Nhìn lại từ năm 2024, khi Thủ tướng Chính phủ đưa ra yêu cầu cần có cơ chế đặc thù để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà) và sau khi Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 30-11-2024 cho đến nay, ngành điện đang đứng trước những cơ hội đột phá lớn khi Chính phủ liên tiếp ban hành các quy định liên quan nhằm tạo điều kiện cho năng lượng tái tạo phát triển tại Việt Nam.
Cụ thể, 3 văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành cùng trong ngày 3-3-2025, bao gồm: Nghị định 58/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện từ năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Nghị định 56/2025 quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, đầu tư xây dựng dự án điện và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực điện lực; Nghị định 57/2025 quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện với quy mô lớn. Ba nghị định này đã cụ thể hóa các nội dung được quy định "khung" trong Luật Điện lực về điện năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển năng lượng tái tạo, giúp Việt Nam tiến thêm một bước dài trên lộ trình tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Năm 2025, khi môi trường chính sách đã trở nên thông thoáng hơn, doanh nghiệp (DN) có thêm những cơ hội để đầu tư vào nguồn năng lượng xanh, tự sản tự tiêu. DN hiện nay đã có thể bán phần điện dư cho bên mua là các đơn vị điện lực khi nhu cầu tiêu thụ thấp hơn lượng điện tạo ra từ hệ thống điện mặt trời mái nhà, còn trong trường hợp điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến nguồn điện trên mái nhà không đáp ứng đủ nhu cầu, DN được phép sử dụng điện từ lưới điện quốc gia để bù đắp. Điều này đã giúp "cởi trói" đáng kể cho DN cũng như đáp ứng yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như châu Âu về việc sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và có chứng chỉ xanh cho sản phẩm.
Bên cạnh những quy định về mặt kỹ thuật, cũng cần có những cơ chế tài chính như các quỹ ưu đãi lãi suất để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo, cũng như sớm ban hành các quy định liên quan đến chứng chỉ điện xanh và quản lý tín chỉ carbon để tạo điều kiện cho DN đáp ứng những quy định của các thị trường xuất khẩu.
Hà Đăng Sơn - chuyên gia năng lượng,
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh
Theo Lê Tỉnh ghi (NLĐO)