Mắt thường thẩm định quốc bảo Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hệ thống kiểm định sâm Ngọc Linh vẫn chưa thể lắp đặt tại mỗi phiên chợ, thành thử việc kiểm định chỉ dựa vào kinh nghiệm của một số người. Nghe có vẻ cảm tính, nhưng kể từ khi phiên chợ sâm Ngọc Linh ra đời, chưa ghi nhận có khách hàng phàn nàn chuyện mua nhầm sâm giả.

Từ "bài thuốc giấu" của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh bây giờ đã trở mình thành quốc bảo. Khi giá sâm thật đẩy lên cao ngất ngưởng trên thị trường, nạn sâm giả cũng ngày càng tràn lan, đủ chiêu trà trộn, người tiêu dùng như lạc vào "mê trận".

Nhưng với phiên chợ sâm Ngọc Linh được mở hằng tháng tại Nam Trà My (Quảng Nam), hàng ngàn lượt khách vẫn đến mua hàng, vì ở đó họ tìm được sự tin tưởng. Từ ngày 1 - 3 hằng tháng, Trung tâm trưng bày ở xã Trà Mai (H.Nam Trà My) lại trở thành "điểm hẹn" của người dân, du khách khắp nơi có nhu cầu mua sâm Ngọc Linh. Mặt hàng sâm Ngọc Linh trước khi đưa vào phiên chợ bày bán sẽ được một tổ kiểm định làm nhiệm vụ thẩm định chất lượng.

Đỉnh núi Ngọc Linh, nơi có giống sâm Ngọc Linh quý hiếm. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Đỉnh núi Ngọc Linh, nơi có giống sâm Ngọc Linh quý hiếm. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

"CAO THỦ" THẨM ĐỊNH SÂM

Nhớ lần đầu tiên tổ chức lễ hội sâm Ngọc Linh, người dân đổ về như trẩy hội, từng gùi sâm được đồng bào vùng cao đưa xuống chợ bán, náo nhiệt vô cùng. Nhưng ít người để ý, ở một góc ngay cửa ra vào chợ, những thành viên trong tổ thẩm định mướt mồ hôi săm soi từng củ sâm.

Khi đó, già Hồ Văn Du, một trong những người có kinh nghiệm lâu năm nhất trong việc trồng sâm ở Nam Trà My, tần ngần một lúc lâu trước một lô sâm. Dù đã thử hết các cách, sử dụng hết kinh nghiệm của mình, nhưng già vẫn không phân biệt được đây có phải là sâm Ngọc Linh thật hay không. Có mặt lúc đó, ông Bùi Văn Phái, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam và là một trong những người góp công đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành phổ biến, cũng được nhờ để thẩm định. Tuy nhiên, ông Phái cũng lắc đầu chịu thua. Sau đó, lô sâm này được đưa đi kiểm định bằng máy, kết quả xác định là sâm Lai Châu!

“Cao thủ” Hồ Văn Dang ngửi sâm để thẩm định. Ảnh: Mạnh Cường
“Cao thủ” Hồ Văn Dang ngửi sâm để thẩm định. Ảnh: Mạnh Cường

Dông dài thế, để biết rằng công việc thẩm định sâm rất khó khăn khi không có sự can thiệp của máy móc hiện đại. Tuy nhiên, trải qua 5 năm với hàng chục phiên chợ, chưa thấy có khách nào phản ánh họ mua phải sâm giả. "Hiện tại, chúng tôi có thể chắc chắn chất lượng của khoảng 80% những lô sâm được đưa vào phiên chợ. Số còn lại, khi không chắc chắn thì đưa đi kiểm định. Chỉ cần có 1% không chắc chắn thì cũng không được đưa vào phiên chợ", ông Trịnh Minh Quý, Tổ trưởng tổ kiểm định sâm Ngọc Linh, nói.

Giờ già Hồ Văn Du không còn nằm trong tổ thẩm định nữa, nhưng uy tín của tổ không thuyên giảm bởi họ đã có một đội ngũ kế cận đủ tin tưởng. Những ai có dịp tới các phiên chợ sâm núi Ngọc Linh, sẽ đều thấy sự hiện diện của Hồ Văn Dang, Phó chủ tịch UBND xã Trà Linh, và cộng sự ngay trước cổng khu trưng bày sản phẩm dược liệu. Dang là lãnh đạo trẻ, mới 30 tuổi, người Xê Đăng. Nhóm của anh ở đây là để làm nhiệm vụ thẩm định sâm Ngọc Linh.

Tổ thẩm định sâm Ngọc Linh của H.Nam Trà My ra đời từ năm 2017, riêng Dang đã có khoảng 5 năm tham gia thẩm định. Với sự thôi thúc mãnh liệt của một người con Xê Đăng có trách nhiệm giữ gìn thương hiệu "cây thuốc giấu", cùng với nhiều năm kinh nghiệm, vị phó chủ tịch xã ở "thủ phủ" sâm Ngọc Linh được giới buôn bán sâm tặng biệt danh "cao thủ thẩm định sâm".

"Bằng cách nào để phân biệt được sâm giả, sâm thật?", tôi hỏi. Dang khẽ cười rồi nhanh tay cầm một cây sâm Ngọc Linh đang bày bán tại phiên chợ, giải thích: "Như củ sâm này, tuổi đời 7 năm, bởi phía dưới phần củ có từng đốt mắt sâm gợn lên. Mỗi đốt tương ứng với một chu kỳ sinh trưởng, là một năm. Vì thế, người trồng sâm thường nhìn vào đó để đoán tuổi. Với những người trồng sâm lâu năm, ăn ngủ cùng sâm như tụi tôi thì chỉ cần nhìn qua là có thể phân biệt ngay, xem qua một lần là biết cây sâm bản địa hay đưa từ nơi khác đến".

Ông Hồ Văn Thể thẩm định cây sâm Ngọc Linh bằng mắt thường. Ảnh: Mạnh Cường

Ông Hồ Văn Thể thẩm định cây sâm Ngọc Linh bằng mắt thường. Ảnh: Mạnh Cường

Tôi hỏi tiếp: "Từ đó đến nay, có lần nào anh thẩm định sai không?". "Từ nhỏ, mình đã theo ba đi kiếm sâm tự nhiên trong rừng, lớn lên tự tay trồng rồi chăm sóc cho hàng trăm ngàn cây sâm nên chỉ cần nhìn qua là có thể phân biệt sâm đó được trồng ở thôn nào, xã nào, nên chưa bao giờ thẩm định sai", giọng anh Dang đầy tự tin.

SÂM DỎM "HẾT ĐẤT SỐNG"

Cả huyện vùng cao Nam Trà My, người như anh Dang chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tại phiên chợ năm 2018, chính "cao thủ" Dang phát hiện và nghi ngờ sâm giả trà trộn vào quầy sâm thật nên đề nghị xử lý. Làm việc với cơ quan chức năng, những người liên quan khai sâm mua ở Kon Tum, nhưng nguồn hàng lại từ phía bắc. Gần nhất là tại phiên chợ sâm ngày 1.8.2023, anh Dang cùng các cộng sự phát hiện 2 kg nghi ngờ là sâm Ngọc Linh giả của một doanh nghiệp trên địa bàn H.Nam Trà My. Sau khi tổ thẩm định trình báo, công an liền lập biên bản, lấy mẫu mang đi kiểm định…

Hiện nay, sâm Lai Châu, củ Tam thất hay một số loại sâm có nguồn gốc từ Trung Quốc nhìn bề ngoài giống sâm Ngọc Linh đến 90%. "Đối với sâm Ngọc Linh, các mắt trên củ thường nằm so le nhau chứ không thẳng như các loại sâm khác. Về màu sắc, phần củ nằm trên mặt đất thường có màu xanh rêu còn phần nằm dưới đất thì có màu mỡ gà. Ngoài ra, thân và rễ cây sâm Ngọc Linh có độ dẻo, lá tròn hơn các loại khác, răng cưa ở mép lá nhỏ, cạn. Đây là cách cơ bản đầu tiên để phân biệt sâm Ngọc Linh thật - giả", anh Dang lý giải.

Sâm Ngọc Linh đưa vào phiên chợ bày bán phải được thẩm định

Sâm Ngọc Linh đưa vào phiên chợ bày bán phải được thẩm định

Từ khi phiên chợ sâm ra đời, cũng là ngần ấy thời gian ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh, cũng là người Xê Đăng, gia nhập tổ thẩm định sâm Ngọc Linh. Theo ông Thể, trước phiên chợ, những cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh đều phải đăng ký và cam kết số lượng sâm sẽ bày bán. Với sâm trồng ở từng thôn, sau khi nhổ, chủ vườn phải ghi lại số lượng để được cán bộ thôn, xã xác nhận. Nhưng chừng đó vẫn chưa đủ. "Sâm Ngọc Linh khi được đưa vào phiên chợ còn phải được kiểm tra kỹ càng từng củ bằng mắt thường, cảm nhận từ việc tiếp xúc và ngửi mùi. Nếu nghi ngờ không giống sâm bản địa, tổ thẩm định yêu cầu giữ lại, báo cơ quan chức năng lập biên bản và lấy mẫu xác định thật - giả", ông Thể nói và "bật mí" thêm: "Mặc dù là sâm bản địa, nhưng nếu được trồng ở các thôn, xã khác nhau thì màu sắc củ sâm cũng có điểm khác, do yếu tố đất trồng. Do đó, đôi khi phải đưa lên mũi ngửi, hoặc nếm. Củ sâm Ngọc Linh có hương vị đắng, ngọt, mùi thơm nhẹ và ít nồng chứ không phải đắng, chát như các loại sâm khác".

Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch UBND H.Nam Trà My, tự tin bảo muốn mua được sâm Ngọc Linh thật hãy đến phiên chợ. Vì địa phương kiểm soát chặt nguồn gốc sâm, doanh nghiệp tham gia cũng phải có chứng nhận nguồn gốc, vùng trồng rõ ràng, chưa kể "cửa ải" tổ thẩm định gồm 6 thành viên. "Tỉnh Quảng Nam chưa có máy kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh, nên việc quản lý khá lúng túng. Tuy nhiên, từ trực quan và kinh nghiệm của đội ngũ thẩm định thì chỉ cần nhìn lá và củ, họ sẽ xác định được đâu là sâm giả, đâu là thật. Chính tổ thẩm định này đã góp sức cho mục tiêu bảo tồn, phát triển và giữ vững thương hiệu "quốc bảo" trong cộng đồng", ông Mẫn khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.