ, một số thiết bị được ngư dân mở đưa về nhà. Ảnh: Việt Nguyễn
Nhớ... biển
Hơi lạnh xao xác qua các làng biển An Hải, Sâm Linh của xã Tam Quang (Núi Thành) - địa phương có nghề cá sầm uất nhất tỉnh. Ngư dân Lê Đức Việt (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) thuê nhiều thợ mộc, thợ máy để nâng cấp con tàu QNa-90144 hành nghề câu mực khơi.
“Thật ra để vài năm nữa mới gia cố lại tàu cá cũng không đáng lo, vì con tàu vẫn chắc chắn. Nhưng mùa này không đi biển được nên thay vài ván tàu, sửa lại giàn phơi mực, thay vài chi tiết máy thủy cho có việc để khuây khỏa” - ông Việt nói.
Nhiều người quen thấy lạ khi mấy tháng nay lão ngư Trần Bường (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) cứ đăm chiêu ngồi nhìn xa xăm ra biển. Ông bảo, đây là lần đầu tiên sau hơn 40 năm đi biển, phải “ngủ đông” vì tàu cá không thể ra khơi.
“Nhớ biển lắm, không đi biển được là bứt rứt không yên” - lão ngư Trần Bường bảo.
Ngư dân này kể, mấy năm trước đều đi biển 4 chuyến mỗi năm. Đây là thời gian hoạt động tối đa của nghề câu mực với mỗi chuyến biển kéo dài chừng 3 tháng. Mùa biển động năm nay thời tiết thất thường hơn, sóng dữ, câu mực lại một mình trên thúng lênh đênh giữa biển từ đêm tối cho đến sáng mai nên các bạn biển lắc đầu. Thiếu người đi bạn, tàu cá đành nằm bờ.
Ông Việt còn có việc để làm khi tàu không thể ra khơi, chứ nhiều chủ tàu than rỗi việc, ngày quá dài lại lóng ngóng vì quen với nghề biển vốn không ngơi tay. “Một chuyến biển dài ngày tốn 16 tấn dầu, cộng thêm các khoản lương thực, thực phẩm, đá cây... ngót nghét tốn hơn 300 triệu đồng.
Đã 3 chuyến biển liền, chuyến gần nhất cập bờ đã 25 ngày đều chỉ được 4 - 5 tấn cá tạp, cá vụn, thu không đủ bù chi, bạn biển đều bảo thôi “ngủ đông” chờ qua mùa biển động mới bám biển lại” - ngư dân Đoàn Tư (thôn An Hải Đông, Tam Quang) nói.
Hơn 30 tuổi, hơn 15 năm bám biển, đã đóng được tàu cá QNa-90978 hành nghề lưới chụp trị giá 6 tỷ đồng, anh Tư được nhiều ngư dân trẻ ở xã biển ngưỡng mộ. Mọi năm, cứ đến dịp tổng kết nghề biển cuối năm, anh Tư đều được vinh danh là một trong những ngư dân tiêu biểu kiên tâm bám biển, sản xuất quanh năm, làm giàu từ biển. Năm nay, thời gian đi biển ít, chuyến đạt lại càng hiếm nên anh Tư thở dài: “Năm thất bát, chưa bao giờ tàu tôi “ngủ đông” như mùa này”.
Thời tiết quá thất thường của mùa biển động này không phải là nguyên nhân duy nhất khiến tàu cá nằm bờ hàng loạt. Các ngư dân bảo, giá dầu đạt mức xấp xỉ 20 nghìn đồng/lít là mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Vắng lặng chợ đầu mối hải sản ở cảng cá Tam Quang, Núi Thành. Ảnh: Việt Nguyễn
Vắng lặng chợ đầu mối hải sản ở cảng cá Tam Quang, Núi Thành. Ảnh: Việt Nguyễn
Dầu tăng giá khiến lương thực, thực phẩm, đá cây, nước uống cũng tăng chóng mặt, chi phí đầu vào quá cao. Trong khi đó, trữ lượng hải sản ở các vùng biển xa giảm mạnh, số hải sản thu được ở mỗi chuyến biển dài ngày sụt giảm theo.
Anh Nguyễn Quốc Dũng - cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Quang cho biết, từ đầu tháng 10 đến nay, gần như toàn bộ tàu cá khai thác xa bờ của địa phương nằm bờ “ngủ đông”.
“Sóng” ở... trên bờ
Người ta bảo, đến cảng cá sẽ nhận diện được nghề cá địa phương đó đang ở đâu. Mùa này, cảng cá loại 1 Tam Quang im lìm trong gió rét, trái hẳn với cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền bấy lâu nay. Tôi đếm ở khu đầu mối hải sản trong cảng cá, cả thảy 12 cơ sở thu mua đều đóng cửa im ỉm.
