"Lấp kẽ hở" pháp lý để chống tham nhũng về đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội tuần này là cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”. Phần lớn đại biểu đều cho rằng, các quy định pháp luật về đất đai còn bất cập, tình trạng tham nhũng và khiếu kiện liên quan đến đất đai ngày một nhiều, mà nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ sự thiếu thông tin về chính sách thu hồi đất, đền bù, giao đất, cho thuê đất của Nhà nước.
Vài năm trở lại đây, trước sức mạnh của cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo, nhiều vụ tham nhũng lớn đã bị phanh phui với nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố, phải chịu sự trừng trị của pháp luật như vụ án Vũ “nhôm”, Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc… Rồi những vụ xà xẻo, mua bán “đất vàng”, “đất kim cương” ở TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện; vụ khiếu kiện dai dẳng của người dân Thủ Thiêm; vụ Đô đốc Nguyễn Văn Hiến-nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và nhiều tướng lĩnh quân đội, công an khác bị xem xét kỷ luật vì có liên quan đến những sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng… Rồi việc một nửa trong số 8 vụ án trọng điểm vừa được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng-chống tham nhũng đưa vào tầm ngắm, chỉ đạo khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử trong năm nay cho thấy mức độ sai phạm trong lĩnh vực đất đai đã nghiêm trọng đến mức nào!
Trong quá trình phát triển nóng, Đà Nẵng bị kết luận là có nhiều sai phạm về đất đai (nguồn: thanh nien)
Trong quá trình phát triển nóng, Đà Nẵng bị kết luận là có nhiều sai phạm về đất đai (nguồn: thanh nien)
Báo chí những năm gần đây cũng nhiều lần thông tin về nhà vườn nọ, biệt phủ kia nguy nga hoành tráng mà không ít trong số đó lấp ló bóng dáng của quan chức. Xã hội cũng không thiếu câu hỏi xung quanh những khu “đất vàng”, “đất bạc”, những khu đất trúng đấu giá hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng rồi bỏ hoang. Rồi vì sao giá đền bù giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất của dân phục vụ cho các dự án phát triển đô thị cứ tù mù và không được công khai?
Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, do Nhà nước thống nhất quản lý theo pháp luật. Thế mà, thứ tài sản đặc biệt ấy đang là nơi xảy ra nhiều sai phạm nhất. Vì sao người dân-chủ thể sử dụng đất-lại bị đặt ngoài lề các dự án, hầu như không biết gì đến thông tin về quy hoạch, giải phóng đền bù, thu hồi đất đai?
Rõ ràng là những quy định liên quan của pháp luật về đất đai, cơ chế quản lý, sử dụng đất đai, quyền được tiếp cận thông tin của người dân về lĩnh vực này đang có vấn đề và đang bị nhiều người có chức có quyền bưng bít, lợi dụng nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật, phục vụ cho lợi ích cá nhân, phe nhóm mình.
Tình trạng hình thức trong đấu thầu quyền sử dụng đất còn xảy ra ở nhiều nơi, vì người trúng thầu dường như đã được định trước. Chuyện Vũ “nhôm” trúng thầu nhiều đất đai, nhà công sản tại Đà Nẵng nhờ những cuộc đấu giá kiểu “một mình một chợ” là ví dụ. Người ta thường nhân danh “quy định của pháp luật về đất đai nhà ở”… để ưu ái cho một số người. Đó chính là những kẽ hở của pháp luật, khiến đất đai-thứ tài sản đặc biệt của quốc gia-bị lợi dụng để chiếm đoạt thành của riêng, chia chác, làm quà cáp trong các vụ chạy chức, chạy quyền và nhiều hành vi tiêu cực khác. Kẽ hở đó đã khiến những quy định của pháp luật chưa phát huy được vai trò điều chỉnh các mối quan hệ, hạn chế vai trò giám sát của các cơ quan dân cử trong lĩnh vực đất đai. Ngoài ra, việc thiếu công khai minh bạch về đất đai, quy hoạch còn là nguyên nhân gây ra tình trạng nhiễu loạn thị trường, mà không ai khác, chính người dân phải gánh chịu hậu quả, Nhà nước cũng thất thu thuế và thất thoát tài sản. Các hành vi tham nhũng lớn, tham nhũng vặt cũng từ những kẽ hở này mà nảy nở sinh sôi; tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài cũng từ đây mà phát sinh, gây ra nhiều hệ lụy cho trật tự xã hội; những bất ổn xã hội, những phản ứng tiêu cực cũng từ đây mà bùng phát.
Nhiều quan chức dính đến những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất công đã bị pháp luật sờ gáy, bị đưa ra xét xử. Đó là một tín hiệu đáng mừng trong nỗ lực lập lại trật tự trong lĩnh vực này nói riêng và cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng nói chung. Tuy nhiên, làm sao danh sách những vụ án tham nhũng, những cán bộ tham nhũng đất đai không kéo dài thêm; làm sao quyền tiếp cận thông tin của người dân được tôn trọng; làm sao những quy định của pháp luật về đất đai đi vào cuộc sống mới là điều cần suy nghĩ.
Gấp rút lấp đầy những khoảng trống pháp lý trong Luật Đất đai là yêu cầu cấp bách của cơ quan lập pháp lúc này nhằm khắc phục xung đột chính sách, đảm bảo tính công khai minh bạch trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai. Có như vậy mới mong đẩy lùi được nạn tham nhũng đất đai đã và đang gây nhiều bất ổn trong xã hội, tổn thương niềm tin của nhân dân. 
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Bảo vệ trẻ em trước mạng xã hội

Úc đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới không cho phép người dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội. Tuy vẫn còn tranh cãi xung quanh quyết định này nhưng rõ ràng, xu thế chung của thế giới đều lo ngại các rủi ro khi trẻ em sử dụng mạng xã hội.

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Tiền số, quản sớm để thêm nguồn lực

Dù chưa có những quy định cụ thể về tài sản kỹ thuật số nhưng công nghệ số liên quan thì chúng ta không cấm. Tình trạng không cấm nhưng không quản tiền số không chỉ lãng phí một khoản không nhỏ cho ngân sách, mà còn gây nhiều hệ lụy cho đời sống người dân suốt mấy năm qua.

Tạo xung lực mới cho phát triển

Tạo xung lực mới cho phát triển

Cải cách bộ máy hành chính nhà nước sao cho tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề đã được Đảng quan tâm rất nhiều và rất sớm, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI vào năm 1986. Nhưng cũng phải bắt đầu từ năm 1994, công cuộc cải cách này mới được triển khai với quy mô lớn.

Giảm lãi vay chưa đủ

Giảm lãi vay chưa đủ

Việc TP.HCM giảm lãi vay mua nhà cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc sở ban ngành, quận huyện, đơn vị sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách TP xuống còn 3,2%/năm đang được nhiều người quan tâm.

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đẩy nhanh sửa thuế TNCN

Đó là mong muốn của hàng triệu người làm công ăn lương khi Bộ Tài chính chính thức lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành.