“Má Dung” của sinh viên nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
“Cô Dung ơi, thằng Phong nó đậu đại học kiến trúc trên đó rồi. Tôi gọi vì nhớ lúc trước xuống đây tặng nhà, cô hứa thằng nhỏ đậu đại học cô sẽ giúp. Giờ cô giúp nha cô, chứ vợ chồng không đủ khả năng”. Từ cuộc gọi đó, đến nay, Võ Thanh Phong (sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh) đã từ tỉnh Tiền Giang lên tá túc nhà bà Dương Thị Kim Dung (quận 3, TP Hồ Chí Minh) được bốn năm. Ở cùng Phong đợt này còn có sáu sinh viên khác, tạo thành một gia đình lớn.
Với bà Dương Thị Kim Dung, được chở che, giúp đỡ sinh viên nghèo là niềm vui trong cuộc sống.

Với bà Dương Thị Kim Dung, được chở che, giúp đỡ sinh viên nghèo là niềm vui trong cuộc sống.

Nuôi con, đỡ đần cả mẹ cha

Ở nhà bà Dung có quán cơm mở được gần 40 năm. Khi nghỉ hưu sớm, bà vừa chăm con ăn học vừa tham gia công tác từ thiện. Đi khắp nơi, nhìn thấy nhiều mảnh đời cơ cực, bà xót xa khi biết bao bạn trẻ ham học phải gác lại ước mơ, chấp nhận ở nhà làm lụng, cuộc sống cứ xoay vòng bế tắc. Về nhà bàn với gia đình, bà quyết định dang tay cưu mang những sinh viên nghèo, lo chỗ ăn ở, phụ giúp cái này cái kia để các em an tâm đến trường. Vậy mà “mái ấm” cho sinh viên nghèo của bà Dung đã duy trì gần 20 năm nay. Bao lứa sinh viên đến rồi đi, niềm vui bà nhận về là câu thông báo “Con có việc làm rồi má ơi! Con cảm ơn má đã lo cho con” hay “Con vừa mua được chiếc xe, mừng lắm cô Dung à!”.

Trong số các sinh viên đã và đang trọ nhờ nhà bà Dung, Phong là trường hợp đặc biệt nhất vì ở cùng gia đình. Còn nhớ, bốn năm trước, ba mẹ đưa Phong từ quê lên TP Hồ Chí Minh, tìm đến nhà bà Dung nhờ giúp đỡ vì một tuần sau đã là ngày nhập học. Bà Dung thu xếp chỗ ở cho Phong xong, xuống cửa, thấy em và ba mẹ ngồi nhìn nhau khóc. Bà chưa biết chuyện gì xảy ra thì mẹ Phong mở lời: “Từ nhỏ tới lớn nuôi thằng Phong ở nhà, cho nó ăn học, nhìn thấy nhau mỗi ngày quen rồi. Giờ bỏ nó ở đây đi về tôi sợ con hụt hẫng quá. Thôi cô thương cho trót, cô nuôi luôn cha nó để hai cha con lo nhau”. Sau lời nói đó, Phong sống cùng ba trong căn phòng trên tầng hai của nhà bà Dung.

Phong đi học, ba em làm việc tại quán cơm của bà Dung, có tiền công gửi về quê phụ vợ. Mỗi khi rảnh, Phong liền xuống phụ bưng nước, dọn bàn và giao cơm cho khách. Phong siêng năng lại học giỏi, cả nhà ai cũng quý. Cách đây mấy tháng, ba Phong trở bệnh, về quê điều trị cho đỡ tốn kém. Mẹ em khăn gói lên đây ở với con và thế vào chân phụ quán cơm cho gia đình bà Dung, kiếm tiền gửi về quê để chồng trị bệnh. Mỗi lần nhìn bà Dung, Phong vẫn nhớ như in cuộc trò chuyện mấy năm trước bên bờ ao nhà mình. Lúc đó Phong vừa ngồi học vừa khóc vì hay tin tháng sau ba mẹ sẽ cho nghỉ ở nhà vì gia đình nghèo quá, lo không nổi. Bà Dung xuất hiện đúng lúc, hỗ trợ cả vật chất và niềm tin để giờ đây em đã bước qua 2/3 chặng đường đại học. “Thực sự lúc mẹ gọi điện cho cô Dung, em không nghĩ cô nhớ lời hứa năm nào rồi gật đầu giúp đâu. Em vừa bất ngờ vừa hạnh phúc. Ở đây, mọi người giúp đỡ gia đình em rất nhiều”, Phong kể lại với giọng nói đong đầy cảm xúc.

Trước khi Phong vào, Đại là “đứa con” khiến bà Dung trăn trở nhiều nhất. Đại được một người bạn của bà Dung đưa đến nhà sau nhiều ngày nằm ngủ ngoài công viên do không còn tiền thuê phòng trọ. Nghe cậu sinh viên gầy tong teo kể chuyện ăn mì ăn liền thay cơm, uống nước ngoài đường cho no và ôm ba lô có ít quần áo, sách vở nằm ngủ trên ghế đá công viên, bà Dung chột dạ hỏi “Sao con không báo với ba mẹ?”. Mắt buồn hiu, giọng Đại nói như một tiếng thở dài “Con có báo thì ba mẹ ngoài quê cũng chẳng có gì để gửi cho con được. Ba mẹ con nghèo lắm. Vậy nên con cố gắng tìm cách mà khó quá. Con thèm đi học, nếu được, cô hãy giúp con. Con hứa sẽ học hành thật đàng hoàng”. Ngay hôm đó, Đại được bà Dung nhận vào nhà, lo cho ăn ở.

Sau nhiều nỗ lực, Đại ra trường cách đây không lâu và được nhận vào một công ty lớn. Hôm tự sắm được chiếc điện thoại đầu tiên trong đời, Đại báo liền cho bà Dung. Bà mừng lắm. Mừng vì cuối cùng Đại đã thực hiện được ước mơ đời mình là học xong đại học, có được công việc tốt để phụ giúp gia đình và hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Đại ra trường nhưng vẫn xin ở lại nhà thêm một thời gian vì chưa thể rời đi. Đại muốn ở đây với bà Dung để phụ những việc cần thiết. Bà Dung mỉm cười khi nghe lời đề nghị đó vì bà biết từ lâu Đại đã xem nơi đây là gia đình, là chốn trở về để chia sẻ yêu thương.

Không đợi lời cảm ơn

Gần 20 năm mở rộng cửa nhà đón sinh viên nghèo từ các nơi, bà Dung không nhớ nổi tên từng “đứa con” mình cưu mang, nhưng luôn khắc trong tim những nụ cười hạnh phúc ngày mỗi đứa tốt nghiệp, đi làm, tự lo cuộc sống. Hễ đọc tin nhắn “Má ơi con được nhận vào công ty rồi”, bà lại muốn khóc. Bà biết, tụi nhỏ đã trưởng thành, những vun vén của mình đã được đáp đền xứng đáng. Đón sinh viên về ở chung, điều bà dặn mỗi ngày là các em phải học, học thật giỏi để sau này tự lo cho bản thân và phụ giúp gia đình. Sinh viên nào muốn kiếm thêm thu nhập, bà mời xuống phụ quán cơm, trả tiền theo buổi.

Bà Dung hay nói mình may mắn vì có sức khỏe và khả năng để giúp sinh viên nghèo. Và may mắn hơn khi lứa sinh viên nào cũng ngoan, ăn học tới nơi tới chốn, không nản chí bỏ cuộc giữa chừng. Mỗi khi có thời gian rảnh hay dịp sinh nhật của ai trong nhà, bà rủ hết các lứa sinh viên tụ về nấu nướng, ăn uống, ca hát và trò chuyện cùng nhau. Ngồi nhìn cả tốp cùng trò chuyện, vui chơi, bà Dung mỉm cười, thấy mình quá hạnh phúc vì có thật nhiều “con”, những đứa con đặc biệt.

