Lễ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại 2 cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tĩnh.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu cắt băng khánh thành. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu cắt băng khánh thành. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)
Tối 20/4, tại Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tĩnh tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại 2, trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và đại biểu các địa phương trong cả nước, đại biểu các tỉnh thuộc nước bạn Lào và đông đảo nhân dân Hà Tĩnh cùng dự buổi lễ.
Tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại 2 cho lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tĩnh.
Thành phố Hà Tĩnh có lịch sử hơn 188 năm hình thành và phát triển. Tỉnh Hà Tĩnh được thiết lập vào năm Tân Mão (năm 1831), là năm vua Minh Mệnh thứ 12. Tỉnh lỵ đặt trên đất xã Trung Tiết, huyện Thạch Hà. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thị xã Hà Tĩnh được nâng lên thành đơn vị hành chính ngang huyện, trực thuộc tỉnh.
Tháng 12 năm 1975, Quốc hội khóa 5, Kỳ họp thứ II quyết định hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Thị xã Hà Tĩnh lúc đó không còn là tỉnh lỵ nhưng vẫn được coi là trung tâm chính trị, kinh tế phía Nam của tỉnh.
Tháng 9/1991, tỉnh Hà Tĩnh được tái lập, thị xã Hà Tĩnh trở lại là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tĩnh. Đến năm 1994, thị xã Hà Tĩnh có 10 đơn vị hành chính gồm bốn phường và sáu xã.
Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định mở rộng địa giới hành chính thị xã Hà Tĩnh, nhập thêm năm xã của huyện Thạch Hà vào thị xã. Sau mở rộng, thị xã Hà Tĩnh có 15 đơn vị hành chính gồm sáu phường và chín xã.
Năm 2006, thị xã Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại 3. Năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập thành phố Hà Tĩnh trực thuộc tỉnh với số đơn vị hành chính là 10 phường, sáu xã. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố Hà Tĩnh.
Sau 12 năm phấn đấu và phát triển, đến nay thành phố Hà Tĩnh tự hào là một trong 29 đô thị loại 2 của cả nước. Kinh tế thành phố tiếp tục phát triển, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 12,16%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 1.642 tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2006 (thời điểm đạt đô thị loại 3), chiếm 1/3 tổng thu ngân sách của các huyện, thị xã trong toàn tỉnh; thu nhập đầu người ngày càng tăng, đạt 47,3 triệu đồng (tăng 3 lần so với năm 2006); cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, tỷ trọng nông nghiệp giảm còn 2,26%.
Không gian đô thị phát triển theo hướng mở rộng bền vững. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, bước đầu đặt nền móng khởi động các yếu tố cấu thành đô thị thông minh. Hệ thống giao thông nội thị, giao thông đối ngoại được cải tạo và nâng cấp; hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, các công viên, hồ điều hòa được quan tâm đầu tư tạo cảnh quan và môi trường xanh, sạch cho thành phố.
Với những thành quả đạt được, ngày 13/2/2019 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 175 công nhận thành phố Hà Tĩnh là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh.
Sau lễ công bố, đã diễn ra chương trình văn nghệ đặc sắc, tái hiện quá trình xây dựng và phát triển của thành phố Hà Tĩnh và chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tại trung tâm thành phố Hà Tĩnh.
Trước đó, vào chiều tối 20/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dự và cắt băng khánh thành Quảng trường thành phố Hà Tĩnh.
Hoàng Ngà (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.

Bộ Xây dựng đề xuất phát hành trái phiếu 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi nhà ở xã hội. Ảnh nguồn doanhnghieptiepthi.vn

Đề xuất phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu cho vay mua nhà ở xã hội

(GLO)- Bộ Xây dựng đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị quyết về nguồn vốn ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội quy mô khoảng 100.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Bộ Xây dựng đề xuất áp dụng gói nhà ở xã hội bằng phát hành trái phiếu.

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

Dịch vụ lái xe hộ: An toàn, thiết thực

(GLO)- Với phương châm “Bạn uống, tôi lái”, dịch vụ lái xe hộ chuyên nghiệp là giải pháp được nhiều khách hàng lựa chọn sau khi đã sử dụng rượu bia hoặc có nhu cầu đi công tác, du lịch xa để bảo đảm cả người và phương tiện đều an toàn.

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Thí điểm cho các loại đất được làm nhà ở thương mại là rất cần thiết

Ngày 23.11 Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã có văn bản hỏa tốc gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Thủ tướng Chính phủ Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất