Lời hẹn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO- Phải chi con Huyền đừng về quê, nó ra trường cứ ở lại thành phố, kiếm một công việc tàm tạm, một tấm chồng tử tế, đời nó bớt khổ.
- Bà tính chi xa quá, tui chỉ mong nó chẳng học hành chi cao cũng được, xong cấp ba ở nhà học may từ mẹ, mở tiệm may như hàng trăm nhà khác ở thành phố này. Lấy cái thằng Thông vẫn theo đuổi nó bao năm nay. Con bé dở người, học hành cho đã rồi quay về chèo lái sông nước chi cho gặp nạn.
Khi nói đến đó, ông Vui im lặng vùi tiếng thở dài xuống lồng ngực gầy héo hắt.
Huyền giấu mình sau tấm rèm dệt thổ cẩm, dựa lưng vào bức tường ẩm mùi rêu. Sáng nay, khi nhìn những cọng rêu non tơ, bé tí ti đâm mình non xanh vươn lên trong nắng sớm, trời bớt lạnh, bớt mưa, Huyền đã thấy dễ chịu hơn một chút. Vậy mà, chỉ vài câu đối thoại trên lại khiến Huyền thấy đầu váng vất cơn đau, thấy không gian bức bí ngột ngạt.
Cố nhớ, cố nghĩ những gì đã qua người khác đang nói về mình mà chẳng thể nào moi ra được một chút gì để nhớ. Không đau đầu, không bức bí sao được. 
Huyền chỉ nhớ cái khoảnh khắc ám ảnh tột cùng, khi chiếc thuyền bé xíu của mình chẳng hiểu sao lại lọt vào dòng nước xoáy. Cái vùng cửa biển này, cô thuộc nằm lòng từ bao giờ, thế mà bỗng dưng xuất hiện nước xoáy. Mấy người vạn chài gần đó khẳng định Huyền cao số, cỡ thuyền ấy, người ấy, mà gặp xoáy ấy thì lẽ ra đã đi chầu Hà Bá ngay. Thế mà Huyền tỉnh lại, sau một ngày rưỡi mê man. Cũng sau khoảng thời gian một ngày rưỡi ngắn ngủi ấy, Huyền bỗng quên tất cả quá khứ của mình.
Thông đến, tay cầm ly nước nho quen thuộc. Câu đầu tiên Thông nói với Huyền mỗi khi gặp mặt luôn là: “Em uống đi, nước nho ép rất tốt cho phục hồi trí nhớ”. Chẳng biết có đúng vậy không khi quá khứ của Huyền vẫn mịt mù xứ nào.
 Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương
*       *
Thông là người duy nhất ở bên Huyền mỗi ngày, ngoại trừ bố mẹ. Có khá nhiều bè bạn khi tới thăm, òa khóc khi Huyền chẳng thể nhớ ra điều gì về mình. Nhưng rồi, chỉ sau 2, 3 lần quay lại, thấy không biến chuyển gì hơn, họ ít đến dần. Chỉ Thông vẫn kiên trì, xin nghỉ việc ở Sài Gòn, kiếm tạm một việc ở quê để ngày ngày có thể nhẫn nại kể Huyền nghe những câu chuyện nho nhỏ, vui vui về Huyền. Những câu chuyện ấy, bác sĩ điều trị nói rằng có thể giúp Huyền thoải mái, có tâm trạng tích cực trong việc phục hồi trí nhớ.
Sáng nay, khi Thông rủ Huyền đi dạo dọc sông Hoài thì cô chợt hỏi:
- Thông, từ trước tới giờ Thông yêu Huyền hả?
Thông giật mình. Lặng một lúc, Thông hỏi lại:
- Sao Huyền hỏi vậy?
- Mọi người nói vậy mà Huyền không biết thì hỏi. Hôm qua, Huyền xem bộ phim Hàn Quốc, thấy người ta nói yêu nhau thì vì nhau, hy sinh cho nhau. Mà Thông hy sinh cho Huyền thật, vì Huyền thật. Thông bỏ lỡ cơ hội công việc tốt trong Sài Gòn để ở đây lo cho Huyền.
Thông phì cười trước cách lập luận của Huyền. Thông tính nói với Huyền rằng Thông yêu cô từ hồi mới lớn ấy tới giờ chứ không phải mới mẻ gì gần đây. Nhưng rồi anh lại im lặng.
- Mà Thông à, lạ lắm, thi thoảng Huyền chập chờn như mơ, nghĩ tới ai đó.
Thông lại giật mình cú nữa. Cú này khiến Thông dừng tay chèo, để mặc con thuyền xuôi nhẹ theo dòng nước khá lâu. Mấu chốt phức tạp là đây. Là “ai đó” mà bố mẹ Huyền luôn nói Thông không được nhắc tới.
- “Ai đó” là… ai?
- Không rõ. Người đó cao, trắng, chứ không như Thông.
Thông cười gượng. Phải rồi. Cao, trắng, sao như Thông được. Người ta là dân da trắng, Tây mà. Anh Tây ấy là người yêu gắn bó với Huyền suốt ba năm ở trường đại học. Anh chàng học Khoa Đông Phương. Mùa hè cách đây ba năm, Huyền tranh thủ nghỉ hè chèo thuyền đưa khách tham quan dọc bờ sông, anh Tây chỉ là một trong cả trăm, ngàn vị khách nhưng chẳng hiểu sao họ lại có thể yêu ngay nhau được. Họ đã hò hẹn ra trường, mùa xuân này sẽ cưới nhau…
- Sao Thông bần thần vậy?
Khi nghe Huyền hỏi câu ấy, Thông nhận ra mái chèo đã ở trong tay Huyền tự bao giờ. Thật lạ, khi hầu như quá khứ đã đi lạc thì vẫn có những hành động, những suy nghĩ vẫn tồn tại như thể đã là thói quen, quán tính không thể cắt rời. Như việc Huyền vẫn có thể chèo thuyền thuần thục. Giờ lại việc cái anh chàng da trắng, cao to chờn vờn trong suy nghĩ của Huyền. Lẽ nào, nỗi nhớ, tình yêu cũng có thể thành quán tính!
*
*       *
Ly nước ép nho thứ 98 vẫn kiên trì trên tay Thông mỗi ngày trao cho Huyền sau những viên thuốc đắng nghét cô uống theo chỉ định. Thông vẫn thường rủ Huyền chèo thuyền giữa hương đồng cỏ nội ngan ngát, kể những câu chuyện vui vui thư giãn. Những cơn đau đầu trở lại thường xuyên, đều đặn hành hạ Huyền. Có lúc đầu muốn nổ tung, Huyền bảo Thông đi đi, để mặc cô một mình với một mái chèo xuôi dòng sông êm ả. Chiều ý Huyền nhưng Thông vẫn kè kè riêng một con thuyền bên cạnh phòng bất trắc. Bác sĩ nói, những cơn đau càng nhiều chứng tỏ đó là lúc vỏ não của Huyền sau những ngày chấn động đang tái tạo và có dấu hiệu phục hồi.    
Mới hôm qua thôi, Huyền làm Thông bất ngờ khi tự đưa tay ngắt một cành hoa bưởi ven sông hít hà rồi hỏi: “Hồi nhỏ, Huyền hay nhờ Thông trèo hái bông bưởi để gội đầu nhỉ?”. “Ai nói với Huyền vậy?”. “Tự biết chứ, cần gì ai nói”. Như để minh chứng, Huyền thao thao thêm vài câu chuyện xưa lắc xưa lơ. Vẻ mặt Huyền có vẻ căng thẳng khi trò chuyện, như thể sợ có thể bất cứ lúc nào những câu chuyện ấy lại trôi tuột đi đâu đó mà cô không thể kiểm soát. Trong khi đó, mặt Thông rạng rỡ, anh hét lớn vang cả mặt sông: “Oa…a…a…”.
Huyền nói rằng cũng đã nhớ ra ngay lập tức “ai đó” cao to, da trắng là ai rồi. Nếu người ta muốn ở lại Paris thì cứ để người ta ở lại luôn, Huyền không tìm kiếm, hỏi han chi nữa. Nhưng không hiểu sao Huyền vẫn tin anh sẽ trở lại. Thông cười gượng đồng tình vì không muốn Huyền phải suy nghĩ nhiều nặng đầu vào thời điểm mới phục hồi này. Nhiều lúc, Thông tính nói với Huyền chắc người ta đã quên lời hò hẹn đám cưới mùa xuân rồi, năm mới, mình tính chuyện cưới nhau đi. Nhưng rồi nhìn vẻ mặt Huyền như giấu chút buồn, giấu chút hy vọng, giấu chút mỏi mòn, Thông không đành lòng.
Nhưng anh chàng đến từ Paris đã quay lại. Khi đi sửa đồng hồ đầu phố, Thông lập tức nhận ra anh ta đang ngơ ngác dò dẫm bản đồ trên con phố cổ. Giáp mặt một lúc anh ta mới nhận ra Thông, mừng rỡ theo Thông thẳng tiến tới nhà Huyền. Khi Thông bực dọc hỏi, chừng đó tháng Huyền bệnh, chừng đó tháng Huyền chờ mà sao chẳng thấy cái bản mặt nhà anh, anh chàng khổ sở thanh minh: “Cũng chừng đó ngày mẹ tôi bị tai nạn giao thông, tôi phải chăm bà khỏe lại đã”. Thông thấy mắt mình cay sè, chẳng hiểu vì sao.
*
*       *
Ngày đám cưới Huyền là một ngày xuân. Phố du lịch nên người ta đã chặt hết bưởi để làm quán cà phê, quán ăn rồi. Thông phải cố gắng mới kiếm ra được vài chùm hoa bưởi còn sót lại để treo đầu thuyền. Chẳng biết trong dòng thuyền hoa dập dềnh trải dài trên sông, Huyền có nghe mùi hương bưởi lặng lẽ hiến chút hương độ xuân thì. Mà thôi, điều ấy quan trọng gì, vì dầu sao Thông cũng thấy lòng mình hạnh phúc khi nhìn mặt Huyền tươi hớn hở trong nắng xuân hồng.
Võ Thu Hương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

