Lính… tắm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ấy là chuyện tắm của lính trận nói chung, của lính vào mùa khô Tây Nguyên thời chiến tranh chống Mỹ nói riêng. Cách tắm của lính cũng có năm bảy đường. Nó phong phú đến “cười ra nước... tắm”.
Có biết bao chuyện vui buồn của bộ đội trên chiến trường mỗi mùa khô đi qua. Mùa khô cũng là mùa của các chiến dịch công đồn, phá ách kìm kẹp của địch... Ngoài cái căng thẳng của chiến trận, chỉ xin kể về sự tắm trước kia của các chiến sĩ giải phóng trên địa bàn Tây Nguyên trong 6 tháng mùa khô thiếu nước nhưng đầy sáng tạo, “mỗi lần một vẻ”…
  Bộ đội tắm suối (tranh minh họa).
Bộ đội tắm suối (tranh minh họa).
Còn nhớ, mùa khô năm 1972-1973, tôi hành quân vào chiến trường miền Nam trên đường Trường Sơn Tây, giáp ranh biên giới Việt-Lào. Đoạn đường này chúng tôi được xe ô tô Gaz-63 trung chuyển qua các binh trạm. Ngồi trên buồng lái cùng lính lái xe, thấy bộ quần áo của anh bạn lấm đầy bụi đỏ, lại bốc mùi, tôi tò mò hỏi: “Đồng chí không giặt áo à?”. Anh nhìn tôi như kẻ từ trên trời rơi xuống, rồi buông một câu: “Thời gian và nước đâu mà tắm với giặt!”. Rồi anh bảo, mỗi chuyến chở quân như thế, đi về giữa 2 binh trạm cũng mất 20 ngày mới có thời gian để tắm luôn một thể. Có người liều hơn anh, cả tháng không thèm… tắm. Nghe anh nói, lúc ấy thật tình tôi không tưởng tượng nổi.
Thế rồi đến lượt chúng tôi, những tân binh lần đầu nếm trải mùa khô Tây Nguyên khi xuyên qua những rừng khộp, rừng le khô khốc. Rạng sáng về đến binh trạm là mọi người liền đi tìm suối lấy nước, tìm mãi mới có vũng nước đọng, phải nhường nhau từng bình tông nước. Gạn mãi rồi lấy viên thuốc sát trùng bỏ vào, ăn cơm sấy Triều Tiên rồi… uống. Và, “không thèm” tắm là đương nhiên.
Thành ngữ có câu: “Cái khó ló cái khôn”. Trong một tháng, thể nào cũng có đêm nhiều sương, thể nào những đám cây lúp xúp cũng đọng ít nhiều giọt nước. Lính ta phải dậy sớm, thấm sương ướt tay là có thể lau mặt, lau người. Đêm nào sương nặng hạt hoặc có cơn mưa bất chợt đầu mùa mưa, ấy là lúc trời ban cho lính ta cách “tắm lá”. Cách tắm như thế này: Thường vào sáng sớm, sau khi phân công cảnh giới địch, cánh lính cởi trần rồi đi xuyên qua đám cây lá (phải là cây lúp xúp ngang người, nhiều lá, không có gai). Nước sương hoặc nước mưa đọng trên lá sẽ văng dính vào người, thế là có thể kỳ kỳ, cọ cọ. Xong lại đi xuyên qua lá hết bụi cây này đến bụi cây khác để “rửa” ghét, vậy là… xong. Nhiều khi người đông, lãnh đạo chỉ huy đơn vị phải phân công nhau mà “tắm”. Vui hơn, lính với nhau thì “oẳn tù tì” để phân định người tắm trước, tắm sau. Không biết ai đã “phát minh” ra kiểu tắm có tên “Tắm lá” rất thiết thực này cho những người lính chiến đấu mặt trận vùng Nam Tây Nguyên vào mùa khô.
Có thể nói, người lính Cụ Hồ luôn luôn thích ứng mọi hoàn cảnh để khắc phục khó khăn. Nếu “tắm lá” mùa khô Tây Nguyên đầy sáng tạo thì “tắm lửa” của bộ đội thời chống Pháp cũng thật độc đáo. Ngày ấy, lính ta bị địch bao vây phải trú trong hang. Nước ăn trữ được, nhưng nước tắm không có. Thế là sáng tạo ra cách “tắm lửa”. Là ngồi bên lửa nóng cho ra mồ hôi rồi kỳ cọ làm sạch cơ thể bằng chính mồ hôi của mình. Cách tắm ấy được nhà thơ Bàng Bá Lân miêu tả trong bài thơ “Tắm trong lửa” như thế này: “…Lấy nước thì lộ/Tắm lửa mà hơn/Đào hầm thoát hỏa/Thay nhau nhảy vào/Nóng không chịu nổi/Mấy tay chạy nhào/Cứ phải chịu nóng/Đừng cào rách da/Cho mồ hôi ra/Khắp mình nhẫy bóng/…”. Một cách tắm nữa của lính là tắm mưa... trong tưởng tượng. Giữa mênh mông biển khơi, người lính đảo Trường Sa vẫn thường ước có mưa để tắm mưa trên cát. Đợi mãi, đợi mãi không thấy, họ đành tắm mưa trong… tưởng tượng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng đã từng ước tắm mưa trên đảo Sinh Tồn như thế này: “…Dù mưa chẳng bao giờ đến nữa/Thì xin cứ hiện lên thăm thẳm phía chân trời/Để bao giờ cánh lính chúng tôi/Cũng có một niềm vui đón đợi”.
Giờ đây, nhắc đến những cách tắm có 1 không 2 của lính trận, nhiều người chỉ biết cảm thán thốt lên: “Thật vi diệu!”.                                                                                       
 QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm

Thư chúc mừng 83 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

Thư chúc mừng 83 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh

(GLO)- Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941-15/5/2024), chị Nguyễn Phạm Duy Trang-Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư gửi thư chúc mừng tới các đồng chí cán bộ phụ trách Đội các thời kỳ và các em đội viên, thiếu niên, nhi đồng cả nước.
Ươm những “mầm xanh”

Ươm những “mầm xanh”

(GLO)- Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Đội TNTP Hồ Chí Minh, công tác Đội và phong trào thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngày càng phát triển sâu rộng, nhiều phong trào hay, mô hình sáng tạo được nhân rộng, góp phần ươm những “mầm xanh” tương lai.
Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

Gia Lai: Hoàn thành Đại hội Hội LHTN Việt Nam cấp cơ sở

(GLO)- Thông tin từ Ban Thư ký Hội LHTN Việt Nam tỉnh Gia Lai, 227 tổ chức Hội cấp cơ sở và tương đương thuộc 18 Hội LHTN Việt Nam huyện, thị xã, thành phố và đơn vị trực thuộc đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2024-2029, vượt tiến độ đề ra theo dự kiến hoàn thành trước 31-5-2024.
Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

Điều dưỡng viên-những cống hiến thầm lặng

(GLO)- Mỗi một bệnh nhân khỏe mạnh ra viện không chỉ nhờ sự chăm sóc, điều trị của các bác sĩ, mà còn nhờ sự chăm sóc tận tụy của các điều dưỡng. Công việc của điều dưỡng tuy âm thầm nhưng góp phần quan trọng trong việc giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

Thành “tỷ phú nông dân” nhờ chuyển đổi cây trồng

(GLO)- Dám nghĩ, dám làm là những điều chúng tôi cảm nhận được về anh Đỗ Văn Chuyên (thôn Thống Nhất, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện). Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cùng với sự siêng năng, chịu khó, anh đã trở thành tỷ phú trên chính mảnh đất do ông cha để lại.