Mùa mè bên sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa mưa đến trong niềm mong mỏi của người dân quê tôi sau 6 tháng nắng ròng. Những cơn mưa đầu mùa đến thật bất ngờ, đem lại niềm vui cho người nông dân khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong. Đất đã cày ải, phơi dưới cái nắng gắt gao của mùa hè cho chết đi cỏ dại. Sau trận mưa đầu tiên, người nông dân bắt đầu xuống giống cho vụ mè.

Mè là cây công nghiệp ngắn ngày, từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch chỉ tầm 2 tháng. Những cánh đồng phù sa ven sông Ba được bồi đắp qua các mùa lũ rất thích hợp loại cây này. Con đường tôi đến cơ quan ngang qua những cánh đồng mè. Không biết tự bao giờ, tôi đã có thú vui quan sát sự tiếp diễn của các mùa cây để rồi thấy yêu hơn sự tần tảo của người nông dân “bắt đất nở hoa”. Mọi thứ diễn ra thật âm thầm cho đến một ngày kia, đám mè mới ngày nào còn lấm tấm xanh mà giờ đây đã phủ kín cả một vùng bờ bãi ven sông. Ơn trời, năm nay, những cơn mưa đến đều hơn khiến cho mè xanh tốt lạ thường.

Tôi dành tình yêu đặc biệt cho loài cây này bởi đặc tính dễ trồng của nó. Và còn vì nó đem lại cảm giác mát lành trong những ngày hè nóng bức. Bạn cảm nhận như thế nào khi sau một đêm mưa, sáng sớm mai đi trên con đường không còn những vệt bụi, ngang qua một cánh đồng mè? Đối với tôi, khoảnh khắc đó đem đến thật nhiều cảm xúc. Cánh đồng mè xanh mướt hiện ra đầy sức thanh tân sau một đêm được tắm mưa rả rích. Đầu ngọn đã xuất hiện những bông hoa trắng tinh như hàng ngàn con bướm trắng đung đưa trong gió. Bức tranh thiên nhiên dịu dàng, thanh khiết với hai gam màu xanh trắng trải rộng ngút tầm mắt. Nhìn về phía xa, chiếc khăn mây trắng hờ hững vắt ngang lưng chừng núi, lòng người cũng dịu dàng theo sắc xanh của mùa cây.

Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang

Khi những quả mè nhiều cạnh đã ngả màu nâu đất, lá cây cũng trút hết dưỡng chất vào quả đến xác xơ là lúc bà con nông dân bước vào thu hoạch. Người ta cắt mè rồi buộc túm thành từng bó, dựng thế chân kiềng để bó mè đứng vững dưới nắng trời ngay tại ruộng. Chờ khoảng một tuần sau, quả mè khô nứt bung ra là có thể giũ lấy hạt. Mấy ngày này, ai cũng mong trời đừng đổ mưa để việc thu hoạch được thuận lợi. Chỉ cần trải bạt, đặt từng bó mè vào rồi lấy một cây gậy tròn đập cho hạt rơi ra, giũ lấy hạt mè. Dưới đôi tay khéo léo của các mẹ, các chị sàng sảy, giũ hết lá khô, cành gãy, thứ còn lại trên bạt là những hạt mè nhỏ li ti được dồn thành từng đống chờ đóng vào bao mang về.

Chiều hè như rộn ràng hơn bởi sự xuất hiện của các em học sinh. Chúng phụ giúp gia đình những công việc nhỏ vừa với sức mình. Xong việc thì tha hồ chạy nhảy trên cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc cây mè đã khô. Mồ hôi ướt áo nhưng vẻ mặt các em thật sảng khoái, vui tươi. Các bạn nhỏ vui cùng bố mẹ khi mè được mùa, được giá. Chỉ cần bán một bao mè là có tiền mua gạo ăn vài tháng, mua quần áo, sách vở cho năm học mới. Chính vì thế, cây mè như người bạn thân thiết giúp người nông dân vùng “chảo lửa” quê tôi có thêm thu nhập mà không tốn quá nhiều công sức.

Thời buổi bệnh tật phần lớn xuất phát từ việc ăn phải thực phẩm còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất thì mè là loại thực phẩm sạch được nhiều người lựa chọn. Mè có thể ép thành dầu để chế biến thức ăn, tốt cho sức khỏe mà không sợ béo. Đến mùa mè, tôi cũng thường mua vài ký để dùng dần. Tôi rang mè, trộn cùng đậu đen, gạo lứt nấu uống hàng ngày vừa để thanh lọc cơ thể vừa đen tóc, đẹp da. Tôi còn làm cho gia đình một hũ muối mè trộn lẫn với đậu phộng dùng trong các bữa cơm thường nhật. Muối mè trộn cùng cơm trắng hay rau muống, rau càng cua trong vườn nhà là món ăn thanh đạm giải nhiệt những ngày nóng bức. Mỗi khi dùng nó tôi lại nhớ về tuổi thơ của mình. Một thời cơm hẩm muối mè của mẹ mà nuôi anh em tôi lớn nên người.

MAI HƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...