Lo viện phí tăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhiều bệnh viện công đang đề xuất tính đúng, tính đủ tất cả các yếu tố cấu thành viện phí. Lập luận được đưa ra là do chưa tính đúng tính đủ các yếu tố này nên hoạt động của bệnh viện công gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ y tế không đơn thuần là giá để người dân chi trả chi phí khám chữa bệnh cho bệnh viện, mà quan trọng hơn cả nó là cơ sở để cơ quan bảo hiểm xã hội thay mặt người dân thanh toán cho bệnh viện. Giá dịch vụ y tế này nếu tính đúng, tính đủ thì phải bao gồm 7 yếu tố chi phí: Thuốc, vật tư trực tiếp; điện, nước, xử lý chất thải; duy tu, bảo dưỡng tài sản; tiền lương, phụ cấp; sửa chữa lớn tài sản cố định; khấu hao tài sản; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết hiện giá viện phí mới được tính 4/7 yếu tố đối với các dịch vụ y tế, trong khi 100% bệnh viện phải tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn. Trong các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế này, hiện mới cấu thành chi phí trực tiếp và tiền lương, chưa tính chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định. Thế nên, kinh phí hoạt động của nhiều bệnh viện công ngoài nguồn thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì ngân sách nhà nước vẫn đang bảo đảm kinh phí hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp chưa tự bảo đảm chi thường xuyên.

Việc chưa được tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế trong thời gian dài đã dẫn tới những khó khăn, hệ lụy không mong muốn với hầu hết bệnh viện công, nhất là bệnh viện ở tuyến dưới cơ sở vật chất xuống cấp, có nơi xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị chậm được hiện đại hóa…

Một hệ lụy đã trở thành vấn đề nóng hiện nay là nhân viên y tế công xin nghỉ việc do lương, thu nhập quá thấp. Với một bác sĩ, thời gian đào tạo tới 6 năm, sau đó phải mất thêm 18 tháng thực hành mới được hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34. Do thu nhập không đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu, thời gian qua, hàng loạt nhân viên y tế đã xin nghỉ việc. Nếu như cả năm 2021 có hơn 5.300 người xin nghỉ, chuyển việc thì chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có hơn 4.100 người xin nghỉ, chuyển việc.

Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế có thể chưa giải quyết hết những khó khăn mà ngành y, các bệnh viện đang gặp phải, song được cho sẽ giúp cải thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhất là thu nhập để giữ chân nhân viên y tế trong các bệnh viện công, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Thế nhưng, nếu tính đúng, tính đủ thì viện phí chắc chắn sẽ tăng và điều này sẽ tác động rất lớn đến người dân, bởi đây là dịch vụ thiết yếu với mọi gia đình. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn khi đang phục hồi sau dịch, giá cả nhiều mặt hàng "leo thang" theo giá xăng dầu ở mức cao kỷ lục… việc tăng viện phí sẽ có những tác động không nhỏ.

Do đó, đối với đề xuất tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, cần cân nhắc thời điểm áp dụng, có lộ trình và nhất là cần có thanh, kiểm tra, giám sát để bảo đảm thực sự tính đúng, tính đủ chứ không tính quá.

Theo PHẠM DƯƠNG (NLĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Hết thời 'đếm bài thưởng tiền'?

Mới đây, một lãnh đạo Bộ KH-CN cho biết định hướng đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong thời gian tới của bộ này sẽ tập trung phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc, không ưu tiên đầu tư nghiên cứu chỉ để có bài báo quốc tế.
Câu chuyện cấp thiết

Câu chuyện cấp thiết

Bình Thuận đang tích cực chuẩn bị cho việc đoàn thanh tra của EC đến thanh tra lần thứ 5 về các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU); nhằm nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản.
Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Hãy cho bánh mì một hướng dẫn

Vừa qua, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã phát thông cáo báo chí về kết quả xét nghiệm của vụ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì trên địa bàn TP.Long Khánh, làm khoảng 550 trường hợp phải nhập viện điều trị (tính đến ngày 7.5).