(GLO)- Đề cập về sự tích của lễ Vu lan, Hòa thượng Thích Tâm Tường-Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai cho biết: “Tương truyền xưa kia, ngài Mục Kiền Liên sau khi tu hành chứng được 6 phép thần thông, nhớ đến công ơn cha mẹ, ngài dùng đạo nhãn xem trong thế gian, nhận thấy mẹ mình sau khi mất bị đày làm ngạ quỷ, đói khát quanh năm. Thương xót quá, ngài vận thần thông, bưng cơm dâng mẹ. Tuy nhiên do lòng tham lam độc ác khi bà còn tại thế, nên cơm mới đưa vào miệng, đã hóa thành lửa và bà chẳng ăn được. Mục Kiền Liên thấy thế, đau buồn kêu khóc thảm thiết, trở về bạch Phật và thuật chuyện, sau đó Phật đã hướng dẫn ngài phương pháp cứu độ thân mẫu. Ngày Rằm tháng bảy là ngày Tự Tứ của chư tăng mười phương với công đức sâu dày qua mùa an cư kiết hạ, thanh tịnh chuyên tâm tu hành, nên nhân dịp ấy mà báo hiếu cho mẹ. Chuẩn bị nghi lễ và mời chư tăng mười phương chú nguyện cho vong linh mẹ thoát khổ. Nhờ công đức chí thành và đạo hạnh vô lượng của các bậc chư tăng, mẹ ông được siêu thoát khỏi kiếp ngạ quỷ, về cảnh giới lành. Từ đó về sau, Rằm tháng bảy trở thành dịp báo đáp công ơn cha mẹ”.
Tăng ni và phật tử viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Ảnh: Thanh Nhật |
Hòa thượng cũng cho rằng, theo quan niệm của Phật giáo, ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu không những chỉ dừng ở một lễ Vu lan. Không phải mỗi năm chỉ tổ chức một lần đã tự cho mình là người con chí hiếu. Công ơn cha mẹ như trời biển, làm con suốt đời báo ơn cha mẹ vẫn không đủ. Phải có quan niệm sáng suốt, đúng đắn thì báo hiếu mới thật có lợi ích và hiệu quả. Báo hiếu có nhiều cách, nhưng không ngoài hai phương diện là vật chất và tinh thần. Trong đó, báo hiếu về tinh thần là phải làm cho cha mẹ được yên vui, thanh tịnh trong hiện tại và cả tương lai. Mùa Vu lan, thắp một nén hương lòng cầu nguyện cho cha mẹ đang hiện hữu được an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh, được siêu độ trong cảnh giới tương lai, hơn thế nữa ý nghĩa báo hiếu còn với cả cha mẹ ông bà...
Cảm xúc trào dâng về mẹ cha là những người đã tạo tác ra ta. Mẹ mang nặng đẻ đau, cho ta vóc hình, ban tặng cho ta sự sống thiêng liêng được hiện hữu trong cuộc đời này. Sự hy sinh một cách thầm lặng từ vật chất đến tinh thần để con sống vui vẻ, hạnh phúc, thành đạt. Ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ thật bao la, như trời biển. Trong cuộc sống, không có hạnh phúc nào lớn hơn khi còn cha mẹ và không có bất hạnh nào lớn hơn khi mẹ không còn. Nói về đạo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ là một sứ mệnh thiêng liêng, vượt lên trách nhiệm và bổn phận của mỗi người.
Vu lan là dịp lễ vô cùng cao đẹp của Phật giáo nói riêng và là ngày lễ hội báo hiếu nói chung của mọi người con hiếu trên thế gian này. Dù là người nghèo khổ hay bậc quyền cao chức trọng thì điểm gặp gỡ vẫn là tinh thần báo hiếu trong nhiệt huyết con tim mỗi người. Từ khi Phật giáo truyền vào Việt Nam, mùa Vu lan không còn đơn thuần ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “Lễ hội văn hóa tình người”. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc. Một nét đẹp trong ngày Vu lan là chương trình lễ bông hồng cài áo, thiêng liêng và sâu lắng dù cha mẹ còn hay đã khuất. Tự hào và hạnh phúc khi cha mẹ còn, được cài lên ngực áo đóa hoa hồng đỏ thắm, bùi ngùi xúc động hơn khi mất mẹ và nhận đóa hồng trắng...
Đại lễ Vu lan mang ý nghĩa thật thiêng liêng cao cả, khơi dậy tinh thần báo đáp thâm ân của cha mẹ, một đạo lý sống của dân tộc. Hiếu đạo đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi con người. Sự cao đẹp và thiêng liêng ấy không phải tự nhiên mà có, mà chính là sự kết tinh của một truyền thống văn hóa được hun đúc lâu đời và được lưu truyền lại con cháu, phù hợp với phong tục tập quán của người Việt và căn bản đạo đức cũng bắt đầu từ sự giáo dục gia đình. Vào dịp này, con cái dù ở đâu xa xôi cũng quây quần về bên cha mẹ, ôn lại kỷ niệm, ghi nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Không những thế, đây còn là dịp để thể hiện những ân tình mà người còn sống dành cho người đã khuất.
Ảnh: Thanh Nhật |
Từ khi du nhập vào nước ta đến nay trải qua hơn 2.000 năm cùng tồn tại và phát triển đồng hành cùng dân tộc, giáo lý Phật giáo và tư tưởng truyền thống dân tộc Việt Nam đã có sự gặp gỡ và tương đồng với nhiều triết lý sống thật sâu sắc, đặc biệt là quan niệm về hiếu đạo. Lễ hội Vu lan báo hiếu của Phật giáo đã được người Việt chấp nhận và đã từng bước xã hội hóa trở thành một ngày lễ trọng đại, thiêng liêng, góp phần thắp sáng mãi ngọn lửa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Do vậy, hiện thực hóa tâm hiếu, đạo hiếu trong cuộc sống hàng ngày chính là cách tốt nhất để mọi người đáp đền ơn nghĩa của mẹ cha, từng bước hoàn thiện phẩm chất đạo đức của mỗi con người.
Nhân mùa Vu lan Phật lịch 2557, Hòa thượng Thích Tâm Tường còn muốn nhắn gửi rằng: “Ngoài giá trị tư tưởng về mặt tôn giáo, ý nghĩa xã hội của Vu lan rõ nét nhất là nền tảng đạo đức xây dựng một đời sống gia đình phát triển lành mạnh trong môi trường kỷ cương và văn hóa. Đồng thời, mùa Vu lan còn giáo dục đạo lý truyền thống, là dịp tưởng nhớ về nguồn cội, các bậc thiền sư tài đức và các vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước trong lịch sử dân tộc, giúp mọi người nâng cao ý thức về đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn các thế hệ cha ông và các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu cho quê hương đất nước được an bình, cuộc sống mọi người được ấm no hạnh phúc…”.
Thanh Nhật