"Lỗ hổng" chí tử với doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong khoảng một tháng vừa qua, câu chuyện Asanzo và nghi án nhập hàng Trung Quốc rồi “đội lốt made in Vietnam” đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí. Đến đâu cũng có thể nghe bàn luận về vụ việc này, bởi lẽ, mặt hàng tivi - sản phẩm chủ đạo của Asanzo trong vụ lùm xùm này bán rất “chạy” ở nước ta, đặc biệt là khu vực nông thôn.
 
Câu chuyện trở nên nghiêm trọng hơn khi Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin.
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cũng được yêu cầu phải chỉ đạo các cơ quan chức năng (Hải quan, Quản lý thị trường…) rà soát lại việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách nhiệm vụ được giao trong vụ việc này, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục Hải quan là đơn vị đầu tiên có phát ngôn về vụ việc này. Theo khẳng định của ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, việc doanh nghiệp nhập nguyên chiếc bếp từ, nồi cơm điện, bàn là từ Trung Quốc, sau đó ghi nhãn mác “Made in Vietnam” là hoàn toàn sai.
Tuy nhiên, ông Tuấn cũng nêu lên một thực trạng mà nhiều người tiêu dùng phải “ngã ngửa”, đó là: “Nếu hàng hóa xuất khẩu thì chúng ta có tiêu chí, còn đối với hàng hóa lưu thông trong nước, chúng ta chưa có tiêu chí, do vậy trường hợp doanh nghiệp nhập linh kiện về lắp ráp như thế nào thì được ghi và không được ghi “made in Vietnam” hiện chưa có”.
Nói cách khác, đang tồn tại những “lỗ hổng pháp lý” dẫn đến chưa thể kết luận được Asanzo có lừa dối người tiêu dùng về xuất xứ hàng hoá hay không.
Điều đáng buồn là chưa cần biết kết luận ra sao thì Asanzo đã hứng hậu quả nặng nề: Nhiều đơn vị phân phối, siêu thị đã ngừng nhập hàng và theo đó, hoạt động kinh doanh của công ty này bị đình đốn, 2.000 công ăn việc làm bị đe doạ.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo đã phải gửi “thỉnh nguyện thư” đến Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý thị trường đề nghị cơ quan này sớm xúc tiến kiểm tra để đưa kết luận khách quan. Ông Tam cho biết, “nghi vấn trên đang khiến người tiêu dùng trong cả nước ngưng mua hàng, các nhà phân phối ngưng nhập hàng và tất cả các tài khoản ngân hàng đều bị đóng băng, khiến cho việc kinh doanh đình trệ, khốn đốn”. Một cuộc khủng hoảng thực sự đối với doanh nghiệp này!
Đáng buồn hơn nữa, vì sao chúng ta có tiêu chí xuất xứ cho hàng xuất khẩu nhưng hàng tiêu dùng trong nước lại bỏ ngỏ tiêu chí này? Vậy quyền lợi người tiêu dùng trong nước ở đâu? Chẳng có lẽ việc quy định ghi nhãn nguồn gốc xuất xứ phức tạp quá, khó làm quá hay chăng?
Liệu rồi, ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự tổn thương của người tiêu dùng và chịu trách nhiệm cho những thiệt hại hiện hữu (về cả danh tiếng và doanh thu/lợi nhuận) của doanh nghiệp chỉ vì “lỗ hổng” pháp lý này? Bởi, đây không chỉ là câu chuyện riêng của Asanzo mà của cả nền kinh tế: từ tivi lắp ráp đến ô tô lắp ráp, điện thoại lắp ráp, v.v.
“Nước trong thì không có cá”, nếu quy định pháp luật đầy đủ và chặt chẽ thì khó mà có doanh nghiệp nào “đánh lận con đen”, mập mờ về sản phẩm, gây hiểu lầm cho công chúng. Nhưng sự sơ hở của pháp luật chính là điều kiện để một bộ phận doanh nghiệp thực hiện hành vi “nước đục thả câu”, chẳng những gây tổn hại có người tiêu dùng, cho Nhà nước mà còn tác động xấu đến các doanh nghiệp chân chính khác.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI từng nêu đánh giá rằng “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài - thể chế nào thì doanh nghiệp ấy”. Đại ý, doanh nghiệp ở trong môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế nào thì sẽ có cách ứng xử tương ứng. Chúng ta đòi hỏi ở doanh nghiệp sự trung thực và sòng phẳng thì trước hết, hệ thống quy định pháp luật cần phải đầy đủ rõ ràng!
Trong vụ việc liên quan tới Asanzo, chưa có kết luận cuối cùng doanh nghiệp có sai hay không, nhưng cơ quan làm chính sách thì đã nợ doanh nghiệp, nợ người tiêu dùng một quy định thật mạch lạc về “made in Vietnam”.
Bích Diệp (Dân trí)

Có thể bạn quan tâm

Xe dù chui lọt lỗ kim

Xe dù chui lọt lỗ kim

Những năm qua, lực lượng chức năng cũng như các ban ngành hữu trách đã đề ra một số biện pháp nhằm dẹp bỏ loại 'xe dù, bến cóc', nhất là tại khu vực trung tâm, thì căn bệnh trầm kha này lại 'di căn' ra đến khu vực đường dẫn cao tốc.

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Số hóa toàn diện, tinh gọn bộ máy

Khi gợi mở các định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần khẳng định phải xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.