Lữ Hồng-Kể mong manh bằng những nụ cười

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Gia Lai cách đây khoảng 2 năm, cái tên Lữ Hồng bắt đầu được biết đến. Và rồi chỉ gần 1 năm sau đó, thơ Lữ Hồng xuất hiện thường xuyên trên các báo, tạp chí cả nước. Từng ấy cũng đủ để tác giả trẻ này chính thức trở thành hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà không cần một đặc cách nào. Dù đang mang trong mình căn bệnh nan y, dù đã có lúc tưởng chừng sẽ phải gục ngã trước những mong manh sinh-tử, song Lữ Hồng vẫn luôn giữ cho mình một nụ cười tươi sáng.

“Bé như con chim chích” là câu nhận xét của tôi về Nguyễn Lữ Thu Hồng (tên đầy đủ của Lữ Hồng) trong lần đầu gặp nhau. Cô bé hai mươi ba tuổi lúc ấy gặp tôi với đề nghị được tham gia dẫn chuyện trong các chương trình ca nhạc do tôi biên tập. Qua vài lần xuất hiện dưới ánh đèn màu, tôi đặc biệt chú ý đến nội dung phần dẫn được soạn trước của Hồng. Ý tứ, câu cú và cả chính tả gần như không cần tôi phải can thiệp. Ghi nhận và thoáng nghĩ rằng văn chương mới đúng là nghiệp của cô gái này trong tương lai.

 

Tác giả Lữ Hồng (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Tác giả Lữ Hồng (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Có lẽ chờ mức tình thân đạt mức cần thiết, tôi mới có ly cà phê được mời và nghe Lữ Hồng kể về mình. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Quy Nhơn, đi dạy hợp đồng tại một trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku trong thời gian ngắn, rồi về nhà lụi cụi làm gia sư vì thích lắm được là cô giáo... Các chi tiết ấy thật bình thường với một sinh viên mới tốt nghiệp. Nhưng sau đó, tôi vô cùng bất ngờ khi biết Lữ Hồng đang mang trong người căn bệnh nan y suốt 8 năm nay-ung thư tuyến tụy và đã từng bị bệnh viện trả về. Hồng kể về cái mong manh giữa sự sống và cái chết của chính mình với nụ cười luôn nở trên môi, lúc ấy tôi chợt thấy mình trở thành “con chim chích” trước cô gái này.

Biết Hồng có viết văn, làm thơ, tôi đề nghị cô chọn một bài thơ tâm đắc nhất để trình làng với thiên hạ. Khi bài thơ “Còn trong em một chút gì Hà Nội” được Báo Gia Lai chọn đăng, tôi còn nhớ như in niềm vui của cô và chính đây là cánh cửa đã mở để ý thơ, giọng văn Lữ Hồng đến với mọi người.

Khiêm tốn lắm, Hồng bảo sự kiện này cũng như thể mình đã vượt qua một cuộc phỏng vấn khi xin việc. Rất nhanh, hàng loạt sự kiện với cái tên Lữ Hồng đã được thực hiện, truyền thông khắp nơi trong nước đưa tin giới thiệu về một tấm gương nghị lực sống. Trong thời gian kỷ lục, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn đã cho ra mắt và phát hành tập thơ “Một mai thức dậy” của Lữ Hồng. Sự yêu mến, khâm phục và cái tâm lý “sợ không kịp” của mọi người cứ ngỡ sẽ gây choáng cho cô gái trẻ. Nhưng khi tôi thẳng thắn bày tỏ với Hồng rằng nghị lực sống và chất lượng của tác phẩm chưa hẳn song hành, tuy ảnh hưởng lẫn nhau nhưng không thay thế cho nhau được thì Lữ Hồng liền chia sẻ: “Em trân quý tất cả tình cảm của mọi người dành cho mình, đồng thời em cũng minh định điều này. Em biết mình cần cố gắng rất nhiều...”.

