Mùa đót nở hoa diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn nhưng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, nhất là trong dịp Tết. Mỗi ngày, hàng trăm người dân từ các làng Kon Mahar, Kon Pơ Dram, Kon Nak, Kon Jôt, Kon Sơ Nglok đi hái bán cho thương lái thu mua làm chổi đót. Trung bình một buổi có người hái được 40-50 kg đót tươi, thu về 200-250 ngàn đồng; còn nếu cả nhà cùng làm thì có khi lên đến tiền triệu.
Đến Hà Đông những ngày này, nhìn đâu cũng thấy hoa đót. Chỉ cần một khoảng đất trống là nơi đó được trưng dụng làm chỗ phơi hoa. Thời điểm hoa đót đang nở rộ, hầu như ở các làng đều vắng bóng người bởi bà con rủ nhau đi khắp các triền dốc, vùng đồi thu hái “lộc trời”. Có lẽ, không riêng Hà Đông mới được thiên nhiên ban tặng loài hoa nở tim tím này, nhưng cây hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây nên mọc nhiều vô kể. Người dân cũng nhờ đó có thêm khoản thu nhập đáng kể để trang trải cuộc sống gia đình.
Vừa chở chúng tôi đến chỗ người dân đang thu hoạch hoa đót, anh Blinh (làng Kon Nak) vừa vui vẻ chuyện trò. Anh cho hay, từ đầu tháng 1, hoa đót đã nở rộ. Ở những khu vực gần làng, bà con đã thu hái hết rồi, giờ phải đi xa hơn thì mới có nhiều đót. Vậy là, chúng tôi cùng nhau men theo con đường mòn quanh co nơi triền đồi, cách làng Kon Nak chừng hơn 3 km. Nhìn từ xa, thấp thoáng bóng người giữa màu xanh của những vạt đót trông bé nhỏ như viên kẹo. Trên quả đồi mênh mông, hoa đót nở từng cụm màu phớt tím xen kẽ với màu xanh lá trông thật đẹp mắt.
Thoạt nhìn ngọn đồi ngay tầm mắt, ai cũng nghĩ gần. Nhưng chúng tôi phải mất 15 phút vượt dốc. Từ dưới chân đồi đến nơi người dân đang hái đót nằm ở lưng chừng dốc mất hơn 10 phút leo trèo, bám víu những cây dại để khỏi bị trượt ngã. Và khi đến nơi, hình ảnh trước mắt khiến mọi mệt mỏi trong tôi thoáng chốc đã tan biến. Một người phụ nữ địu con trên lưng với đôi tay thoăn thoắt chặt từng cành hoa đót. Cách đó không xa, 2 đứa trẻ độ chừng 3 tuổi đang chơi đùa vui vẻ. Khi thu hái ở một đoạn xa hơn, chị quay lại dắt con theo. Đứa bé gần 8 tháng tuổi trên lưng mẹ say sưa ngủ. Giữa từng cụm hoa đót đang đung đưa trước gió giữa núi đồi bao la, hình ảnh mấy mẹ con hiện ra vừa đẹp, vừa yên bình.
Vừa tước những chiếc lá còn dính trên hoa đót, chị Blăi (làng Kon Nak) cho biết: Thời điểm này đang vào vụ mì, nhưng dân làng mình gác lại việc thu hoạch để tranh thủ đi lấy đót. Vào đầu vụ, bà con thường thu hái đót ở khu vực ven đường, ven rẫy hay ở những con dốc gần làng. Đến khi hoa đót ở đây không còn thì lại rủ nhau đi xa hơn, mãi tít trên những quả đồi cao hoặc ở cánh rừng xa.
Cũng theo chị Blăi, mỗi năm chỉ có 1 mùa hoa đót nên người dân đi thu hái rất đông. Nếu chăm chỉ làm việc từ sáng đến trưa cũng được khoảng hơn 200 bó (1 bó có 9-10 cành hoa đót), bán với giá 1-1,2 ngàn đồng/bó. Nếu gặp chỗ hoa đót nở rộ, có người còn hái được 450-500 bó/ngày, bỏ túi hơn 500 ngàn đồng.
