Lợi ích tuyệt vời của cải xoong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các vitamin, khoáng chất cùng các chất chống oxy hóa có trong cải xoong giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm nguy cơ phát triển ung thư, cải thiện sức khỏe tim mạch...

Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn (TP.HCM), cải xoong có rất nhiều ở Việt Nam và được sử dụng thường xuyên vì công dụng tốt cho sức khỏe. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cải xoong giúp tái tạo các tế bào bị hư hỏng, phòng bệnh ung thư và rất giàu vitamin C. Đặc biệt, loại rau này rất giàu folate, một loại vitamin B được biết đến với vai trò trong chức năng não, cải xoong có thể góp phần cải thiện sức khỏe nhận thức, tăng cường trí nhớ và hỗ trợ kiểm soát căng thẳng.

Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam (Bộ Y tế), 100 g cải xoong chứa 22 kcal năng lượng, trong đó 2,1 g protein, 0,07 g lipid, 3,33 g carbohydrate, 2 g chất xơ và một số vitamin khoáng chất quan trọng như 235 mcg vitamin A, 250 mcg vitamin K, 25 mg vitamin C, 9 mcg folate, 211 mg kali, 2 g chất xơ.

Cải xoong giàu vitamin, khoáng chất. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Cải xoong giàu vitamin, khoáng chất. Ảnh: SHUTTERSTOCK

Giàu vitamin, khoáng chất tốt cho mắt, xương, hệ miễn dịch

Cải xoong chứa vitamin A đóng vai trò quan trọng cho sức khỏe mắt, tốt cho sự phát triển xương và răng, hỗ trợ hệ miễn dịch và chống oxy hóa. Vitamin K giúp hoạt hóa các yếu tố trong quá trình đông máu và tham gia tổng hợp protein, giúp xương chắc khỏe.

Lượng vitamin C trong 100 g cải xoong đóng góp khoảng 25% nhu cầu vitamin C của người trưởng thành. Có vai trò trong việc hình thành collagen, tăng cường sức đề kháng, giúp tăng hấp thu chất sắt và chống oxy hóa. Tuy nhiên, vitamin C dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ nên cần lựa chọn rau cải xoong tươi, vừa mới được thu hoạch.

Folate trong cải xoong có vai trò quan trọng trong quá trình tạo máu và hệ thần kinh như phòng chống đột quỵ, bệnh mạch máu, thoái hóa điểm vàng ở mắt, phòng chống Alzheimer và ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ trong quá trình mang thai.

Kali giúp điều chỉnh nhịp tim, nồng độ natri máu, huyết áp. Bổ sung thực phẩm giàu kali là rất cần thiết ở người bệnh tim mạch.

Chất xơ có tác dụng cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm táo bón, duy trì sự cảm giác no lâu hơn, giảm hấp thu cholesterol, giữ đường huyết ở mức ổn định và có thể phòng chống ung thư đường tiêu hóa.

Giảm nguy cơ phát triển ung thư

Theo bác sĩ Thu Hà, cải xoong giàu beta-carotene và các loại carotenoids khác (tiền chất của vitamin A), được biết đến là chất chống oxy hóa mạnh. Caroten giúp giảm các gốc tự do trong cơ thể, từ đó giảm nguy cơ tổn thương tế bào, ung thư và các bệnh mãn tính khác như viêm khớp. Các bằng chứng thực nghiệm và lâm sàng cho thấy cải xoong giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới, ung thư ruột kết, ung thư cổ tử cung, ung thư vú ở phụ nữ, đồng thời ngăn chặn sự di căn các tế bào ung thư sang các cơ quan khác.

"Cơ chế phòng chống ung thư có được chính nhờ glucosinolates, một hoạt chất sinh học thực vật (phytochemical) có trong cải xoong. Khi chúng ta nhai chúng trong miệng chất này sẽ bị thủy phân để sản xuất isothiocyanates - hoạt chất có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. Cải xoong cũng là nguồn dinh dưỡng đặc biệt phong phú với hoạt chất nasturtium, tiền thân của isothiocyanate phenethyl", bác sĩ Vũ chia sẻ.

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Chất chống oxy hóa (đặc biệt là carotenoids) có liên quan đến việc giảm huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim và thậm chí giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Magie và kali trong cải xoong có hiệu quả trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý tim mạch.

Hỗ trợ chống loãng xương

Cải xoong là nguồn cung cấp khoáng chất và vitamin quan trọng cho xương khỏe mạnh như canxi, kali, magie và vitamin K1. Canxi là khoáng chất phổ biến nhất trong cơ thể bạn. Nếu bạn không cung cấp đủ, bạn có thể dần dần làm suy yếu xương của mình theo thời gian, dẫn đến chứng loãng xương.

Magie, kali và vitamin K1 tham gia vào sự phát triển của các tế bào xương. Magie có vai trò quan trọng trong quá trình khoáng hóa xương và duy trì hoạt động của hệ miễn dịch. Tiêu thụ đủ các khoáng chất này có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng do loãng xương và lão hóa.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, các nhà khoa học đã kiểm tra 17 thành phần dinh dưỡng khác nhau của 41 loại rau và trái cây giàu dinh dưỡng. Trong đó, cải xoong có điểm cao nhất (100 điểm) về mật độ dinh dưỡng và được CDC Mỹ công nhận là "thực phẩm lành mạnh nhất" thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...