Họ sẽ cùng nhau xây dựng nơi đây thành làng hạnh phúc, xứng đáng với tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào cả nước.
Vào ngôi làng “hạnh phúc”
Đã 3 tháng kể từ ngày trận lũ quét kinh hoàng xảy ra khiến toàn bộ thôn Làng Nủ bị vùi lấp. Làng Nủ nơi sinh sống của 37 hộ dân 157 nhân khẩu gần như bị xóa sổ. Đồi Sim, cách nơi xảy ra trận lũ quét khoảng 2km được chọn làm khu tái định cư mới cho người dân Làng Nủ.
Làng Nủ mới đã hoàn thành. Đường vào làng không còn đất lầy, con đường bê tông rộng rãi, cứng cáp từ cổng đến từng căn nhà. 40 ngôi nhà mới được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của người Tày, cùng với các công trình phụ trợ như nhà bếp và nhà vệ sinh. Mỗi căn có diện tích 96m2, được xây dựng trên ô đất từ 350-400m2.
Phía trước mỗi nhà những luống hoa đã nở, phía sau, vườn cải đã nảy mầm. Mỗi nhà đều được tặng tivi lắp internet. Chưa có đơn vị nào công bố chi phí xây dựng, nhưng ước tính lên tới cả tỷ đồng. Trước đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được trao đến tay từng hộ dân.
Khu trung tâm Làng Nủ mới có trường mầm non với 4 lớp học; gần đó là nhà văn hóa. Trong làng hệ thống đường điện, nước được trang bị đầy đủ. Trước ngày bàn giao nhà, chính quyền địa phương và người dân Làng Nủ cùng nhau họp thống nhất giữ gìn kiến trúc, phát triển cảnh quan. Họ mong muốn xây dựng nơi đây trở thành nơi tham quan, du lịch, trở thành Làng Nủ hạnh phúc, để vơi bớt những đau thương, mất mát, xứng đáng với tình yêu thương, đùm bọc của đồng bào cả nước.
Ngày Bộ Quốc phòng tổ chức bàn giao nhà, từ sáng sớm, người dân Làng Nủ quét dọn các tuyến đường, nơi ở tại khu tái định cư mới hoàn thiện. Có 33 hộ tiếp quản, dọn đồ đến nhà mới. Nhiều quà tặng như ti vi, chảo truyền hình, bếp ga, nồi cơm điện, quạt điện… được trao cho từng gia đình. Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ, với những đau thương và mong muốn bà con đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau xây dựng Làng Nủ trở thành địa chỉ để nhắc nhở mỗi người về tinh thần đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nghịch cảnh.
Chúng tôi theo chân ông Hoàng Văn Vinh (55 tuổi - người đã mất đi cả vợ, con trai, và hai đứa cháu trong đợt lũ lịch sử vừa qua) vào căn nhà số 2, gần nhà văn hóa. Ông Vinh xúc động, bồi hồi, hạnh phúc ngó nghiêng từng góc nhà, xuống bếp, nhà vệ sinh. Ông trải chiếu mới, xếp chiếc chăn bông gọn gàng đặt ở đầu giường. Ông Vinh tiến ra xem chiếc tivi mới, nhờ kỹ thuật viên hướng dẫn cách sử dụng. Ông lắp chiếc bàn thờ mới. “Đây là bàn thờ tôi thuê người đóng, hết 200.000 đồng. Tôi tính rồi, đến 24 này là ngày đẹp, tôi sẽ làm mâm cơm thắp hương về nhà mới. Hôm đó tôi sẽ mời anh em, những người thân đến chung vui…”, ông Vinh chia sẻ.
Chúng tôi sang thăm nhà bà Hoàng Thị Hiến (mất chồng, con trai, con dâu). Hôm nay, bà cùng với 2 cháu nhỏ vào ở ngôi nhà mới. Khuôn mặt bà đã vơi phần nào nỗi buồn. “Tôi mong hai đứa cháu học hành chăm chỉ, biết nghe lời, trưởng thành và có cuộc sống riêng. Từ đây cuộc sống của người dân chúng tôi sẽ ổn định. Chúng tôi sẽ cùng cố gắng vì tương lai, hạnh phúc của con, cháu!”, bà Hiến nói với chúng tôi.
Chúng tôi xin nhường cho gia đình khó khăn hơn!