Đi cùng với chị Blăi, Tâp chỉ mới 12 tuổi nhưng khả năng thu hái đót thì không hề thua kém cánh thanh niên trai tráng trong làng. Gia đình thuộc hộ nghèo nhưng có đến 8 anh chị em nên mới học đến lớp 2, Tâp đã nghỉ học để tìm việc phụ giúp gia đình. Với Tâp, mùa đót mang đến cho em nhiều niềm vui vì phụ giúp ba mẹ có thêm thu nhập. Mặc dù vẫn còn nhiều vết cắt do lá đót rất sắc lưu vết nhưng đôi tay của Tâp vẫn thoăn thoắt giữa những khóm hoa đót mọc tua tủa. Chỉ sau vài phút, trên tay Tâp đã có một bó đót nhỏ. Thỉnh thoảng, em dừng lại, đứng tước vỏ lá làm sạch những ngọn hoa đót.
Trên khắp các ngọn đồi, triền dốc ở xã Hà Đông, cây đót mọc xanh tốt um tùm. Mùa đót nở hoa giúp người dân ở đây có thu nhập khá. Vì vậy, việc thu hái hoa đót từ lâu được người dân các làng Bahnar xem là “nghề” thời vụ. Theo anh Blinh, mùa đót trổ hoa rất ngắn, người làng chạy đua với thời gian thu hái bởi nếu để sau thời gian này hoa đót sẽ nhanh già và không còn giá trị kinh tế nữa. “Hoa đót thu hái về thường được bán cho các tiệm tạp hóa trong làng. Năm nay, có nhiều người mua nên giá cũng cao hơn so với năm ngoái”-anh Blinh tâm sự.
Có thâm niên gần 14 năm thu mua hoa đót của người dân làng Kon Mahar, ông Khổng Minh Quý cho biết: Hiện giá thu mua hoa đót tươi bình quân 4 ngàn đồng/kg, đót đẹp được bóc sạch vỏ lá có giá 7-8 ngàn đồng/kg. Đặc biệt, vào thứ bảy hoặc chủ nhật, tiệm tạp hóa của ông thu mua gần 1 tấn đót tươi, còn ngày thường bình quân 5-6 tạ. Sau khi thu gom, ông tìm bãi để phơi. Sau khoảng 1 tuần, khi đót khô, ông thuê người đo mét rồi bó lại thành từng bó chờ thương lái đến thu gom một lượt cùng nhiều nơi khác trong xã.
Còn anh Chế Văn Ngọc-Chủ tiệm tạp hóa làng Kon Nak thì cho hay, anh không nhớ rõ từ đầu vụ đến nay đã thu mua bao nhiêu tấn đót tươi. Nhưng mọi nơi, mọi khoảng đất trống, từ sân bóng đến sân UBND xã, hay dọc theo các tuyến đường, hễ còn chỗ trống thì anh đều tận dụng để phơi hoa đót.
Trao đổi với P.V, bà Choăt-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông-cho biết: Mùa này, người dân trong xã thường tranh thủ vào rừng thu hái đót để tăng thu nhập. Sau mỗi vụ, một hộ kiếm ít nhất cũng được vài triệu đồng, hộ nào tích cực thu hái thì có thu nhập hàng chục triệu đồng. Cây đót là một trong những loại lâm sản phụ mang lại thu nhập cho hàng trăm hộ dân ở địa phương. Hiện trên địa bàn xã có gần 20 cơ sở thu mua đót; từ đầu vụ đến nay đã thu mua hàng chục tấn đót tươi của bà con ở các làng. Nhờ loại cây này, người dân có thêm nguồn thu nhập, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Tuy nhiên, cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông, đa số cây đót mọc ở vùng đồi cao, dốc đá nên việc thu hái của bà con cũng gặp không ít nguy hiểm, dễ xảy ra trượt chân, bị ngã dẫn tới tai nạn lao động. “Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con cần cẩn trọng khi thu hái đót, không bất chấp hiểm nguy mà có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Mặt khác, chúng tôi cũng yêu cầu trường học trên địa bàn thường xuyên nhắc nhở các em học sinh không được nghỉ học theo cha mẹ đi hái đót, bê trễ việc học hành”-Phó Chủ tịch UBND xã Hà Đông nhấn mạnh.