Khi rảnh, bà hay dạo chợ tìm mua món này, món kia dành tặng sinh viên. Nhiều nhất là quần áo. Mỗi lần mua là đủ kiểu, đủ kích cỡ để tụi nhỏ lựa lại theo ý thích. Thấy bà Dung ngồi chọn quần áo thật lâu, nhiều người bán hàng ngoài chợ hỏi “Ông xã mất mấy năm rồi mà sao mua đồ nhiều quá vậy?”. Bà Dung cười hiền, nói mình mua tặng mấy cháu sinh viên trong nhà. Họ nghe vậy liền giảm giá. Có chuyện đó thôi mà bà vui cả ngày vì biết nhiều người yêu thích những gì bà đang làm nên muốn chung tay. Càng vui hơn khi cứ thấy “má Dung” gọi xuống lựa quà, bạn nào cũng hớn hở, chọn xong là mặc luôn, chẳng đợi giặt. Sinh viên vui, bà vui, niềm vui giản đơn từ những điều bé mọn.

Cách đây không lâu, nhận điện thoại từ Tuyết Anh - cô bé sinh viên nhỏ xíu ở nhờ nhiều năm trước - nước mắt bà Dung lăn dài. Bà thôi khóc vì xót thương như lần đầu gặp Tuyết Anh, hôm đó bà khóc vì hạnh phúc. Hạnh phúc khi thấy những đứa trẻ mình thương như con nay đã trưởng thành và biết sống tử tế, biết cho đi. Năm 2014, trong một lần về huyện Củ Chi trao học bổng, bà Dung gặp Tuyết Anh. Cô gái nhỏ xíu với gương mặt xinh xắn cùng đôi mắt hiền khiến bà thấy ấn tượng. “Tôi vuốt đầu con bé và hỏi “Con học lớp 6 hả?”. Con bé lắc đầu, nói không, con đậu đại học y khoa mà ba mẹ nghèo quá con chưa biết phải làm gì nữa. Tôi tìm hiểu thì biết ba cháu là bộ đội về hưu, mẹ vắt sữa bò thuê cho người ta, gia đình không thể xoay tiền cho cháu đi học. Lên khu trung tâm này ăn đâu, ở đâu? Gia đình buồn lắm. Tôi liên hệ chính quyền đi đến thăm nhà cháu và đưa lên nhà tôi ở. Tôi nói cháu kiếm thêm một người bạn muốn lên học ở cùng cho vui. Vậy là Tuyết Anh về với tôi, con bé rất ngoan và hiếu học”, bà Dung nhớ lại.

Năm 2020, Tuyết Anh ra trường, hiện là bác sĩ công tác tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố. Trong một lần Tuyết Anh trở về ngôi nhà cũ, cô bác sĩ trẻ nói “Con vẫn dõi theo bước chân của cô và tự hứa với lòng sẽ noi theo. Bây giờ con khám bệnh cho các bệnh nhi nghèo, con không lấy tiền”. Nghe vậy, bà Dung vui lắm. Bà đâu mong gì hơn ngoài việc lan tỏa tình thương yêu đến những bạn trẻ mình có duyên gặp gỡ trên đường đời. Câu nói đó bao giờ nhắc lại bà cũng xúc động. Nhìn vào những bức thư cảm ơn và giấy khen xếp kín căn phòng ngủ của mình, bà Dung nói đó chẳng phải là mục tiêu để bản thân bền bỉ với công tác từ thiện. Gần 70 tuổi, bà vẫn đi đến nơi cần mình là vì lý do khác. Bà muốn gieo hạt mầm thương yêu. Bà Dung nói như khoe: “Tại sao con bé có thể nghĩ ra được điều đúng với ý tôi như vậy. Tôi thương con bé lắm. Một đứa bé đi lên từ nghèo khó, giờ là bác sĩ giỏi, nuôi được gia đình, lo được cho em và nghĩ đến chuyện khám miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Đó là niềm vui to lớn, con bé đã trả ơn tôi đủ rồi. Tôi không cần cái gì nữa hết. Chỉ mong các lứa sinh viên về sau sẽ làm được những điều có ích cho bản thân, gia đình và xã hội”.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.