Mảnh vườn nhỏ của ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ba đưa cả nhà vào Tây Nguyên từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Mặc những lời can ngăn từ phía gia đình, họ hàng, ba vẫn quyết tâm ra đi. Ba nói, vùng nào cũng là đất nước mình, nếu sống xứng đáng thì ở đâu cũng cống hiến được. Nói rồi, ba lên cơ quan xin chuyển công tác.
Ba vẫn ước có một vườn cây ăn quả với thật nhiều loại cây để mà chăm bón, vun xới khi về già. Nghĩ vậy nên bước sang tuổi xế chiều, ba bắt tay vào làm. Chỉ sau 5-6 năm, cây ăn quả đã che kín cả mảnh vườn. Những cây mít đầu mùa mưa cho quả chín thơm lựng. Những bụi ổi xá lị mới ngang tầm tay với đã cho quả múp míp. Cây bồ quân cũng chín vào đầu hè, gọi bầy chào mào đến ríu ran tình tự. Những gốc bơ ăn Tết xong bắt đầu lấm tấm hoa vàng nhạt rụng đầy gốc. Nhãn nở hoa thơm soi dáng bên hồ, khi mưa rộ cũng là lúc ba phải dùng lưới xanh bọc kín cả cây để dèm mắt lũ chim, lũ dơi. Chôm chôm rộ quả đỏ ối. Thanh long leo lên những trụ rào, quả xếp hàng lủng lẳng. Ở gốc táo gai đằng kia, con gà trống đẹp mã đang lăng xăng bên bầy gà mái. Những hôm trời oi bức, ba cột võng dưới gốc nhãn nằm đu đưa nghe cây lá hát lời gió nắng. Ông lão hưu trí thư thái thiu thiu đi vào giấc ngủ trong tiếng gà trưa.
Từ khu vườn, ba dạy con về lợi ích của việc trồng cây, trồng người, dạy cháu rằng ăn quả nhớ người vun xới. Lâu lâu, các cháu về, ông bắc thang hái quả, cháu tíu tít cười đùa, mê tít những thứ quả ngon ngọt, đẹp mắt. Chỉ thế mà ông vui cả ngày. Ông nói sẽ lại chăm thêm mấy cây cam, cây quýt, giống mới ba đặt mua tận Nghệ An, Hòa Bình. Xứ mình đất tốt, cây gì cũng vươn lên khỏe mạnh, xanh tươi.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET).
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET).
Mùa mưa năm đó, ba đi xa sau một cơn đau tim. Má trách ba đưa má lên đây rồi bỏ đi trước. Má hết ở với đứa này rồi nương nhà đứa khác. Mảnh vườn thiếu tay ba chăm sóc, cây trái buồn rười rượi. Má thương cây lắm, nhưng má cũng thương mình cô quạnh, neo đơn.
Hôm qua, từ nhà con gái út về, nghe mùi thơm thoang thoảng, má liền gọi điện thoại báo: “Cây sầu riêng của ba đậu được 2 quả tít trên cao, nay mới thấy nó rụng, mỗi quả 7 kg”. Má reo vui như một đứa trẻ được quà.
Tôi biết người sống và thác tuy không nhìn thấy nhau nhưng vẫn cảm nhận, thấu hiểu nhau. Tôi nghĩ ba cũng đang chăm chút cho vườn cây theo cách nào đó, dù ông không còn. Má tôi thì trầm giọng: “Má sẽ đợi sầu riêng chín thơm thật thơm để đặt lên bàn thờ ba”. Tôi nghe thấy mùi nhang trầm và mùi hương sầu riêng vấn vít nức mũi trong căn nhà ấm áp ngày mưa.
Má cũng như mảnh vườn nhỏ, chắc là đang nhớ ba nhiều lắm…
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

Thơ Phương Loan: Nỗi nhớ ngày gặp lại

(GLO)- Trong mỗi chúng ta, ai cũng có một thời gắn liền với bảng đen, phấn trắng, cùng bao kỷ niệm buồn vui dưới mái trường. Để rồi, sau nhiều năm xa cách, trong giây phút gặp lại thầy cô, bạn bè, những ký ức ấy vẫn ùa về, trào dâng bao nỗi nhớ...
Gương mặt thơ: Lê Va

Gương mặt thơ: Lê Va

(GLO)- Mươi năm trước, có một cái tin làm tôi ngạc nhiên: Đại tá Lê Va (Công an tỉnh Hòa Bình) xin xuất ngũ chuyển ngành về công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh để làm thơ cho... đã.
Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL phát động sáng tác ca khúc về dân tộc thiểu số

Bộ VH-TT-DL vừa phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số năm 2024 nhằm khuyến khích phong trào sáng tác nghệ thuật về các dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần nâng cao cả số lượng và chất lượng các ca khúc đáp ứng yêu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi.
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Cánh đồng tuổi thơ

(GLO)- Vẫn là những hoài niệm về một tuổi thơ gian khó nơi vùng quê, trong tác phẩm "Cánh đồng tuổi thơ", tác giả Nguyễn Tấn Hỷ thêm một lần nhắc nhớ về hình ảnh tảo tần của người mẹ đã chịu bao vất vả, làm lụng nuôi con khôn lớn từng ngày...
Gieo “hạt giống” văn chương

Gieo “hạt giống” văn chương

(GLO)- Đó là tâm niệm của những người tổ chức và tham gia truyền cảm hứng tại lớp bồi dưỡng văn học trẻ-văn học dân tộc thiểu số năm 2024 tại Gia Lai. Diễn ra từ ngày 1 đến 7-7, chương trình thu hút sự góp mặt của 32 học sinh đến từ các trường THCS, THPT trên địa bàn TP. Pleiku.