Lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cùng với những tiện ích vượt trội như: khả năng kết nối, chia sẻ kiến thức, lan tỏa thông tin nhanh… mạng xã hội cũng gây ra những hệ lụy, tác động xấu đến nhận thức và cách hành xử của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Để phát huy những mặt tích cực, các bạn trẻ cũng cần có kỹ năng và trách nhiệm khi sử dụng mạng xã hội.

Lan tỏa thông tin tích cực

Là 1 trong 10 cá nhân được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải thưởng Tình nguyện Quốc gia và 1 trong 20 cá nhân được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương “Thanh niên sống đẹp”, Trung úy Lê Tuấn Thành-Cán bộ Công an xã Hra (huyện Mang Yang) là tấm gương được nhiều người ngưỡng mộ.

Trên trang Facebook với hơn 4.900 lượt người theo dõi, anh Thành thường xuyên đăng tải các dự án đang thực hiện như: “Tuyến đường bình yên”, “Lớp học tình thương”, “Tủ sách thắp sáng đạo đức học đường”, “Hành trình xanh”… Bên cạnh đó, anh Thành cũng chia sẻ và đăng tải những việc làm ý nghĩa của các đội, nhóm tình nguyện. Mỗi chia sẻ của anh đã thu hút hàng trăm lượt thích, chia sẻ, bình luận tích cực của người xem.

Từ việc đăng tải những hoạt động ý nghĩa trên trang Facebook, Dự án Hành trình xanh do anh Lê Tuấn Thành (thứ 3 từ phải sang) nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Ảnh: P.L

Từ việc đăng tải những hoạt động ý nghĩa trên trang Facebook, Dự án Hành trình xanh do anh Lê Tuấn Thành (thứ 3 từ phải sang) nhận được sự ủng hộ của nhiều người. Ảnh: P.L

Mới đây, khi triển khai Dự án “Hành trình xanh” ở xã Gào (TP. Pleiku), anh Thành đăng tải thông tin lên Facebook để kêu gọi kinh phí mua cây xanh. Trong 1 tuần đăng tải thông tin, dự án nhận được 58 lượt chia sẻ, kêu gọi được kinh phí để mua hơn 6.000 cây xanh, thu hút hơn 50 tình nguyện viên tham gia trồng cây.

Sau khi thực hiện xong dự án, anh Thành đăng tải hình ảnh các tình nguyện viên trán đẫm mồ hôi, tay chân lấm lem bùn đất nhưng vẫn nở nụ cười tươi vì làm được việc ý nghĩa. Những hình ảnh này đã tạo được ấn tượng với người xem.

Anh Thành tâm sự: “Mỗi lần đăng tải thông tin lên mạng xã hội, tôi đều cân nhắc, lựa chọn những thông tin chính thống, ý nghĩa để lan tỏa đến cộng đồng. Tôi nghĩ rằng, mỗi bạn trẻ cần ý thức hơn trong mỗi lần bấm thích, bình luận và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội”.

Từ khi đi vào hoạt động, Fanpage “Cổng thông tin Thành Đoàn Pleiku” luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của đoàn viên, thanh niên. Hình ảnh đoàn viên, thanh niên trong màu áo xanh tình nguyện năng nổ tham gia hoạt động trồng cây xanh, dọn vệ sinh môi trường, bán hoa gây quỹ, tặng quà cho người dân khó khăn… đã thu hút hàng trăm lượt thích, chia sẻ, bình luận tích cực.

Fanpage còn đăng tải hình ảnh thanh niên viết đơn tình nguyện nhập ngũ; gương người tốt-việc tốt nhặt được của rơi trả lại người đánh mất hay dũng cảm cứu người đuối nước; thông tin về các cuộc thi của Đoàn, tuyên truyền kiến thức pháp luật, chia sẻ những bài báo hay…

Anh Thái Giang Nam-Bí thư Thành Đoàn Pleiku-cho biết: “Mỗi tin tốt, câu chuyện đẹp đều có tác động tích cực đến hành vi, nhận thức của các bạn trẻ. Chúng tôi chỉ đạo 41 tổ chức Đoàn trực thuộc thường xuyên cập nhật thông tin chính thống, đăng tải trên mạng xã hội những tấm gương người tốt-việc tốt tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa, cổ vũ các bạn trẻ có thêm những việc làm ý nghĩa vì cuộc sống cộng đồng”.

