(GLO)- Thời gian gần đây, Gia Lai cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung-Tây Nguyên đã mở nhiều tuyến du lịch sang các nước Đông Dương và sang cả Thái Lan.
Biển Hồ (TP. Pleiku). Ảnh: P.N |
Đặc biệt, những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào- Campuchia, Chính phủ ba nước cùng các bộ ngành liên quan và chính quyền các tỉnh trong khu vực đã triển khai nhiều chương trình hợp tác, đầu tư. Với lợi thế hệ thống giao thông đường bộ thông suốt, từ TP. Pleiku có thể qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đi các tỉnh Ratanakiri, Stung Treng xuống thủ đô Phnom Pênh (Campuchia) hoặc sang cửa khẩu Veun Kham qua Lào, hoặc từ TP. Pleiku lên Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (Kon Tum) sang các tỉnh Attapeu, Sê Kông, Chăm Pa Săk, ngược lên cả thủ đô Viêng Chăn (Lào) rồi vòng cửa khẩu Lao Bảo về Quảng Trị. Gần đây, một vài công ty du lịch còn mở tuyến sang Thái Lan, từ thủ phủ Pak Sé của tỉnh Chăm Pa Săk (Lào) qua Ubon, Mukdahan về lại Savanakhet (Lào), hoặc thẳng xuống thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tuyến đường trong khu vực này có chất lượng cực tốt, xe ô tô có thể chạy với tốc độ trên 100 km/giờ, thời gian đi và về chỉ trong vòng 4-5 ngày, kể cả thời gian thưởng ngoạn các danh lam, thắng cảnh của nước bạn trên dọc tuyến. Tại những nơi đến, có đủ các điểm du lịch phục vụ du khách tham quan. Chẳng hạn như sang Pak Sé, du khách nghiên cứu kiến trúc các chùa, cung điện vua Nam Lào, di sản văn hóa thế giới đền Wat Phu, thác Khôn… rồi khi sang Ubon du khách có thể vào thăm các làng nghề truyền thống của kiều bào như làng nem chả, làng bún…
Chùa Phật Vàng-điểm du lịch nổi tiếng ở Thái Lan. Ảnh: T.P |
Thực ra, việc nối các điểm để tạo tour du lịch xuyên suốt đã được nhiều nước phát triển khá lâu và đạt hiệu quả cao. Có thể điểm qua một số tour ở Trung Quốc như: Hồng Kông-Ma Cao-Quảng Châu-Thâm Quyến; tour Bắc Kinh-Thượng Hải-Hàng Châu-Tô Châu hoặc Thượng Hải-Bắc Kinh-Vô Tích; thậm chí nhiều tour còn nối các nước châu Âu như: Hà Lan-Đức-Pháp-Ý; tour hai bờ Đông Tây Hoa Kỳ; Malaysia-Singapore; Malaysia-Indonesia; Nga-Ucraina; Ấn Độ-Nepal; Việt Nam-Campuchia-Lào-Thái Lan…
Những doanh nghiệp làm du lịch ở nước ngoài rất biết cách khiến du khách phải móc hầu bao ra, đó là tổ chức các sô diễn nghệ thuật hoặc tổ chức các điểm tham quan ngoài lịch tour như: du thuyền ngắm cảnh đêm thành phố trên vịnh Marina ở Singapore hoặc du thuyền trên sông Hoàng Phố ở Thượng Hải, Trung Quốc; tham quan phủ đệ nhất tham quan Hòa Thân ở Bắc Kinh, xem biểu diễn nghệ thuật do đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu dàn dựng ở Hàng Châu; xem người Digan nhảy múa ở Bắc Âu…
Cũng tại các điểm tham quan này, có rất nhiều gian hàng bày bán các đồ lưu niệm đặc sắc khiến du khách thích thú bỏ tiền ra mua như ấn tín của các vua quan các triều đại nhà Minh, nhà Thanh; quần áo lễ hội truyền thống của phụ nữ Nga, Ucraina; tượng Phật, chuỗi hạt, lá bồ đề ở Nepal…
Ngành du lịch cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng sẽ phải tích cực quảng bá các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và luôn đổi mới các tour, điểm đến trên toàn tuyến. Đặc biệt, ngành du lịch Gia Lai và các địa phương cần quan tâm khai thác thế mạnh về văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà như quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, các di chỉ khảo cổ Biển Hồ, An Khê… Tại các điểm du lịch buôn làng, không chỉ xây dựng cơ sở vật chất tương xứng mà còn phải chú ý đến đội ngũ hướng dẫn viên là người địa phương am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc bản địa có thể giới thiệu với du khách trong và ngoài nước. Cùng với đó là nối các điểm du lịch của tỉnh với các tỉnh lân cận như Bình Định, Phú Yên, Đak Lak. Theo đó, mỗi tỉnh đều có tuyến đường hàng không nối với các thành phố lớn trong cả nước và khoảng cách giữa các thành phố tỉnh lỵ đều ngắn, đi xe ô tô chỉ trong nửa ngày là đến. Với các danh thắng nổi tiếng như: Đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh, Gành Đá Đĩa, Tháp Nhạn, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Biển Hồ, núi Hàm Rồng, Buôn Đôn, hồ Lak… cùng lễ hội cầu ngư, hát bài chòi, hát tuồng, cồng chiêng, múa xoang…, nếu Bình Định, Phú Yên có thế mạnh là biển thì Gia Lai, Đak Lak là rừng, tổ chức tốt các tour đi từ biển lên rừng hoặc ngược lại không chỉ giới thiệu được với du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc của các địa phương, khắc phục sự nhàm chán mà còn “cầm chân”, giúp du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng của mình. Cùng với việc tổ chức tốt dịch vụ tại các điểm, cần chú ý đến việc làm sao cho du khách quan tâm đến sắc thái riêng trong văn hóa của từng vùng miền, sao cho mỗi nơi đều để lại một ấn tượng riêng, không thể Gia Lai giống như Đak Lak, Phú Yên giống như Bình Định…
Hy vọng rằng với những tác động tích cực nêu trên, thời gian tới ngành du lịch Gia Lai sẽ có bước phát triển ngang bằng với các tỉnh trong khu vực, khẳng định thế mạnh bền vững của ngành công nghiệp không khói trong cơ cấu nền kinh tế địa phương.
Thanh Phong