Mái ấm chở che ước mơ học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Song song với duy trì Tủ bánh mì 0 đồng, từ cuối năm 2023 đến nay, thầy Vũ Văn Tùng-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) triển khai xây dựng mái ấm cho học sinh nghèo.

Mỗi mái ấm hoàn thành đã tiếp thêm động lực giúp các em nuôi dưỡng ước mơ tiến bộ trên con đường học vấn.

Thấm đẫm mồ hôi

Trong cái nắng như đổ lửa những ngày cuối tháng 4, tại thôn Bi Gia, chúng tôi có dịp tham dự lễ bàn giao mái ấm cho em Nay H'Lại (lớp 6, Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp). Căn nhà hoàn thiện mang đến niềm vui khôn tả cho cả người trao và người nhận.

“Từ nay, em và gia đình không còn phải sợ sách vở bị ướt, đi ngủ nhờ trong đêm vì nhà bị mưa dột nữa. Cha mẹ em cũng có thể yên tâm đi làm. Em và gia đình cảm ơn thầy Tùng nhiều lắm”-H'Lại xúc động nói.

Thầy Vũ Văn Tùng (ở giữa) bàn giao nhà cho em Nay H'Lại và gia đình. Ảnh: V.C

Thầy Vũ Văn Tùng (ở giữa) bàn giao nhà cho em Nay H'Lại và gia đình. Ảnh: V.C

Nhìn căn nhà khang trang, thầy Tùng xúc động đỏ hoe đôi mắt. Suốt 1 tháng qua, mỗi ngày, thầy đều ra khỏi nhà lúc mờ sáng và trở về khi trời đã tối. Sau khi kết thúc giờ dạy trên lớp, thầy lại tranh thủ đi khắp các huyện lân cận tìm những căn nhà sàn cũ còn kiên cố để mua, sửa chữa dựng nhà mới cho học trò nghèo. Tìm được rồi, thầy tiếp tục cùng thợ và gia đình tìm từng tấm ván, lợp từng miếng tôn cho ngôi nhà.

Tóc bạc đi mấy phần, làn da cháy nắng nhưng nhìn nụ cười hạnh phúc của học trò cùng gia đình, lòng thầy tràn ngập niềm vui. Thầy dặn dò H'Lại cố gắng đi học chuyên cần bởi chỉ có con chữ mới giúp bản thân em, gia đình, buôn làng thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.

Mái ấm trao tặng H'Lại là căn nhà thứ 3 thầy Tùng hoàn thành cho học trò nghèo từ cuối năm 2023 đến nay. Căn nhà có diện tích 60 m2, gồm 3 gian, tổng kinh phí xây dựng trên 90 triệu đồng. Đây là căn nhà có giá trị lớn nhất và quá trình thi công cũng gian nan nhất.

Thầy Tùng cho hay: Căn nhà dự kiến xây dựng cho em Lê Thị Thảo Vi ở cùng thôn Bi Gia. Vi đã rất tích cực trong những buổi sáng phát bánh mì cho học trò cùng với thầy. Gia đình em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khi bố bị tai nạn giao thông, chấn thương nặng chỉ ngồi một chỗ, một mình mẹ gánh vác nuôi cả gia đình.

Dù đã bàn bạc trước với gia đình Vi nhưng khi chở ván gỗ tới để dựng nhà thì bố em chưa sẵn sàng. Và thầy Tùng quyết định chuyển ngôi nhà sang hỗ trợ cho em H'Lại. “Đối với gia đình em H'Lại, đây là niềm vui khiến ai nấy đều hạnh phúc. Ba em tuy bị tật ở chân nhưng vẫn đội nắng dựng nhà cùng nhóm thợ khiến tôi cảm thấy ấm lòng. Riêng trường hợp của em Vi, tôi sẽ có cách hỗ trợ khác phù hợp trong thời gian tới”-thầy Tùng trải lòng.

Tất cả vì học trò nghèo

Mỗi mái ấm hoàn thành giúp các em học sinh nghèo yên tâm sinh hoạt và nuôi dưỡng ước mơ đến trường. Để tiến hành, mỗi trường hợp được giúp đỡ đều trải qua quá trình khảo sát, bàn bạc thống nhất với gia đình và báo cáo với chính quyền địa phương nhằm huy động sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, cá nhân. Những em học sinh nghèo vượt khó là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ nhằm tạo động lực, khuyến khích tinh thần hiếu học.

Tháng 12-2023, mái ấm đầu tiên được thầy Tùng hỗ trợ là căn nhà dành cho em Rmah Thoa (lớp 2, Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, xã Ia Kdăm). Gia đình Thoa thuộc diện hộ nghèo. Trước đây, ông bà em dựng sẵn một khung nhà nhưng không đủ kinh phí để hoàn thiện.