Tăng sức “đề kháng” trước thông tin xấu, độc

Bên cạnh những người trẻ biết cách phát huy tính năng hữu ích của mạng xã hội để kết nối bạn bè, tích lũy kiến thức, kêu gọi nguồn lực thực hiện những dự án vì cộng đồng thì vẫn còn một bộ phận sử dụng mạng xã hội chưa có sự chắt lọc, kiểm chứng thông tin.

Một số bạn trẻ thích xem và chia sẻ những thông tin liên quan đến bạo lực học đường, các hành động phản cảm… Nhiều sự việc vi phạm pháp luật đã xảy ra do xích mích và không làm chủ được bản thân khi sử dụng mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tập trung triển khai, trọng tâm là triển khai cuộc vận động “Ứng xử văn minh trên không gian mạng”, thực hiện chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng” giai đoạn 2023-2030.

Từ năm 2018 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã triển khai Kế hoạch số 22-KH/TĐTN-BTG về việc giới thiệu, tuyên dương và nhân rộng chuyện người tốt-việc tốt của thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai.

Theo đó, Tỉnh Đoàn đã đăng tải, chia sẻ, giới thiệu hơn 1.800 tin tốt, hơn 1.100 câu chuyện, gương người tốt-việc tốt trong thanh thiếu nhi. Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh cũng đăng tải, chia sẻ hơn 32.600 tin tốt, câu chuyện đẹp, góp phần lan tỏa lối sống tích cực, nhân văn đến với cộng đồng, xã hội.

Đoàn viên, thanh niên phải biết cách chắt lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội. Ảnh: P.L

Đoàn viên, thanh niên phải biết cách chắt lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội. Ảnh: P.L

Bên cạnh đó, các tổ chức Đoàn đã duy trì hiệu quả hoạt động của 24 câu lạc bộ lý luận trẻ từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Năm 2023, các câu lạc bộ đã tổ chức 72 đợt hoạt động, sinh hoạt, tập huấn phương pháp và kỹ năng tuyên truyền, cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đoàn trong tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Từ ngày 12-3 đến 13-4, Tỉnh Đoàn triển khai cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến “Tìm hiểu về chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực không gian mạng năm 2024” nhằm giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi nắm vững các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và cách phòng tránh các thông tin giả, sai sự thật, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng.

Anh Phan Hồ Giang-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Đoàn-cho hay: “Với phương châm “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn trực thuộc chủ động lập Fanpage để chia sẻ, lan tỏa gương người tốt-việc tốt, những thông tin tích cực nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, văn minh trên mạng xã hội.

Mỗi bạn trẻ phải nâng cao khả năng “tự đề kháng”, biết cách nhận diện, sàng lọc thông tin và kỹ năng phòng-tránh trước những thông tin tiêu cực, xấu độc để từ đó có trách nhiệm hơn khi sử dụng mạng xã hội”.

Có thể bạn quan tâm

Gần 8.000 học sinh huyện Chư Păh được xem phim với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”

Gần 8.000 học sinh huyện Chư Păh được xem phim với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ”

(GLO)- Từ ngày 14 đến 18-10, Hãng phim trẻ TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Huyện Đoàn-Hội đồng Đội huyện Chư Păh tổ chức chiếu phim lưu động với chủ đề “Điện ảnh trong mắt trẻ thơ” phục vụ gần 8.000 học sinh tại 14 trường Tiểu học ở huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai).

Các em thiếu nhi ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh tham gia trò chơi do các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện tổ chức. Ảnh: M.N

Liên hoan các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện: Kết nối đam mê, gắn kết cộng đồng

(GLO)- Liên hoan các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm tình nguyện lần thứ V-2024 do Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 29-9. Đây là cơ hội giao lưu, gắn kết những người đam mê tình nguyện cũng như biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng.

Tình yêu đất nước thôi thúc người trẻ hội nhập toàn cầu

Tình yêu đất nước thôi thúc người trẻ không ngừng hội nhập

Khi được hỏi về những bí quyết để có thể hội nhập, trở thành công dân toàn cầu, các diễn giả là những người trẻ đã khẳng định, ngoài khả năng về ngoại ngữ thì điều quan trọng nhất là tình yêu đất nước đã thôi thúc và giúp các bạn đi nhanh, đi sâu hơn trên quá trình hội nhập toàn cầu.