Mở cửa du lịch an toàn và hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ ngày 15/3, Việt Nam chính thức mở lại toàn bộ hoạt động du lịch sau hai năm gần như tê liệt do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Ðiều này mang đến kỳ vọng lớn cho sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ của du lịch nước nhà.

 

Lễ hội trên mây Sa Pa tại đỉnh Phan Xi Păng, tỉnh Lào Cai. (Ảnh QUỐC HỒNG)
Lễ hội trên mây Sa Pa tại đỉnh Phan Xi Păng, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Hồng


Trong bối cảnh hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước Ðông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore... đã triển khai các biện pháp mở cửa, nới lỏng các quy định nhập cảnh để thúc đẩy du lịch, việc nối lại các hoạt động du lịch của Việt Nam lúc này được đánh giá là đúng thời điểm, tranh thủ được những điều kiện khách quan thuận lợi để đón đầu đà tăng trưởng du lịch của khu vực, thế giới. Mùa cao điểm du lịch quốc tế Việt Nam được xác định kéo dài từ khoảng tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Do đó, mở cửa du lịch lúc này là thời gian thích hợp để các doanh nghiệp, địa phương kết nối các thị trường trọng điểm, thu hút khách cho giai đoạn cao điểm chính vụ.

Ngay trong ngày 15/3, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về việc khôi phục các biện pháp, thủ tục xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài như thời điểm trước dịch; đề nghị các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết 32/NQ-CP ngày 15/3/2022 của Chính phủ về miễn thị thực có thời hạn cho công dân 13 quốc gia; đồng thời yêu cầu Bộ Ngoại giao tiếp tục đàm phán với các nước về công nhận hộ chiếu vắc-xin của nhau nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam đi nước ngoài, ban hành hướng dẫn hộ chiếu vắc-xin của người nước ngoài tại Việt Nam...

Cùng ngày, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh theo hướng thông thoáng hơn rất nhiều, bỏ quy định về cách ly, chỉ yêu cầu các quy định về xét nghiệm, khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Những quyết sách nêu trên được ban hành kịp thời đã góp phần xóa bỏ những rào cản, tạo đà thuận lợi cho lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, đồng thời cho thấy quyết tâm cao, kỳ vọng lớn của tất cả các cấp, ngành đối với việc mở cửa phục hồi du lịch và kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Ðiều mà các doanh nghiệp và những người làm du lịch quan tâm nhất lúc này là hướng dẫn cụ thể về việc đón khách cần được ban hành, quán triệt tới tất cả thị trường khách trong nước, quốc tế và phải được triển khai nhất quán, đồng bộ, tránh mỗi nơi làm một kiểu gây bất tiện cho du khách và khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh yêu cầu bảo đảm an toàn đón khách, vấn đề quan trọng là các địa phương, doanh nghiệp cần nắm bắt được tâm lý,

xu hướng du lịch của du khách ở từng thị trường trong lúc dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp. Sau thời gian dài “hụt hơi” vì Covid-19, đội ngũ nhân lực du lịch phần lớn đã phân tán. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sau khi mở cửa du lịch, khách sẽ không đến ồ ạt ngay, quá trình phục hồi sẽ diễn ra từ từ nên cần tận dụng giai đoạn này để có những chính sách thu hút lại lực lượng lao động du lịch, đồng thời tiến hành đào tạo lại, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động. Ðây là lúc toàn ngành du lịch phải đẩy mạnh chuyển đổi số với những ứng dụng công nghệ thông minh để thiết lập hành trình du lịch không tiếp xúc, hỗ trợ công tác kiểm soát du lịch an toàn và quảng bá số.

Ðể mở lại hoạt động du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả, không chỉ cần sự nhập cuộc, sáng tạo của những người làm du lịch, mà còn cần sự phối hợp của nhiều bộ, ngành liên quan khác như giao thông vận tải, y tế, quốc phòng, công an, công thương... để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Trong đó, đầu tàu là cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trong huy động, điều phối các nguồn lực, nhất là trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi động lại hoạt động kinh doanh, kết nối đối tác, lựa chọn thị trường khách và phát triển sản phẩm; tăng cường liên kết, hợp tác liên ngành, vùng, địa phương và trong phối hợp các địa phương, doanh nghiệp triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tới các thị trường trọng điểm và tiềm năng...

Theo TRANG ANH (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Gỡ vướng trong cấp sổ hồng

Mặc dù cơ quan chức năng của TPHCM đã rất nỗ lực tháo gỡ nhưng vẫn còn đến 41.000 căn nhà hiện chưa được cấp giấy chủ quyền (sổ hồng). Đây là con số rất lớn, phản ánh việc cấp sổ hồng vẫn rất gian nan, đòi hỏi phải có quyết tâm cũng như bổ sung các quy định của pháp luật để xử lý rốt ráo.

Thước đo dân sinh

Thước đo dân sinh

Cuối năm 2024, tổng dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng trên địa bàn TPHCM đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với cuối năm 2023 và tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó tín dụng phục vụ đời sống bao gồm mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình tăng trưởng cao nhất.

Rối bời vì quy định mông lung

Rối bời vì quy định mông lung

Suốt 2 ngày sau khi Thông tư về quy chế tuyển sinh THCS, THPT được Bộ GD-ĐT ban hành, phụ huynh hốt hoảng, đứng ngồi không yên vì quy định chấm dứt hoàn toàn việc thi hay đánh giá năng lực vào lớp 6. Rồi ngay sau đó, Bộ lại ra văn bản giải thích… vẫn cho các trường đặc thù thực hiện như trước.

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

Hóa giải thách thức để đạt mức tăng trưởng 8%

(GLO)- Mức tăng trưởng GDP 7,09% năm 2024 được ghi nhận là rất tích cực của nền kinh tế đất nước, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động kinh tế thế giới, khắc phục thiên tai.

Tinh gọn chính mình

Tinh gọn chính mình

Đang diễn ra một cuộc “nhảy việc” tập thể, đúng hơn là chuyển việc/mất việc/nghỉ việc chưa có tiền lệ tại nhiều cấp, nhiều ban ngành, cả với không ít cơ quan báo chí, xuất bản từ trung ương tới địa phương.