Biết được hoàn cảnh gia đình học sinh, thầy Tùng trích kinh phí từ Tủ bánh mì 0 đồng mua ván, tôn trị giá hơn 22 triệu đồng, phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã đóng góp ngày công hoàn thiện trên khung nhà có sẵn do ông bà em để lại.

Căn nhà hỗ trợ cho gia đình em Rmah Thoa (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, xã Ia Kđăm) là mái ấm đầu tiên thầy Tùng hỗ trợ trò nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Căn nhà hỗ trợ cho gia đình em Rmah Thoa (học sinh lớp 2 Trường Tiểu học và THCS Kpă Klơng, xã Ia Kđăm) là mái ấm đầu tiên thầy Tùng hỗ trợ trò nghèo. Ảnh: Vũ Chi

Từ căn nhà 22 triệu đồng ấy, những mái ấm khang trang hơn trị giá 80, 90 triệu đồng lần lượt được trao. Theo thầy Tùng, ngôi nhà sàn của người Jrai thường có mái bằng trong khi nhà của người Bahnar mái dốc. Vì vậy, khi sửa chữa lại sẽ tăng cao chi phí. Thầy yêu cầu thợ phải tính toán làm nhà sao cho tiết kiệm nhưng đảm bảo chắc chắn. Rất may thầy luôn nhận được sự đồng hành của các Mạnh Thường Quân từ khâu tìm mua nhà đến thiết kế, thi công.

“Nhiều người nói tôi hãy chuyên tâm vào Tủ bánh mì 0 đồng, chứ ôm thêm việc vào người chi cho khổ. Nhưng chỉ có người trong cuộc mới hiểu, có mặc áo rách mới thương người rách áo. Từng trải qua cuộc sống nhiều khốn khó khiến tôi đau đáu làm gì đó để hỗ trợ trò nghèo.

Tủ bánh mì 0 đồng là bước khởi đầu giúp học sinh no cái bụng khi đến trường, còn mô hình sinh kế và mái ấm mới mang tính chất bền vững, giúp các em cùng gia đình từng bước ổn định cuộc sống, thoát khỏi đói nghèo. Mỗi năm, tôi và Tủ bánh mì 0 đồng phấn đấu hỗ trợ 1-2 căn nhà cho học trò khó khăn”-thầy Tùng chia sẻ.

Bà Trịnh Thị Thanh Hồng-Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Ia Pa-cho hay: Thầy Tùng là giáo viên tâm huyết hết lòng vì học trò, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của thầy cùng Tủ bánh mì 0 đồng tạo sự lan tỏa về hành động đẹp, có ích cho cộng đồng.

Hy vọng những mô hình của thầy sẽ tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc, qua đó tạo thêm động lực giúp học sinh nghèo yên tâm theo đuổi giấc mơ đến trường.

Có thể bạn quan tâm

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Lặng lẽ trồng cây giữa thành phố ‏

Có những người con của phố thị, nhưng tâm hồn thì hướng về những ngọn đồi xanh thẳm. Đặng Công Lợi - một công dân trẻ của Đà Nẵng, vì yêu sắc xanh của cây lá, đang từng ngày nhân lên tình yêu trồng cây và gìn giữ môi sinh.

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

Gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng

(GLO)- Năng động, sáng tạo, nhiệt tình trong mọi công việc và luôn gương mẫu trong các phong trào, hoạt động là nhận xét của đồng chí, đồng đội dành cho Thượng tá Trần Thế Tùng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự TP. Pleiku. Anh cũng là tấm gương sáng trong phong trào thi đua quyết thắng.

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Lớp học 'Cầu vồng' của cô gái bán dừa

Mỗi mảnh đời đôi khi đơn điệu đứng một mình, nên Huệ tìm kiếm những mảnh ghép đó để kết nối lại, tạo nên bức tranh đầy màu sắc. Lớp học mang tên 'Cầu vồng' dạy miễn phí cho những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn ra đời từ đó...
Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Cô gái chi 300 triệu đồng biến khu vườn đẹp tựa các đồng quê ở châu Âu

Sau 6 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, Phạm Diệu Linh (30 tuổi) đã quyết định về miền quê tại tỉnh Sơn La làm vườn và lập nghiệp. Tại đây, chị thuê một mảnh vườn gần 1.000 m2, sau đó tự thiết kế, trồng trọt, biến nơi đây đẹp tựa các phim về đồng quê ở châu Âu để sống chậm với thiên nhiên.