Thơ Đại Dương: Em đi trên đồi hoa

(GLO)- "Em đi trên đồi hoa" của tác giả Đại Dương là sự hòa quyện giữa con người và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Những câu thơ mang sắc thái vừa lãng mạn vừa thoáng gợi lên cảm giác tiếc nuối về thời gian trôi qua, để rồi "mắt hoa tròn ngấn lệ/rưng rưng vắt qua mùa"...

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

Gương mặt thơ: Thanh Thảo

(GLO)- Là một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ thơ chống Mỹ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Hoàng Nhuận Cầm, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Tiến Duật, Thu Bồn... nhưng Thanh Thảo có một giọng thơ riêng, thiên về trí tuệ và một lối tư duy trực cảm.

“Gia Lai trong tôi”

E-magazine“Gia Lai trong tôi”

(GLO)- Gia Lai trong bạn là những hình dung gì khi nhắc đến? Là khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, là nụ cười sơn nữ hay nét bản sắc văn hóa khó lẫn? Những câu trả lời sẽ được tìm thấy tại Triển lãm nhiếp ảnh năm 2024 với chủ đề “Gia Lai trong tôi”.

Kết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

E-magazineKết nối, tôn vinh bạn đọc yêu sách

(GLO)- Sáng 17-10, Thư viện tỉnh Gia Lai tổ chức chương trình “Kết nối bạn đọc yêu sách” với sự tham gia của hàng trăm học sinh thuộc các đơn vị trường học trên địa bàn TP. Pleiku, những người làm công tác thư viện ở cơ sở và bạn đọc tích cực của thư viện năm 2024.

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

Thơ Lê Vi Thủy: Ngày nắng

(GLO)- Bài thơ "Ngày nắng" của Lê Vi Thủy là những hình ảnh đầy sức sống và hy vọng. Tác giả khéo léo khắc họa cuộc sống khó khăn nhưng đầy nghị lực của con người, với những mầm xanh vươn lên trong khô cằn, thể hiện niềm tin vào ngày mai tốt đẹp hơn.