(GLO)- Thời điểm hiện nay, nông dân trên địa bàn huyện Krông Pa đang vào chính vụ thu hoạch mì. Tuy nhiên, do năm nay nắng hạn kéo dài, khiến năng suất mì giảm mạnh, kéo theo là giá mì tươi giảm, làm cho nông dân kém vui.
Nông dân đang thu hoạch mì. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Krông Pa là huyện có diện tích cây mì khá lớn, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân. Năm 2015, toàn huyện có 9.000 ha mì, tập trung chủ yếu tại các xã: Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Gu, thị trấn Phú Túc... Hầu hết diện tích mì ở đây được trồng các giống mới như: KM 94, KM 98, KM 149. Hiện nông dân các xã đang vào chính vụ thu hoạch mì, nhưng giá mì tươi giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, làm người trồng mì rất lo lắng.
Ông Nguyễn Trọng Hải (ở xã Đất Bằng) canh tác 4 ha mì cho biết: Năng suất mì của ông năm nay kém. Cùng với diện tích này năm ngoái gia đình ông thu được hơn 100 tấn, nhưng năm nay chỉ thu được trên 50 tấn mà bán thì giá thấp. Vụ mì năm ngoái, giá mì tươi tăng liên tục, vào chính vụ thương lái mua tại ruộng lên đến 1.800 đồng/kg, thu hoạch đến đâu thương lái đến tận ruộng mua ngay đến đó. Còn vụ này, giá mì tươi giảm mạnh, đầu vụ giá từ 1.400 đồng đến 1.500 đồng/kg, còn bây giờ rớt xuống 1.200-1.300 đồng/kg. Do mì không có đầu ra, thậm chí bà con không muốn thu hoạch bởi vì thu lên không bán được. Với mức giá này, nông dân trồng mì chỉ từ huề vốn đến thua lỗ chứ không có lãi.
Bên cạnh nỗi lo bị mất giá, năm nay người trồng mì ở Krông Pa còn thêm nỗi lo mất mùa do nắng hạn kéo dài, cây mì phát triển kém, năng suất thấp. Các năm trước, thời tiết thuận lợi, năng suất mì tại địa phương đạt từ 28 tấn đến 30 tấn/ha; còn năm nay chỉ đạt mức 18-20 tấn/ha.
Ông Ksor Pít, ở xã Ia Mlah rầu rĩ nói: Năm nay gia đình tôi trồng 1 ha mì, do khô hạn kéo dài nên nhiều diện tích mì bị chết, số còn lại thì năng suất rất thấp. Hiện tôi đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích nhưng chỉ đạt có 6 tấn mì, bán cho thương lái chỉ được hơn 7 triệu đồng, giảm hơn một nửa so với các vụ trước. Mì vừa mất mùa, mất giá nên vụ mì này coi như bị thất thu. Trong khi đó, chi phí sản xuất như phân bón, công lao động, vận chuyển... năm nay lại tăng cao, nên hầu hết người trồng mì không có lãi, thậm chí còn bị thua lỗ.
Nguyễn Thảo-Nguyễn Thơm