Cấp sổ cho nhà xây dựng tạm, xét về cả lý và tình... đều là lẽ đương nhiên của chính quyền địa phương. Về lý, đã có quy định quy hoạch, dự án bao nhiêu năm không thực hiện sẽ bị thu hồi. Về tình, người dân sống trên đất của họ, nhà của họ nhưng lại không thể sửa chữa, không được xây mới, không được cơi nới dù sống chen chúc, chật chội... là hết sức vô lý. Thế nhưng quy hoạch treo phổ biến và kéo dài đến mức, những cái "đương nhiên" lại trở thành đặc biệt; những quyền lợi tất lẽ dĩ ngẫu lại trở nên khó khăn, vướng mắc. Mà những việc này kéo dài đến hàng chục năm, thậm chí có những quy hoạch lưu cữu tới vài thập niên, từ đời cha mẹ, con cái cho tới thế hệ thứ 3 trong một gia đình vẫn chưa được giải quyết.
Đáng nói, không chỉ dự án treo, tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành trên cả nước còn rất nhiều loại quy hoạch treo như hẻm treo, lộ giới treo, đường treo... Hình thức treo có thể khác nhau nhưng tác động của nó lên đời sống người dân, bộ mặt đô thị đều rất lớn. Quan trọng hơn, các loại quy hoạch treo này còn cho thấy sự thiếu hiệu quả của tầm nhìn, quy hoạch; năng lực thực thi; gây lãng phí lớn cho ngân sách trong bối cảnh tài nguyên đất đai không được khai thác sử dụng; thuế - phí thất thu...
Nhắc lại để thấy, việc cấp sổ đỏ cho nhà tạm trong các khu vực quy hoạch treo mà luật Đất đai quy định và TP.Thủ Đức (TP.HCM) tiên phong có ý nghĩa rất lớn, cần được đẩy mạnh làm nhanh, nhân rộng ra khắp nơi.
Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp sửa chữa những bất cập trong quá khứ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn là thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về thu hồi dự án nếu quá hạn không triển khai. Những vấn đề này đã được quy định rất cụ thể, rõ ràng. Trong đó, cũng cần xem xét cả về năng lực của đơn vị thẩm định, phê duyệt quy hoạch. Đầu vào chuẩn chỉnh thì đầu ra sẽ chắc chắn, hiệu quả hơn. Còn trước đây và cả hiện tại, quy hoạch treo tràn lan nhưng lỗi ở khâu nào, trách nhiệm thuộc ở đâu... gần như không được nói đến, không bị truy cứu. Hệ quả là cái cũ treo chưa tháo thì lại thêm cái mới và chắc chắn sẽ có cái tiếp tục treo.
Không chỉ có việc cấp sổ đỏ cho nhà tạm, từ ngày 1.8, nhiều quy định mới liên quan đến 3 luật được đưa vào áp dụng sớm gồm luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản, luật Nhà ở cũng có hiệu lực thi hành. Đơn cử như quy định cấp sổ đỏ lần đầu không quá 3 ngày theo Nghị định 101 của Chính phủ; 8 trường hợp nhà ở chưa có sổ đỏ được phép mua bán, thế chấp nếu đảm bảo điều kiện giao dịch như có giấy phép xây dựng, giấy xác nhận kinh doanh theo Nghị định 95; thu nhập tối đa 15 triệu đồng/tháng được thuê mua nhà ở xã hội; tiền cọc mua nhà hình thành trong tương lai tối đa 5% giá bán, thanh toán lần đầu không quá 30% hợp đồng, gồm tiền cọc... Tất cả các quy định này đều tạo thuận lợi và bảo vệ quyền hợp pháp của người dân về tài sản và tính hiệu quả của bộ máy hành chính công trong thực thi chính sách pháp luật.
Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành đã quyết liệt đưa luật vào áp dụng sớm; ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn đồng bộ. Hy vọng rằng những chính sách có lợi cho người dân sẽ được triển khai nhanh chóng tới từng địa phương, từng cấp để củng cố niềm tin, tạo môi trường minh bạch, từ đó tất cả sẽ chung tay, góp sức để phục hồi tăng trưởng, phục hồi kinh tế.
Theo Nguyên Khanh (TNO)