Miếu An Xuyên: Cung điện Thủy thần trên núi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ cuối thế kỷ XIX, nhiều nhóm cư dân từ vùng duyên hải miền Trung đã lên vùng An Khê (tỉnh Gia Lai ngày nay) sinh sống. Từ hơn 100 năm trước, các ngư dân ở đây đã lập ngôi miếu bên bờ Đông dòng sông Ba thờ phụng vị thần bảo trợ cho vạn chài.

Đó là bà Thủy Long-một vị thần nước sinh ra từ huyền thoại về sức mạnh và quyền năng vô tận của loài rồng. Và miếu An Xuyên (tổ 4, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) đã trở thành nơi duy nhất tại cao nguyên Gia Lai thờ vị thủy thần đặc biệt này.

Ngôi miếu tọa lạc trong khuôn viên rộng gần 400 m2, địa thế đẹp, cách quốc lộ 19 khoảng 800 m, đường vào thênh thang. Cổng miếu hướng ra phía Tây bên bờ sông Ba uốn qua như rồng xanh lượn quanh, tạo thành vịnh nước thu hút tôm cá.

Bởi thế, các tiền bối nơi đây mới đề trước cổng và trụ biểu trong sân câu đối: “Sanh tư Tây thủy long lai nhiễu/Tiết bỉ Đông sơn hổ phục càn” (Dòng sông phía Tây uốn lượn như rồng chầu phía trước/Ngọn núi phía Đông cao chót vót như hổ phục vững chãi đằng sau); “Tiền án vịnh thâm ngư thủy thạnh/Hậu bồi cơ chỉ cán dân sanh” (Phía trước vực sâu có nhiều tôm cá/Phía sau miếu mạo uy nghi dân làng hưng thịnh).

Miếu An Xuyên. Ảnh: Bá Tính

Miếu An Xuyên. Ảnh: Bá Tính

Miếu An Xuyên trải qua nhiều lần dời chuyển vị trí. Ban đầu, miếu nằm ở đầu cầu sông Ba cũ (nay chỉ còn chân cầu). Thời thực dân Pháp xâm chiếm An Khê và tiến hành làm đường, miếu bị giải tỏa di dời đến vị trí thứ 2 là đầu cầu sông Ba mới hiện nay. Vị trí thứ 3 cách miếu cũ khoảng 1 km.

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, Mỹ-ngụy xâm chiếm đóng đồn gần đó, miếu bị bom đạn tàn phá, phải xây dựng lại. Năm 2002, khi huyện An Khê giải tỏa làm đường, diện tích miếu thu hẹp chỉ còn một phần nhỏ, phải dời lui vào trong vài chục mét.

Kiến trúc hiện tại chúng ta thấy là vị trí thứ tư của miếu An Xuyên được xây dựng từ nguồn quyên góp của dân làng. Riêng nhà khách và cổng ngõ miếu mới được xây dựng vào năm 2012 với nguồn tài trợ chủ yếu của ông Lê Đức Mỹ (tổ 4, phường Tây Sơn).

Hiện miếu An Xuyên còn giữ được 2 bài văn cúng cổ từ buổi đầu lập làng năm 1894 thời Vua Thành Thái và năm 1915 thời Vua Duy Tân. Kết quả điều tra di sản Hán Nôm năm 2022 của chúng tôi cho biết, đây là những bài văn cúng có niên đại xa xưa nhất trong số các bài văn cúng mà các đình, miếu trên địa bàn tỉnh còn giữ được đến nay.

Đặc biệt, tất cả các bản văn cúng bằng chữ Nho tại miếu An Xuyên hiện còn giữ được đều khẳng định vị thần chính được thờ tại đây là Thủy Long thần nữ. Kết quả thống kê và đối sánh hệ thống đình, miếu trong cả tỉnh còn cho thấy, miếu An Xuyên là nơi duy nhất thờ Thủy Long thần nữ làm thần chủ và đây cũng là cung điện duy nhất của bà Thủy Long tại An Khê nói riêng và Gia Lai nói chung.

Trang đầu bài văn cúng năm 1894 của miếu An Xuyên. Ảnh: Anh Minh

Trang đầu bài văn cúng năm 1894 của miếu An Xuyên. Ảnh: Anh Minh

Ngoài bà Thủy Long, miếu An Xuyên còn thờ phụng 2 vị thủy thần khác là Hà Bá và Lang Lại. “Lang Lại đại tướng quân” thực tế là danh hiệu tôn xưng dành cho rái cá, được các ngư dân tôn thờ gọi bằng “ông Rái”, “Tướng quân” (tùy tòng phò tá bà Thủy Long, Hà Bá) với mong muốn đánh bắt được nhiều tôm cá.

Xung quanh miếu An Xuyên còn nhiều gia đình có truyền thống theo nghề chài lưới như ông Chánh, ông Tựu, ông Đức, ông Minh... Theo lời kể và sự chỉ dẫn của ông Đặng Lắm-thành viên Ban Nghi lễ miếu, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Đức. Ông Đức cho hay, quê ông ở vùng An Thái (Bình Định) làm nghề cá trên sông Côn. Hiện nay, ông vẫn nối nghiệp.

Ông Đức cho biết thêm, do sự biến đổi của thời gian, nhiều ngư cụ và cách đánh bắt xưa như câu kiều, lưới giăng làm bằng dây gai, sõng nan tre trát dầu rái đã được thay thế bằng cách thức và phương tiện mới. Một số loài cá từng là đặc sản vùng sông này cũng đã biến mất hoặc còn rất hiếm như: cá rói, cá sóc, cá phá, cá niên...

Hỏi về loài thủy tộc khác tại lưu vực sông Ba này, ông Đức vui vẻ tiết lộ, nơi đây từng có khá nhiều cua đinh (một loại ba ba) lưng rộng như cái bàn, nặng trên dưới 100 kg, hiện thỉnh thoảng cũng thấy nhưng nhỏ và hiếm.

Thuở xưa, vật phẩm dâng cúng ở miếu An Xuyên đặc sắc với các loại cá. Ông Lắm nheo mắt hồ hởi kể: Ngoài mấy loài cá ông Đức nói trên, hồi đó vùng này còn rất nhiều loài cá khác như: nhao, mương, chình, ngựa, diếc, trê, lóc, mè...

Cá tươi được bắt lên để nguyên con, chỉ bỏ ruột, rồi xếp vào nẹp tre thành từng “gắp”, nướng xa lửa bằng củi cho cứng ngay tại chỗ trên bãi cát, sau đó mang về miếu để nguyên gắp như vậy rồi xếp lớp lên những chiếc bàn dài. Số cá đánh bắt được trong ngày ra nghề sau khi cúng tại chỗ còn dư, sẽ đem về miếu lễ, đãi.

Miếu An Xuyên xưa kia cũng là vệ tinh của đình An Khê nên các ngày lễ lớn như Xuân kỳ, các miếu An Tập, An Phong, An Tân, Thanh Minh chịu trách nhiệm góp gạo, thịt, rau củ, tiền bạc thì miếu An Xuyên chịu trách nhiệm cung cấp cá để cúng đình.

Nghi lễ cúng quý xuân. Ảnh: Đình Luân

Nghi lễ cúng quý xuân. Ảnh: Đình Luân

Nghề nào cũng có lễ nghi, cấm kỵ riêng. Ông Trần Văn Minh (tổ 4, phường Tây Sơn) cho hay: Những ngư dân ở đoạn sông Ba này có “lễ cúng xuống nghề” thực hiện vào đầu năm âm lịch, sau lễ Khai sơn. Lễ cúng được thực hiện tại bãi đá bằng phẳng ở giữa sông, vật phẩm thường là chè xôi và cá.

Vào ngày xuống thuyền, tất cả số cá bắt được chỉ dùng để cúng, không được đem về nhà, càng không được trao đổi mua bán, vì chúng đã được xem là dành riêng cho thần linh. Trước đó, không ai được tự ý ra sông đánh cá, người nào vi phạm điều cấm kỵ sẽ bị quy tội nếu năm đó làng bị thiên tai dịch bệnh, đói kém.

Theo ông Đức, vào ngày lễ của ngư dân, ai đang ở đâu thì cúng Hà Bá và cô hồn các bác tại đó, lễ vật là cơm, gà, cá kho. Cá dùng để cúng được bắt từ mẻ lưới đầu tiên. Một điều kiêng cữ khác của ngư dân ở đây là kỵ bắt rái cá.

Ngày lễ trọng đại nhất diễn ra tại miếu An Xuyên là “vía Bà” 17 tháng 2 âm lịch. Lễ thu hút đông đảo người dân trong vùng về tham dự tưởng nhớ công lao của các tiền nhân lập làng và gửi lời nguyện cầu may mắn, thịnh vượng cho bản thân và gia đình. Riêng đối với ngư dân ở đây (hoặc có gốc gác làm nghề đánh cá) hàng năm vẫn duy trì lễ cúng xuống nghề để cầu mong một năm mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi.

Hiện nay, những di vật của các bậc tiền hiền, hậu hiền lập làng xây miếu vẫn được gìn giữ cẩn thận. Ngoài các bài văn cúng cổ, chánh điện miếu An Xuyên còn lưu giữ được 2 bộ liễn đối ván chữ Nho khảm trai có từ năm 1937 thời Vua Bảo Đại, 1 bộ do những người họ Lê đến An Khê tặng, 1 bộ do những người họ Châu, họ Nguyễn, họ Trần từ các làng Tân Thuận, Quang Thuận, Mỹ Thạnh mới di cư từ vùng Tuy Phước (nay thuộc Bình Định) lên An Khê tặng.

