Những thợ ảnh ‘ngàn người mê’ hướng dẫn bạn trẻ cách chụp hình theo xu hướng xuân hoài cổ đang nở rộ và chia sẻ bí quyết giúp bộ ảnh đậm nét tết Việt.
Phong cách hoài cổ lên ngôi
Là một nhiếp ảnh gia và travel blogger có hơn 108.000 người theo dõi trên Instagram, Sơn Đoàn (28 tuổi, ngụ An Giang) cho biết trào lưu ảnh tết hoài cổ đang rầm rộ trở lại trong năm nay, thu hút sự quan tâm của lượng lớn người trẻ thế hệ Z (Gen Z, có năm sinh từ cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010).
|
Sơn Đoàn, nhiếp ảnh gia và travel blogger với hơn 108.000 người theo dõi trên Instagram. Ảnh: NVCC |
“Dạo một vòng chợ hoa, chợ tết, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp bạn trẻ diện áo dài, tay cầm hoa, tạo dáng chụp hình. Có lẽ dịch bệnh vừa qua tạo cơ hội để các bạn sống chậm, hoài niệm về tháng ngày cũ nhiều hơn nên các bạn đã tìm về với những cái tết xưa, đưa xu hướng này lên ngôi”, Đoàn chia sẻ.
Bắt kịp trào lưu này, chàng trai 9X cùng hội bạn cho ra đời bộ ảnh “Chúc mừng năm mới”, nhận về hàng ngàn lượt tương tác trên mạng xã hội. Anh cho biết ý tưởng đến từ những nơi cả nhóm thường đi qua, quán cà phê quen hay ngồi và khu chợ nơi mọi người sinh sống.
Đoàn chia sẻ: “Chúng tôi hoàn thành bộ ảnh sau 2, 3 giờ cùng nhau đi lang thang. Khâu khó nhất là phải tạo ra được biểu cảm và góc chụp mới lạ. Nhưng một bộ ảnh bên cạnh con người, trang phục, cảnh vật thì cũng cần concept (cách sắp xếp, bài trí bố cục trong một không gian nhất định) và đây là yếu tố ai cũng có thể làm được”.
|
Bộ ảnh “Chúc mừng năm mới” của Sơn Đoàn mang âm hưởng Sài Gòn thập niên “ông bà anh”. Ảnh: @SON.CHANS |
Làm nghề nhiếp ảnh kể từ 2020 và có gần 25.000 lượt theo dõi trên trang cá nhân, Đỗ Thị Như Ý (30 tuổi, ngụ huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cũng đồng tình rằng xu hướng chụp áo dài phong cách xưa đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn.
Cô gái 9X theo đuổi kiểu ảnh màu film đã lồng ghép yếu tố hoài cổ vào quá trình chụp hình và cho ra đời những sản phẩm ấn tượng. Mới đây nhất là bộ ảnh “Tết quê” của cô với sự tham gia của những bé gái có diễn xuất hồn nhiên, đang diện “áo mới” là những trang phục hoài cổ nơi góc chợ Quảng Ngãi.
Theo Ý, một bộ ảnh hoài cổ bắt đầu từ việc lựa chọn trang phục “retro” và địa điểm, góc chụp có nét xưa, sau đó là chỉnh màu film cho ảnh. “Để nâng cao tay nghề, tôi học hỏi rất nhiều từ những bộ phim, ảnh tư liệu của thập niên 80, 90, song song đó còn tham khảo bộ ảnh của các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước”, nữ thợ ảnh nói thêm.
|
Nhiều người biết đến Như Ý với bộ ảnh “Màu bình yên” và biệt danh “Cô gái bầu trời”. Ảnh: NVCC |
Bí quyết để ảnh “trông thật tết”
Ý chia sẻ, để chụp một bộ ảnh đậm nét tết Việt, bạn trẻ nên cân nhắc những địa điểm như chợ truyền thống có cảnh người tấp nập, hối hả nhưng hiện rõ nét vui tươi, hồ hởi hoặc không gian rực rỡ sắc màu của đèn lồng, hoa, trái cây...
