Lý lẽ của điện một giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hai quan điểm hiện nay vẫn chưa phân thắng bại về cách tính giá điện là sử dụng biểu giá điện bậc thang hay điện một giá.

Không phải ngẫu nhiên mà ngành điện đưa ra thêm một phương án điện một giá để người tiêu dùng lựa chọn dưới áp lực của dư luận về hóa đơn điện tăng vọt.

Điện một giá có "lý lẽ" riêng của nó khi được kỳ vọng là phương án bảo đảm công bằng nhất cho mọi đối tượng người sử dụng. Chưa kể, điện một giá có ưu điểm dễ quản lý, dễ tính toán hơn nhiều so với dùng điện bậc thang.

Quay lại với biểu giá điện bậc thang đang được áp dụng hiện nay, khi xây dựng biểu giá này, ngành điện hướng đến nguyên lý khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp vốn được mặc định là những hộ dùng ít điện. Theo đó, càng sử dụng nhiều càng phải chịu giá cao và ngược lại. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì không hẳn như vậy. Có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp, không có điều kiện tách khẩu nên buộc phải sống chung với nhau. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, đi làm cả ngày nên sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp, song họ lại có thu nhập cao. Như vậy, quan điểm về điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn nhiều ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế.

Khi xuất hiện bất bình đẳng trong bài toán giá điện, tất yếu câu hỏi đặt ra là nên tiếp tục sử dụng phương án nhiều bậc thang hay chỉ một giá? Theo quan điểm của tôi và của không ít chuyên gia, người tiêu dùng, phương án một giá là hợp lý, dễ dàng và công bằng nhất. Còn chuyện hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp, Chính phủ có thể có những cách khác mà không nhất thiết phải hỗ trợ qua giá điện, ví dụ tiền mặt, an sinh xã hội, công ăn việc làm...

Tuy nhiên, điều cần bàn là một giá nhưng giá nào hợp lý? Dự thảo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt vừa được Bộ Công Thương lấy ý kiến đưa ra 2 mức giá dành cho điện một giá là khoảng 2.700 đồng/ KWh và gần 2.900 đồng/KWh, tương ứng mức 145% và 155% giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân. Đây là mức giá quá cao và chưa đủ căn cứ để thuyết phục được giới chuyên gia cũng như khách hàng tiêu thụ điện.

Bình quân giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay là 1.864 đồng/KWh. Với giá này, ngành điện đang có lãi lớn để tái đầu tư. Nếu điện đồng giá có mức cao hơn giá bán lẻ bình quân thì ngành điện sẽ tiếp tục ghi nhận lãi nhiều hơn nữa. Đây là điều chưa thỏa đáng nếu đặt trong tương quan lợi ích chung của ngành điện và người tiêu dùng.

Do vậy, cần hết sức cân nhắc, thận trọng khi quyết định mức giá phù hợp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng. Mức giá phù hợp nhất được khuyến nghị chính là mức giá bán lẻ bình quân hiện nay - 1.864 đồng/KWh. Ngành điện hoàn toàn có thể công bố giá thành sản xuất theo từng năm với các yếu tố đầu vào biến động để lấy làm cơ sở ấn định giá bán lẻ cho phương án đồng giá. Không thể có mức giá lên đến gần 3.000 đồng/KWh mà không có thuyết minh đủ thuyết phục.

PGS-TS NGUYỄN MINH DUỆ,
Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Trách nhiệm với cơ sở

Trách nhiệm với cơ sở

Nhiều cán bộ công an cấp phòng, cấp huyện xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi cho Đề án “Tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Ưu đãi lãi vay thôi chưa đủ

Lãi vay thấp, thời hạn vay dài là điều kiện quá tốt để người trẻ nói riêng và người có thu nhập thấp nói chung sở hữu một chỗ an cư. Thế nhưng chỉ ưu đãi lãi vay thôi thì chưa đủ mà cần có thêm nhiều biện pháp đồng bộ khác nữa thì cung - cầu trên thị trường bất động sản mới có thể gặp nhau.

Đứng về phía người nghèo

Đứng về phía người nghèo

(GLO)- Trong nhiều nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi phải hoàn thành trong năm 2025, Trung ương tập trung tháo gỡ kịp thời điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc phát sinh và phát động các phong trào thi đua. 

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Điểm sáng xuất khẩu nông sản

Xuất khẩu nông sản năm qua là một trong những mảng sáng của bức tranh kinh tế đất nước, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng đầu thế giới.

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Bứt tốc ngay đầu năm mới

Là năm tăng tốc, về đích trong thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (2021 - 2025) và khởi động cho giai đoạn phát triển mới của đất nước, thế nên tết năm 2025 đã diễn ra hết sức đặc biệt.