(GLO)- Chiều chầm chậm thả xuống đường làng cái nắng xiên xiên cuối ngày. Ngôi nhà rông truyền thống làng Kon Măh (xã Hà Tây, huyện Chư Păh) in cái bóng đồ sộ màu nâu trầm lên nền trời xanh lơ. Giữa khoảnh sân rộng rãi, bằng phẳng trước nhà rông vang lên giọng cười đùa của những đứa trẻ đang tụ tập đá bóng, đạp xe và… chơi cà kheo.
Không dễ giữ thăng bằng trên đôi cà kheo lênh khênh cách mặt đất đến nửa mét. Vậy nên, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy đám trẻ làng Kon Măh cứ thoăn thoắt đi lại trên đôi cà kheo. Không chỉ vậy, thỉnh thoảng, đám trẻ còn vừa đi vừa gõ nhịp 2 đầu cà kheo vào nhau, tạo âm thanh vui tai. Càng sửng sốt khi chứng kiến các em rượt đuổi nhau với màn bứt tốc ngoạn mục như… trên phim, cũng trên “đôi chân” ấy.
Ở xã Hà Tây, hầu như già trẻ lớn bé ai nấy đều biết đi cà kheo. Tuy nhiên, trong số 9 làng ở xã, người làng Kon Măh được biết đến nhiều nhất với kỹ năng sử dụng “đôi chân thứ 2” một cách hết sức thành thục.
Nhỏ nhất trong số những đứa trẻ đang tập cà kheo trước sân nhà rông là em Ngâp (8 tuổi). Dáng người bé hạt tiêu khiến Ngâp trông cứ như đứa trẻ mới lên 5, nhưng em lại nhanh nhẹn, khéo léo lạ lùng. Thoắt cái, Ngâp đã leo lên đôi cà kheo có vẻ hơi quá khổ và thuần thục di chuyển, chẳng biết sợ là gì. Thậm chí, khi chúng tôi thử ra “bài toán khó” là chơi bóng đá bằng cà kheo, Ngâp và các bạn tỏ ra vô cùng thích thú. Thì ra, với các em, đây chẳng phải là thử thách gì mới lạ. Những “đôi chân” lêu nghêu thi nhau rượt đuổi theo trái bóng tròn, tranh nhau dẫn bóng rồi sút thẳng vào cầu môn trong tiếng reo hò của mọi người.
Vừa chỉ dạy vài em nhỏ cách bước đi trên 2 cây sào tre, anh Tham vừa vui vẻ chuyện trò khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc đôi cà kheo, tiếng Bahnar gọi là “xing xơng”. Anh Tham cho hay, anh nghe người già trong làng kể lại: Ngày trước, lúc chưa có cái dép, người Bahnar toàn đi chân đất nên hay bị con kiến, con rết cắn. Đường làng cũng toàn đường đất, mùa mưa thường rất bẩn. Vì vậy, ông bà xưa làm ra đôi cà kheo để đi lại cho thuận tiện.
Để làm ra “đôi chân thứ 2”, bà con vào rừng chọn những cây tre già, đặc ruột rồi chặt về. Sau đó, họ dùng dây cao su buộc thêm 2 cái khấc cũng bằng tre làm bàn đạp để đứng lên. Ngày trước, bàn đạp cà kheo ngang bằng với độ cao từ mặt đất đến sàn nhà; từ nhà bước ra là leo thẳng lên “đôi chân” nối dài, rất hữu dụng.
Khi cuộc sống ngày càng hiện đại, đường làng ngõ xóm quang quẻ, đôi cà kheo không còn được sử dụng như công năng ban đầu. Tuy vậy, chúng không rơi vào quên lãng mà được giữ lại, biến hóa thành công cụ trong một trò chơi tập thể, vừa thể hiện sự khéo léo, vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Bahnar. Thêm vào đó, hiện nay, trong các cuộc thi thể thao dân tộc thiểu số không thể thiếu bộ môn đi cà kheo. Để đảm bảo an toàn và phù hợp với yêu cầu thi thố, độ cao bàn đạp được hạ xuống, cách mặt đất chỉ còn khoảng 0,5 m. Với sự sáng tạo không ngừng, đôi cà kheo luôn có chỗ đứng nhất định trong đời sống của người dân nơi đây.
Chuyện trò một lúc sau, chúng tôi tiếp tục bất ngờ khi biết anh Tham chính là vận động viên nhiều thành tích nhất của làng Kon Măh ở bộ môn cà kheo. Tưởng anh nói chơi về chuyện “đếm không hết số huy chương”, chúng tôi thử theo chân anh về nhà, cách nhà rông không xa.
Không có lợi thế ở cự ly 100 m, song ở các cự ly đòi hỏi sức bền và ý chí như 400 m, 800 m thì anh Tham gần như không có đối thủ. Đáng nhớ nhất là lần tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ IX (khu vực II) năm 2015 tổ chức tại TP. Kon Tum, anh Tham xuất sắc về đích ở cự ly 800 m trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo khán giả. Đã chứng kiến anh Tham chạy như gió bằng sự điềm tĩnh đến khó tin trên đôi sào tre, vậy mà chúng tôi vẫn bất ngờ trước những thành tích anh gặt hái được. Khoảng 2 năm trước, anh Tham bị ngã xe máy dẫn đến gãy tay, phải mổ bắt vít nên tạm thời ngừng thi đấu. Và một trong những người kế cận là bạn trẻ tên Đêm (SN 2002), lứa em út trong làng.
Sau cuộc điện thoại, tuy chưa xong việc ruộng rẫy nhưng Đêm vẫn tranh thủ chạy về gặp chúng tôi. Tạt qua nhà, Đêm gom hết số huy chương hiện có sang nhà anh Tham để cùng hàn huyên. Trước kia, chưa bao giờ Đêm nghĩ đôi cà kheo đơn sơ lại có ngày đưa mình vượt khỏi những nẻo làng để đến với các sân chơi thể thao lớn. Nhưng những chiếc huy chương anh Tham mang về đã khơi lên trong lòng Đêm bao mơ ước. Tuy chỉ mới tham gia thi đấu môn cà kheo vài năm trở lại đây nhưng Đêm đã kịp “bỏ túi” 8 huy chương vàng trong tổng số 11 huy chương các loại. Gần đây nhất, tại nội dung thi cà kheo ở Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) vào tháng 11-2022, Đêm đã giành huy chương vàng. Trước đó, tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XII (khu vực II) diễn ra ở TP. Quảng Ngãi vào tháng 6-2022, Đêm cũng mang về thành tích cao nhất ở cự ly 400 m. “Đi thi vui lắm, được gặp gỡ nhiều dân tộc anh em, học hỏi nhiều kinh nghiệm nữa”-Đêm nở nụ cười thật tươi tắn dù trước đó từng vài lần bong gân khi tập luyện bộ môn đầy mạo hiểm này.
Dù vậy, xuất phát từ tình yêu với văn hóa dân tộc và bộ môn này, anh Tham làm một lúc đến 4 đôi cà kheo để dạy đám trẻ trong làng. Dạy xong, anh cẩn thận cột lại, gác lên xà nhà, thỉnh thoảng mang ra buộc lại dây cao su cho chắc chắn. Anh cũng kể thêm, nếu không vì đam mê thì khó mà dứt ra việc ruộng rẫy, nhất là vào mùa thu hoạch để tham gia tập luyện, thi đấu có khi đến nửa tháng trời. Trong khi đó, tiền thưởng và chế độ của vận động viên lại không đáng là bao.
Thì vậy, có tình yêu đích thực nào lại nặng màu toan tính?