“Khung giờ vàng chụp ảnh là từ 6 giờ 30 - 7 giờ 30, và từ 17 -18 giờ 30. Ngoài ra, các bạn cũng có thể chụp vào khung giờ buổi sáng từ 8 - 9 giờ hoặc chiều từ 15 - 17 giờ để cho ra đời các bức ảnh dưới nắng với những mảng sáng, tối rất đẹp”, Ý hướng dẫn, đồng thời khuyên bạn trẻ có thể mang theo cành đào, bó hoa lay ơn hay cành hoa ly để điểm xuyến “màu tết”.
|
Nhiều người biết đến Như Ý với bộ ảnh “Màu bình yên” và biệt danh “Cô gái bầu trời”. Ảnh: NVCC |
Còn theo Đoàn, vào sáng sớm và chiều tà, chụp ở các khu chợ tết và chợ hoa sẽ cho ra những bức ảnh đẹp không bị chói sáng hoặc quá tối. Nam nhiếp ảnh gia bật mí thường chụp góc rộng thay vì đặc tả chân dung, và đặt mẫu ảnh ở vị trí 1/3 bức hình. “Nếu muốn chất hoài cổ, các bạn có thể mặc áo dài, chạy xe Cub hay Vespa qua những con hẻm trong thành phố”, Đoàn nói.
Làm nghề chụp ảnh hơn 3 năm, Dương Hoàng Minh (ngụ Đồng Tháp) nhận được sự quan tâm của gần 23.000 người dùng Instagram. Người con miền Tây này luôn yêu mến những điều gần gũi trong ngày tết cho biết nguồn cảm hứng chụp ảnh của anh chủ yếu xuất phát từ đời sống xung quanh.
|
Hoàng Minh theo đuổi phong cách chụp đường phố và phong cảnh đến nay đã hơn 3 năm. Ảnh: NVCC |
Điểm đặc biệt trong những bộ ảnh mà Minh đăng tải trên mạng xã hội thể hiện sự kết hợp giữa hai yếu tố: Hình ảnh và typography (tác phẩm nghệ thuật thể hiện bằng con chữ). “Typography góp phần mang thông điệp, cảm xúc của người chụp muốn gửi vào trong những câu từ ngắn gọn. Từ đó, tăng hiệu quả của bộ ảnh và truyền tải được chủ đề mà người chụp muốn hướng đến”, anh phân tích.
Với thế mạnh chụp ảnh đường phố, phong cảnh, Minh cho rằng dùng điện thoại cũng có thể bắt được những khoảnh khắc chất lượng. Theo anh, khi chụp cần chú ý chọn ánh sáng tốt, canh các góc phải thẳng, không bị nghiêng xéo lệch khung hình.
|
Lựa chọn chất liệu đời sống miền Tây, bộ ảnh của Hoàng Minh luôn toát lên vẻ dung dị, gần gũi như con người nơi đây. Ảnh: @HOANGMINH.DG |
Anh Minh chia sẻ thêm: “Bạn trẻ có thể áp dụng các bố cục 1/3, trung tâm, đối xứng nhờ khung lưới trên màn hình điện thoại. Bản thân tôi thích nhất là ánh sáng buổi chiều sau 16 giờ, nắng sẽ rất dịu và ngả màu đẹp, phù hợp chụp ảnh ngược sáng”.
|
Typography là điểm đặc biệt trong những bộ ảnh “ngàn người mê” của Hoàng Minh. Ảnh: @HOANGMINH.DG |
Chàng trai miền Tây đặc biệt yêu thích phong cách chụp hoài cổ khi có thể quay về với miền ký ức cũ, được “đóng vai” giống như ba mẹ trong những ngày tết xưa. “Bạn trẻ có thể chọn một góc nhà cổ, khu chung cư cũ hay những cửa hàng còn lưu lại bảng hiệu viết tay để tìm cho mình một bộ ảnh tết xưa thật xịn”, anh đúc kết.
Theo Ngọc Long (TNO)