Thói quen ăn mặn và thiếu rau ảnh hưởng sức khỏe như thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khoảng 59% người Việt đang ăn thiếu rau, hơn 78% có thói quen ăn mặn, thường xuyên thêm muối, gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn.

Theo Bộ Y tế, khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất (tương đương với 400 g) mỗi ngày. Trung bình một người trưởng thành ở nước ta tiêu thụ 8,1 g muối trong một ngày, cao hơn nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ít hơn 5 g muối/ngày.

Tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1 g muối trong một ngày.

Những thông tin trên có trong Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện.

Theo Bộ Y tế, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý ít rau và nhiều muối dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như tăng bệnh không lây nhiễm liên quan dinh dưỡng như tim mạch, ung thư, đột quỵ.

Thói quen ăn mặn làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp và nhiều bệnh không lây nhiễm. Ảnh: LÊ CẦM

Thói quen ăn mặn làm gia tăng nguy cơ tăng huyết áp và nhiều bệnh không lây nhiễm. Ảnh: LÊ CẦM

Nguy cơ tăng huyết áp, suy thận, ung thư khi ăn mặn

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết muối được tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua. Muối thường được sử dụng với mục đích tăng thêm hương vị cho món ăn hoặc như một chất bảo quản thực phẩm.

Mặc dù natri trong muối là một khoáng chất cần thiết giúp thư giãn và co cơ, hỗ trợ các xung thần kinh và cân bằng khoáng chất và nước trong máu thích hợp. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều muối có thể gây ra những tác hại cho sức khỏe cả ngắn hạn và dài hạn theo nhiều cách.

"Ăn nhiều muối có thể làm tăng huyết áp. Bệnh tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây ra đột quỵ, suy tim, phì đại cơ tim, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh lý tim mạch khác - nguyên nhân gây ra tử vong và tàn phế hàng đầu. Ngoài ra ăn thừa muối làm tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận, sỏi thận, loãng xương và gây nhiều rối loạn cho sức khỏe", bác sĩ Hà phân tích.

Tăng huyết áp: Huyết áp cao là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch. Có nhiều lý do khiến bạn bị cao huyết áp nhưng thường gặp nhất là do ăn quá nhiều natri. Vì nó làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi. Ăn quá nhiều muối khiến cơ thể khó loại bỏ chất lỏng mà bạn không cần. Kết quả là huyết áp của bạn tăng lên.

Người Việt có thói quen chấm thêm các loại nước chấm trong khi ăn. Ảnh: LÊ CẦM

Người Việt có thói quen chấm thêm các loại nước chấm trong khi ăn. Ảnh: LÊ CẦM

Rối loạn chức năng thận: Cơ thể cần một lượng nhỏ natri để duy trì sự cân bằng chất lỏng thích hợp. Tuy nhiên sự dư thừa muối khiến thận giữ nước làm căng thẳng cho hệ thống thận, dẫn đến rối loạn chức năng thận và gây ra các vấn đề sức khỏe liên quan.

Thúc đẩy tăng cân: Khi cơ thể bạn giữ nước, bạn có thể tăng cân. Nếu bạn tăng cân nhanh chóng trong một tuần hoặc thậm chí vài ngày, đó có thể là do bạn nạp quá nhiều muối. Ngoài ra, thức ăn được nêm thêm muối sẽ kích thích vị giác khiến bạn ngon miệng và tiêu thụ nhiều thức ăn. Ví dụ các bữa cơm có món kho mặn, món canh chua sẽ kích thích bạn ăn thêm với nhiều cơm. Và khi bạn tiêu thụ quá nhiều calo mà không thể đốt cháy hết, điều này có thể góp phần vào tăng cân.

Hiện tượng phù: Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến sự tích tụ nước trong cơ thể, gây ra tình trạng phù nề. Muối có thể làm cho thận giữ lại chất lỏng, dẫn đến việc giữ nước hoặc phù nề. Sự lưu trữ này xảy ra bởi vì thận cảm nhận rằng cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn để bù đắp cho sự giảm lưu lượng máu. Ngoài ra, mức tiêu thụ natri cao có thể dẫn đến sự mất cân bằng điện giải, một nguyên nhân khác của phù nề.

Bữa ăn nhiều đạm thiếu rau có thể gây thiếu các vitamin, khoáng chất ảnh hưởng đường ruột, hệ miễn dịch. Ảnh: LÊ CẦM
Bữa ăn nhiều đạm thiếu rau có thể gây thiếu các vitamin, khoáng chất ảnh hưởng đường ruột, hệ miễn dịch. Ảnh: LÊ CẦM

Thiếu rau và chất xơ ảnh hưởng cơ thể như thế nào?

Theo bác sĩ Hà, việc ăn thiếu rau và thực phẩm có chứa chất xơ có thể dẫn đến vấn đề tiêu hóa, táo bón, lâu dài ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột. Ngoài ra, thiếu chất xơ có thể dẫn đến các bệnh lý rối loạn mỡ máu, gan nhiễm mỡ, đái tháo đường,...

Rau củ có chứa nhiều vitamin và khoáng chất quan trọng cho sức khỏe như vitamin A, B9, folate, C, E, K, kali, magie, sắt và kẽm, ăn thiếu rau dẫn đến thiếu vitamin và khoáng chất. Thiếu những chất này có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, chức năng tim mạch và nhiều khía cạnh khác của sức khỏe.

Việc bổ sung rau mỗi ngày là rất quan trọng, bởi không chỉ bổ dưỡng mà nó còn có thể bảo vệ chống lại các bệnh bao gồm tiểu đường, bệnh tim, rối loạn mỡ máu, béo phì và thậm chí một số loại ung thư.

Có thể bạn quan tâm

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Ăn kiêng thịt động vật, sao mỡ máu vẫn cao?

Việc kiêng cữ trong ăn uống với người mỡ máu cao không chỉ là giảm chất béo, thịt động vật mà cần xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giảm lượng đường, tinh bột nhanh từ trái cây, các loại bánh ngọt, hạn chế bia rượu...