Mở nhưng chưa 'cởi'

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Người dân TP.HCM đang hết sức vui mừng, hồi hộp chờ đến ngày mai 1.10, ngày TP chính thức mở cửa kinh tế trở lại.

Sau 4 tháng giãn cách xã hội, sau nhiều ngày “ai ở đâu ở đó” phòng chống dịch, có rất nhiều hoạt động dang dở cần được tiếp tục, rất nhiều đứt gãy cần được nối lại. Thậm chí với nhiều người, niềm vui chỉ là hít thở bầu không khí “bình thường cũ” mà thôi.

Thực ra không chỉ người dân TP.HCM mà người dân ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng nóng lòng chờ đợi ngày này. Chúng ta đã chứng kiến suốt thời gian qua, rau, củ, quả, thịt heo, thịt gà, thủy hải sản, gạo... khắp nơi kêu cứu vì không tiêu thụ được do vận chuyển khó khăn, nhu cầu sụt giảm. Là thị trường lớn nhất cả nước, TP.HCM mở cửa trở lại sẽ giúp nông sản, thực phẩm của bà con có đầu ra. Người dân TP cũng sẽ được mua hàng hóa thiết yếu với giá hợp lý hơn. Chưa kể hàng ngàn, hàng vạn lao động ngoại tỉnh về quê tránh dịch cũng mong có thể trở lại TP sớm nhất khi doanh nghiệp của họ tái sản xuất. Thực ra ngay khi TP công bố lộ trình mở cửa, nỗi lo lớn nhất của các doanh nghiệp chính là vấn đề thiếu hụt lao động. Hay những người bất đắc dĩ kẹt lại, muốn trở về nhà... có thể thực hiện điều giản dị này. Nhưng nếu TP.HCM mở mà các tỉnh, thành khác không mở, thì tất cả những điều tưởng chừng tất yếu kia lại khó có thể thực hiện. Ví dụ TP.HCM kiến nghị mở một số đường bay quốc tế và trong nước đến, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất nhưng các tỉnh, thành khác chưa muốn tiếp nhận những chuyến bay nội địa thì mở chỉ cho có mà thôi. Tương tự, ngày mai TP mở cửa trở lại, nhưng rất nhiều người vẫn ngơ ngác không biết đi lại thế nào giữa các địa phương trong vùng. TP sẵn sàng đón, nhưng một số tỉnh có thể chưa sẵn sàng cho người đi. Rồi doanh nghiệp tái sản xuất nhưng vùng nguyên liệu lân cận chưa thông thì lấy gì để hoạt động?

Nói vậy để thấy, TP.HCM không thể mở cửa một mình, bởi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hệ thống sản xuất hay nói rộng hơn là hệ sinh thái kinh tế của TP không bó gọn trong địa giới hành chính mà là liên vùng, toàn quốc, thậm chí toàn cầu. Biết bao nhiêu nhà máy, phân xưởng tại TP.HCM sử dụng hoàn toàn nguyên liệu nông nghiệp từ các tỉnh miền Tây, vật liệu từ Đồng Nai, Bình Dương và ngược lại. Vì vậy, muốn mở cửa kinh tế, phải nhanh chóng mở lại hệ thống giao thông vận tải, thậm chí phải mở trước cả các ngành nghề khác thì mới thực sự hiệu quả. Sự đứt gãy sản xuất, phân phối, chuỗi giá trị vừa rồi... cũng bắt đầu từ việc ngăn sông cấm chợ, khi các tỉnh bật đèn đỏ vì sợ lây lan dịch bệnh đó thôi.

Chúng ta đã có bài học xương máu về chuyện chống dịch mỗi nơi một kiểu, luồng xanh mỗi nơi một cách. Vì thế, TP.HCM cần ngồi lại với các tỉnh để bàn tính mở cửa thế nào cho phù hợp, thông suốt. Nếu vẫn còn một vài địa phương “bế quan tỏa cảng”, nói mở nhưng không cởi bỏ tâm lý sợ trách nhiệm, chưa thay đổi tư duy sống chung với dịch thì không chỉ TP.HCM khó mở mà nền kinh tế đang tổn thương sau thời gian giãn cách kéo dài cũng khó có thể phục hồi.

Theo Nguyên Khanh (TNO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Cái gì mới mà hay thì phải làm!

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách nghĩ, cách làm như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý.

Dứt khoát khi làm luật

Dứt khoát khi làm luật

Trong chuyến đi mới đây, trước khi máy bay hạ cánh để quá cảnh Đài Loan, người viết được nghe phi hành đoàn chuyến bay nhắc nhở hành khách không được mang thuốc lá điện tử vào vùng lãnh thổ này, vì chính quyền sở tại cấm thuốc lá điện tử.

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Buổi sinh hoạt ngoại khóa của khối lớp 4 Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (TP Thủ Đức, TPHCM) mới đây trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình không gian mở tại khu phố 8 (phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức) diễn ra sôi nổi.

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Hiệu quả thực hành nghề nghiệp

Nếu có dịp nào đó chuyện trò với những sinh viên từng trải nghiệm thực tế ở doanh nghiệp trong một kỳ thực tập hoặc một trong những buổi học theo mô hình "học phần doanh nghiệp", chắc chắn sẽ có nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ cả về phía nhà trường lẫn về phía doanh nghiệp.