Chỉ 10 tháng sau đó, các sáng tác thơ văn và cả tác phẩm báo chí của Lữ Hồng đã xuất hiện thường xuyên trên các báo, tạp chí: Báo Gia Lai, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Quân đội nhân dân, Áo Trắng, Tuần báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin, Đà Nẵng Cuối tuần... Và từng ấy cũng đủ để Lữ Hồng chính thức là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà không cần một đặc cách nào. Đọc Lữ Hồng vẫn tìm thấy đâu đó những nốt trầm, nhưng tuyệt nhiên chẳng hề gặp cái sụt sùi cho số phận. Với cuộc đời chung riêng, Hồng không “được ngày nào, hay ngày đấy” như Kahlil Gibran: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương”. Mà là: “Một mai thức dậy/ Đi trọn kiếp người”. Để rồi: “Em sẽ hái hoa về, đơm vào giỏ li ti/ Sẽ kéo mây giăng ngang vào gần dải đất/ Nơi em đến là khu vườn bí mật/ Không gai góc đời và lấm chấm niềm đau”.

Không chỉ tìm thấy niềm vui trong việc viết lách, từ khi thi đỗ viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, được phân công về dạy tại Trường THCS Kpă Klơng (xã Ia Pia, huyện Chư Prông), Lữ Hồng còn vô cùng hạnh phúc khi lại được đứng trên bục giảng, trước những ánh mắt sáng trong háo hức của học trò. Nơi ấy, từ niềm yêu với văn chương, những tiết dạy Ngữ văn của cô giáo Lữ Hồng cũng đã mở ra cho các em những chân trời thơ mộng.

Gần 1 tháng trước, nghe tin Lữ Hồng trở bệnh và nhập viện với tiên lượng xấu, có điều gì đó đã làm tôi quyết định không đến thăm “con chim chích” mà chờ sẽ được “trả nợ” một ly cà phê như đã hẹn. Tin nhắn của Lữ Hồng gửi cho tôi lúc cơn đau đang hành hạ: “Những ngày qua là những ngày thật khủng khiếp anh ạ, nhưng sao em cứ vẫn giữ một niềm tin là em sẽ sống” đã làm tôi và nhiều người khác càng tin em sẽ vượt qua. Học trò của em đang chờ dáng cô trên bục giảng, độc giả yêu mến em đang chờ những sáng tác mới...

Mấy nay, thấy trang tin nhắn trên facebook của Lữ Hồng sáng đèn,  sau đó là một chia sẻ tâm trạng và lời cảm ơn của em với mọi người. Em đã dần hồi phục. Thế là điều kỳ diệu lại một lần nữa xảy ra. Cô gái bé nhỏ giữa lòng phố nhỏ vẫn dư thừa nghị lực sống, vẫn cứ lạc quan yêu đời, nụ cười luôn sáng lên giữa bệnh tật và vòng xoay cuộc đời. Hy vọng, cũng sẽ nhanh thôi, chúng tôi sẽ lại trò chuyện cùng nhau, trong râm ran tiếng cười của “con chim chích” bên ly cà phê ở góc phố quen.

Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Chinh phục khách hàng bằng trái tim

Chinh phục khách hàng bằng trái tim

(GLO)- Hơn 25 năm gắn bó với ngành bảo hiểm nhân thọ, chị Nguyễn Thị Mỹ Hiệp - Giám đốc Công ty Bảo hiểm Prudential tại Gia Lai luôn kiên định với triết lý: “Bán hàng bằng trái tim”.

Ông Kpă Blon (bìa phải) trò chuyện với thanh niên trong làng về việc đảm bảo an ninh trật tự.Ảnh: R.H

“Đầu tàu” của làng Đút

(GLO)- Nhắc đến ông Kpă Blon (SN 1984, làng Đút, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), ai cũng dành cho ông sự quý trọng. Không chỉ tận tâm hòa giải mâu thuẫn, giữ gìn sự bình yên cho buôn làng, ông còn tích cực hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, cải thiện đời sống.

Chị Lê Thị Luyên trao đổi với anh Đinh Klet-Bí thư Chi Đoàn làng Dơ Nông Ó về mô hình tủ sách pháp luật điện tử của Đoàn xã Kông Htok. Ảnh: R.H

“Thủ lĩnh” thanh niên ở Kông Htok

(GLO)- Trong vai trò “thủ lĩnh” thanh niên cùng tinh thần trách nhiệm và sự sáng tạo, chị Lê Thị Luyên-Bí thư Đoàn xã Kông Htok (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn, góp phần thay đổi nhận thức và đời sống của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) ở địa phương.

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

(GLO)- Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi qua mỗi ngày. Khi ta biết cách nhân lên niềm hạnh phúc, cuộc sống trở nên ý nghĩa, nhẹ nhàng và đáng sống hơn. Đó là cách mà nhiều gia đình đang tạo lập cũng như chung tay gìn giữ.