Chị Trần Thị Tuyền - chủ vựa cá lớn ở Tam Quang bảo chưa bao giờ ảm đạm như thế, mùa biển động này là duy nhất trong vòng hàng chục năm trở lại, không có tàu cá cập cảng.
“Chúng tôi già rồi, còn lớp trẻ thì không mấy gắn bó nghề biển. Cá mực ngày càng ít ỏi, nghề biển cũng sẽ teo tóp dần”.
(Lão ngư Huỳnh Của ở thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, Núi Thành)
“Cũng mùa này năm trước, cũng Covid-19 phức tạp nhưng tôi vẫn thu mua cá, mực đều đặn. Ở 8 kho đông lạnh của tôi liên tục có lượng cá, mực được đưa ra vào. Dù qua nhiều trung chuyển nhưng hải sản vẫn đến được với các doanh nghiệp chế biến ở miền Nam. Nay thì cửa đóng then cài” - chị Tuyền bộc bạch.
Cũng như nhiều tiểu thương khác, chị Tuyền trông ngóng về những ngày sôi động mua bán hải sản cách đây vài tháng. Tôi nhớ hồi cuối tháng 9, tấp nập tàu cá cập cảng, tốp ngư dân này lom khom đưa hải sản từ hầm lên, nhóm ngư dân khác khệ nệ khiêng vác, vận chuyển cá, mực lên bờ.
Tiếp đó, các nhóm lao động nữ của vựa cá thu mua nhanh tay đưa hải sản cho vào khay rồi kéo đẩy đưa vào các xe đông lạnh. Nhịp sống tất bật đó đã thay bằng sự im vắng lạ lùng - điều chưa từng hiện hữu kể từ khi cảng cá Tam Quang đưa vào hoạt động đến nay.
Tam Giang (Núi Thành) - địa phương có nghề cá lớn của tỉnh cũng hiu hắt những ngày cuối năm. Cảng cá An Hòa nối dài các đoàn tàu cá nằm bờ, nhiều nhất là tàu câu mực, có cả tàu lưới chụp, lưới vây, lưới cản. Đối lập với hàng hàng tàu cá xếp sát nhau, trải dài là lác đác vài ngư dân ra vào gặp nhau chẳng buồn gợi chuyện. Họ ra cảng che đậy các vật dụng trên tàu cá hoặc tháo máy móc, thiết bị liên lạc đưa về nhà.

Thợ mộc sửa sang lại trên tàu cá QNa-90144. Ảnh: Việt Nguyễn
Thợ mộc sửa sang lại trên tàu cá QNa-90144. Ảnh: Việt Nguyễn
Ngư dân Trần Trọng Kỳ (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) - chủ tàu cá QNa-92354 hành nghề lưới cản nói, chưa bao giờ nghề biển bấp bênh như vậy. Giá cá ngừ, cá nục bán 10 nghìn đồng/kg, chỉ bằng với phần tư trước đây.
“Các mùa biển động trước, ngư dân chúng tôi vẫn đều đặn ra khơi. Thu nhập không quá cao nhưng vẫn có dư để ổn định sinh hoạt. Nay dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hải sản xuống giá thê thảm, đi là lỗ” - ông Kỳ thở dài.
Mùa này những năm trước, khi tiết trời chuyển sang nắng là các tư thương thu mua mực xà tận dụng đưa mực ra phơi. Nhiều tháng qua, lượng mực xà cập cảng giảm mạnh nên các tư thương của tỉnh Quảng Ngãi không còn ghé lại. Một số đầu nậu kinh doanh mực xà trên địa bàn cũng vắng bóng. Cảng cá An Hòa vốn rộng rãi, thưa vắng người càng trống trải hơn.
Lão ngư Huỳnh Của ở thôn Đông Xuân ngậm ngùi: “Dịch bệnh Covid-19 cộng với thời tiết khắc nghiệt đã khiến nghề cá rơi vào quãng trầm”. Biển giã có lúc được lúc lỗ ngư dân chịu được chứ cứ đi biển mà lỗ tổn liên tiếp ai dám đi trong mùa biển động này. “Chúng tôi già rồi, còn lớp trẻ thì không mấy gắn bó nghề biển. Cá mực ngày càng ít ỏi, nghề biển cũng sẽ teo tóp dần” - ông Của nói.
Theo dự báo thời tiết, cơn bão đang vào Biển Đông có thể là cơn bão cuối cùng của năm 2021, nhưng mùa biển động còn kéo dài đến tận đầu tháng 4 năm sau. Không biết nghề cá xa bờ của Quảng Nam bao giờ sẽ lại tất bật sôi động. Tái cơ cấu nghề cá đã đặt ra, ngành chức năng, các địa phương đã bắt tay vào cuộc nhưng diện mạo mới chưa ở tương lai gần.
Theo Việt Nguyễn (Báo Quảng Nam)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.