Vì vậy, về di sản văn tự, miếu An Xuyên giữ một vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn tư liệu gốc để làm sáng rõ lịch sử văn hóa địa phương.

Miếu An Xuyên đang được UBND thị xã An Khê hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh. Hy vọng, sau khi được công nhận, miếu sẽ được quan tâm phục hồi một số nghi lễ truyền thống độc đáo; đồng thời, trả lại đúng “danh phận” cho bà Thủy Long là việc cần được quan tâm, nhằm tôn vinh đúng giá trị đặc sắc của di tích.

Có thể bạn quan tâm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

Người dệt chuyện đời trên thổ cẩm

(GLO)- Những chuyện kể về tháng ngày dân làng đoàn kết một lòng chống giặc, chuyện mùa gặt trên nương rẫy hay ngày làng có lễ hội… đều được nghệ nhân Rơ Châm Monh (làng Kép 2, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) tạo thành hoa văn trên thổ cẩm.
Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch

(GLO)- Không chỉ giúp hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển, quy hoạch tỉnh còn được xem như một chỉ dẫn quan trọng để định vị những giá trị, cơ hội cũng như xác định những thách thức trong tương lai.
Người thầy giữa đại ngàn

Người thầy giữa đại ngàn

(GLO)- Hè năm 2004, bản thảo tiểu thuyết “Màu rừng ruộng” của tôi đang giữa chừng thì tắc mạch. Sau chuyến đi Buôn Đôn, tôi đã được dũng sĩ săn voi Ama Kông “vẽ đường” cho nhân vật Y Than.

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

Năng lượng tái tạo: Đòn bẩy tăng trưởng xanh

(GLO)- Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định năng lượng tái tạo là một trong những trụ cột của ngành công nghiệp. Với định hướng đó, tỉnh đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, hướng đến tăng trưởng xanh.
Bác sĩ về làng

Bác sĩ về làng

(GLO)- “Ơi bà con, ngày mai có đoàn bác sĩ của tỉnh xuống thăm khám sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em trong làng. Bà con đến Nhà văn hóa cộng đồng để được thăm khám nhé”-chị Hrac-cán bộ y tế làng Amil (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) trực tiếp đến từng nhà thông báo.
“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

“Vua sáng chế” Phạm Văn Bình

(GLO)- Dù mới học lớp 5 và chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về cơ khí nhưng ông Phạm Văn Bình (SN 1978, thôn Hưng Hà, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã sáng chế nhiều máy nông nghiệp giúp người nông dân giảm chi phí nhân công, tăng năng suất lao động.
Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

Ia Grai quyết tâm phát triển toàn diện

(GLO)- Năm 2023, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện cùng sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và người dân, huyện Ia Grai đã đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra.

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

Chư Păh đẩy mạnh thực hiện “3 đột phá”

(GLO)- Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Chư Păh đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để địa phương có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.

Nối dài những đường tơ

Nối dài những đường tơ

(GLO)- Kết nối những giá trị vượt thời gian của thổ cẩm Tây Nguyên vào thời trang, nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đã khiến thổ cẩm thăng hoa trên các sàn diễn trong nước và quốc tế hàng thập kỷ qua.
Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

Hiện thực hóa khát vọng trở thành vùng động lực Tây Nguyên

(GLO)- Gia Lai phấn đấu đến năm 2045 sẽ trở thành “Cao nguyên sinh thái, thể thao và sức khỏe”; trở thành điểm đến xanh, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn trên cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng.
Phát huy nội lực xây dựng Chư Prông giàu mạnh

Phát huy nội lực xây dựng Chư Prông giàu mạnh

(GLO)- Năm 2023, huyện Chư Prông đã hoàn thành và vượt 21/21 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra. Đây là tiền đề quan trọng để huyện đặt ra những mục tiêu phấn đấu trong năm 2024, góp phần hoàn thành mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Rừng-biển kết nối

Rừng-biển kết nối

(GLO)- Truyền thuyết kể rằng, khi Lạc Long Quân trở về biển, nhớ chồng, nàng Âu Cơ thường đứng trên núi cao hướng về Biển Đông gọi tên cha của các con.
Dạo rừng ngày xuân

Dạo rừng ngày xuân

(GLO)- 

Một chuyến về với rừng già trong dịp xuân này có lẽ sẽ là gợi ý hay dành cho những ai muốn tìm kiếm sự yên tĩnh gần như tuyệt đối từ khung cảnh xung quanh.

Đọc thơ trên đất Mỹ

Đọc thơ trên đất Mỹ

(GLO)- Năm 2000, tôi, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cùng nhà văn Tô Đức Chiêu được mời sang Mỹ giao lưu với các bạn cựu chiến binh tại Trung tâm William Joiner (Đại học Massachusetts, Boston).