Lựa chọn sách giáo khoa mới: Còn nhiều băn khoăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Việc cải cách chương trình giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa (SGK) mới là một trong những nỗ lực lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nước ta trong thời gian qua. Việc này được đông đảo nhân dân cũng như giới trí thức trong và ngoài nước quan tâm theo dõi, góp ý một cách thiết thực với thái độ cầu thị nhằm đưa nền giáo dục nước ta tiếp cận với các nước tiên tiến. Có thể nói, quan điểm cải cách nội dung giáo dục phổ thông lần này với một chương trình thống nhất cùng nhiều bộ SGK là đúng đắn và có tiến bộ.
Bắt đầu từ tháng 12-2018, Bộ GD-ĐT đã công bố chương trình giáo dục phổ thông mới và chi tiết 27 môn học để trên cơ sở đó các tác giả, nhóm tác giả bước vào biên soạn SGK mới. Ngày 22-11 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã công bố lần đầu tiên 32 cuốn SGK lớp 1 được lựa chọn sau 2 lần thẩm định. Trong số 32 cuốn SGK được lựa chọn lần này có 24 cuốn (4 bộ) của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 cuốn của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 4 cuốn của Nhà Xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội. Riêng SGK Tiếng Anh vì là môn tự chọn nên Bộ sẽ công bố sau. Như vậy, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn dẫn đầu trong việc biên soạn SGK mới đạt chất lượng. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, các bộ SGK mới này được biên soạn khá công phu, có cấu trúc mới, tiếp cận được với nội dung SGK các nước tiên tiến, đảm bảo tính “mở” và linh hoạt. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng đã nói rõ về tính minh bạch, khách quan trong việc lựa chọn SGK mới và có tính đến việc ngăn ngừa “lợi ích nhóm” và độc quyền về lĩnh vực này.
Theo lịch trình, để triển khai kịp thời cho việc thay sách lớp 1 phổ thông năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đề nghị từ nay đến tháng 3-2020, các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập hội đồng chọn lựa và công bố chọn SGK chính thức cho học sinh ở địa phương mình. Từ tháng 3 đến tháng 5-2020, các địa phương cùng với tác giả, nhóm tác giả phải tổ chức tập huấn xong chương trình và SGK mới ở cấp tỉnh. Từ tháng 3 đến tháng 8-2020, tổ chức tập huấn xong ở cấp cơ sở trường học và các nhà xuất bản tiến hành in ấn, phát hành SGK mới đến tay học sinh để triển khai năm học mới vào đầu tháng 9-2020 đúng như dự kiến. Như vậy, công việc chuẩn bị cho thay SGK lần này khá cấp bách, trong đó có nhiều việc phải triển khai ngay từ bây giờ đối với ngành GD-ĐT cũng như các địa phương.
Vấn đề băn khoăn lớn nhất hiện nay là hội đồng chọn lựa SGK mới ở địa phương căn cứ vào những tiêu chí nào để có thể chọn ra những bộ sách, cuốn sách phù hợp cho học sinh sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục trên địa bàn? Theo logic thì việc lựa chọn này phải dựa trên cơ sở của bản thân người học, người dạy và phụ huynh là người bỏ tiền mua sách cho con em họ. Thế nhưng, cách trưng cầu ý kiến của đối tượng này sẽ được thực hiện như thế nào cho khách quan, dân chủ? Để minh bạch hóa vấn đề này, các địa phương cần có quy chế để phòng ngừa các nhóm lợi ích, kể cả tác giả, nhóm tác giả, nhà xuất bản hay những người quản lý chuyên môn trong ngành GD-ĐT tác động… Tất nhiên, hiện tại, Bộ GD-ĐT đang trưng cầu ý kiến về dự thảo hướng dẫn chọn SGK mới, dự kiến ban hành vào tháng 12-2019. Nhưng trong đó có vấn đề mắc mớ về Luật Giáo dục (sửa đổi). Vì sau ngày 1-7-2020, Luật Giáo dục (sửa đổi) mới có hiệu lực nên những văn bản dưới luật ban hành trong giai đoạn này phải được xem xét tính hợp pháp của nó.
Chúng ta tin rằng, với cách làm khoa học, chặt chẽ, minh bạch và khách quan, dù có những trở ngại về thời gian nhưng với quyết tâm cao của toàn ngành GD-ĐT và sự đồng thuận của các bậc phụ huynh học sinh, nhất định việc mở đầu triển khai thay SGK mới lần này sẽ thuận lợi và thành công.
 HOÀNG LINH VIỆT

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.