Anh Hứa Văn Cường, Bí thư Đoàn thanh niên xã Phúc Khánh cho biết, khu tái thiết Làng Nủ còn trống 7 ngôi nhà. Trước ngày bốc thăm chọn vị trí, thôn Làng Nủ đề xuất tái định cư cho 36 hộ. Trong đó có 3 hộ không còn ai, các ông Nguyễn Văn Trần, Nguyễn Văn Sử và Nguyễn Văn Dóng đều đã qua đời. Các con, anh, em (gồm chị Sầm Thị Nhiên SN 1998; anh Nguyễn Xuân Dương SN 1997 và chị Nguyễn Thị Sành SN 2000) làm đơn xin không nhận nhà nữa. “Cả ba người đại diện trên đều đã nhận nhà tái định cư. Họ từ chối nhận nhà tái định cư theo tiêu chuẩn cho người thân như bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng vì cả gia đình đều đã mất hết. Và họ muốn nhường lại cho các gia đình khó khăn hơn”, anh Cường cho hay.
Chị Sầm Thị Nhiên (con dâu của ông Nguyễn Văn Sử) đã nhận căn nhà số 17 trong khu tái định cư Làng Nủ. Còn suất nhà của ông Nguyễn Văn Sử, chị Nhiên thống nhất với gia đình làm đơn xin không nhận thêm nhà nữa. Trước đây, hai vợ chồng chị Nhiên đều làm nương, giờ phần nương rẫy của gia đình nhà chồng, anh chị tiếp nhận để trồng cây. “Chúng tôi đã nhận một căn nhà tái định cư, có chỗ để thờ cúng cha mẹ. Nếu nhận một căn nhà nữa chỉ để thờ cúng thì lãng phí. Chúng tôi xin để lại cho người khác khó khăn hơn đến ở”, chị Nhiên nói.
Còn gia đình anh Nguyễn Xuân Dương là em trai ruột của anh Nguyễn Văn Dóng. Gia đình anh Nguyễn Văn Dóng đã không còn sau vụ lũ quét tàn khốc. Anh Dương nói rằng, ở Làng Nủ có người tuy không mất người nhưng đã mất nhà cùng tài sản, đang lâm vào cảnh trắng tay, phải làm lại từ đầu. “Mình đã có gia đình và ra ở riêng nên sẽ thờ tự anh trai cùng các cháu tại chính ngôi nhà của mình sẽ ấm áp và gần gũi hơn”, anh Dương chia sẻ về quyết định viết đơn xin được nhường ngôi nhà cho người khác. Anh mong muốn cả Làng Nủ sẽ cùng chung tay xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp, hạnh phúc hơn.
Người thứ 3 viết đơn xin nhường lại nhà là chị Nguyễn Thị Sành (con gái của ông Nguyễn Văn Trần). Cơn lũ bùn đất quét qua đã cướp đi vĩnh viễn con trai lớn và bố mẹ của chị Sành. Vợ chồng chị đi làm xa nên may mắn thoát nạn. Hôm nay, chị Sành cùng chồng là anh Hoàng Đức Lương về nhận căn nhà số 6. Những vật dụng trong nhà được kê ngăn nắp, bộ rèm cửa mới được anh chị căng lên. Chị Sành cho hay, chị là con một trong gia đình, thương cha mẹ lắm, cũng muốn có căn nhà riêng để hương khói. Nhưng nghĩ đến người khó khăn hơn, chị đã viết đơn nhường lại ngôi nhà.
Chúng tôi quay lại Làng Nủ cũ, đi qua con suối róc rách, hiền hòa. Không ai nghĩ dòng suối này bất chợt hung hãn cuốn phăng cả ngôi làng và hàng trăm sinh mạng. Ở đầu thôn Làng Nủ, một Nhà bia tưởng niệm đã hoàn thành. Phía sau bàn thờ là bia đá khắc tên những người con sinh ra ở Làng Nủ, bị thiệt mạng trong trận lũ quét kinh hoàng vừa qua. Cũng như bao người, hôm nay, chị Sành cũng về đây để thắp nén hương tưởng nhớ cha mẹ, người thân của mình.
Dự án tái thiết khu dân cư thôn Làng Nủ khởi công vào ngày 21/9, hoàn thành ngày 15/12, nằm trên đồi cao rộng 10 ha, gồm 40 nhà sàn thiết kế theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Tày, nhà sinh hoạt cộng đồng rộng 300 m2; một điểm trường rộng 200 m2 gồm 2 lớp tiểu học và hai lớp mẫu giáo, đầy đủ hệ thống viễn thông, điện, nước. Kinh phí xây dựng do Quỹ tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam tài trợ, Binh đoàn 12 - Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn đảm nhiệm thi công.
Theo Đức Anh (TPO)