Mạng ảo, hậu quả thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tham gia mạng xã hội, ngoài các điều khoản dịch vụ của nhà cung cấp, bất cứ cá nhân nào cũng phải tuân thủ những quy định pháp luật liên quan của đất nước mà họ sinh sống. Đây là điều không cần bàn cãi bởi dẫu nhiều người coi mạng xã hội là “thế giới ảo” nhưng tác động của nó với con người và xã hội là thực, ở cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.
 
Và để hạn chế, ngăn chặn những tác động tiêu cực của môi trường mạng, ngày 12-6-2018, Quốc hội nước ta đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng. Luật này quy định rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng, trong đó có hành vi “thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế-xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” (điểm d, khoản 1 Điều 8).
Trước khi có hiệu lực (ngày 1-1-2019) và cả sau đó, những quy định của Luật An ninh mạng đã được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay cả trên mạng xã hội, những quy định này cũng được nhiều người dẫn ra như một cách để tuyên truyền, nhắc nhở cộng đồng mạng biết và cùng thực hiện, tránh những vi phạm đáng tiếc có thể xảy ra. Hầu hết người tham gia mạng xã hội ở nước ta theo đó đã có ý thức trách nhiệm hơn trong việc đăng tải thông tin, hình ảnh trên trang cá nhân cũng như các diễn đàn. Những thông tin xấu, độc, sai sự thật cũng đã dần được hạn chế. Điều này góp phần giúp môi trường mạng xã hội ngày càng lành mạnh hơn, tác động tích cực đến người sử dụng và cộng đồng.
Dù đã được hạn chế đáng kể song trong thực tế, những hành vi vi phạm Luật An ninh mạng vẫn còn xảy ra không ít. Nhiều người không rõ có phải vì không nắm được các quy định của pháp luật hay cố tình coi thường vẫn đăng tải các thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Những trường hợp này, tùy mức độ vi phạm, đều đã bị cơ quan chức năng xử lý. Thế nhưng, những “gương tày liếp” đó xem ra vẫn chưa đủ để cảnh tỉnh với nhiều người. Bằng chứng là việc đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vẫn tiếp tục xảy ra.
Có thể kể ra đây nhiều ví dụ về hành vi vi phạm này như cuối tháng 8-2019, một nam thanh niên ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) đã bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh này xử phạt hành chính 10 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận. Người này trước đó đã đăng lên Facebook cá nhân thông tin về “một vụ chặt đầu dã man” để… “đùa vui”. Cũng với hành vi thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, trong tháng 8-2019, một cô gái ở tỉnh Bắc Ninh đã bị cơ quan Công an xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng. Hay như một người phụ nữ ở thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) hồi tháng 10 vừa qua bị cơ quan Công an xử phạt 2,5 triệu đồng do đưa thông tin sai về dịch tả heo châu Phi gây hoang mang dư luận.
Tại Gia Lai, trong thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã xử lý không ít trường hợp đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội. Như vào đầu năm 2019, một thanh niên ở huyện Phú Thiện đã bị Chủ tịch UBND huyện Ia Pa ra quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do đưa thông tin không đúng sự thật nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, cụ thể là lực lượng Công an huyện Ia Pa. Và mới đầu tháng 12 này, một thanh niên ở xã Trà Đa (TP. Pleiku) chỉ nghe người khác nói lại, không kiểm chứng đã vội vã đăng lên Facebook về vụ nổ súng cướp tài sản của người đi đường ở địa phương. Khi cơ quan Công an vào cuộc xác minh thì đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ để xử lý trường hợp này.
 Không khó để thấy rằng, hầu hết những trường hợp vi phạm Luật An ninh mạng nêu trên đều xuất phát từ sự “hồn nhiên”, coi mạng xã hội như một không gian ảo để “chơi”, để “vui đùa mà chưa ý thức hết được hậu quả thông tin đăng tải. Nhưng dù với bất cứ lý do gì thì cũng không thể cảm thông cho họ được. Bởi lẽ, mạng có thể ảo nhưng hậu quả của nó thì là thật, rất thật. Vì thế, ngay cả khi coi mạng xã hội là nơi để “chơi” thì mỗi người cũng phải tuân thủ “luật chơi” của nó, không gây tổn hại đến những người xung quanh và xã hội cũng như để lại hậu quả cho chính mình.
 LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.