Lan tỏa mô hình trường học an toàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 30-10, tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), Quỹ Phòng-chống thương vong châu Á (AIP) phối hợp với Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh tổ chức đánh giá kết quả Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” sau hơn 5 năm triển khai thực hiện. Dự hội nghị có đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND TP. Pleiku; Quỹ Botnar và Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu.

Thúc đẩy các hình thức giao thông an toàn

Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” do Quỹ Botnar (Quỹ thiện nguyện của Thụy Sĩ), Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu và Quỹ Liên đoàn Ô tô quốc tế tài trợ nhằm đảm bảo an toàn của học sinh trên đường tới trường. Dự án được triển khai từ năm 2018. Sau 5 năm thực hiện, dự án đã mang lại lợi ích trực tiếp cho hơn 130 ngàn người và hơn 16 triệu người hưởng lợi gián tiếp.

Tại TP. Pleiku, từ tháng 4-2018 đến tháng 6-2020, Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 1 do Ban ATGT tỉnh và AIP phối hợp triển khai thí điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Lương Bằng (phường Thắng Lợi) và Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (xã Biển Hồ). Giai đoạn 2 được thực hiện từ tháng 7-2020 đến tháng 3-2022 tại 29 trường tiểu học ở TP. Pleiku và Trường Tiểu học Ia Nhin (huyện Chư Păh). Đến nay, Dự án đã mở rộng quy mô cải tạo cho 31 trường tiểu học ở TP. Pleiku, trong đó, 71% số trường được chứng nhận 5 sao theo công cụ đánh giá xếp hạng sao trường học do Chương trình đánh giá đường bộ quốc tế (iRAP) phát triển.

Ông Đoàn Hữu Dũng (bìa trái)-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh trao giấy chứng nhận cho các đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Ông Đoàn Hữu Dũng (bìa trái)-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh trao giấy chứng nhận cho các đơn vị có nhiều đóng góp tích cực trong triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Từ kết quả của Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”, UBND tỉnh đã ban hành văn bản quy định về tốc độ khi đi qua khu vực trường học là 30 km/giờ đối với đường trong thành phố và 40 km/giờ đối với quốc lộ. Đồng thời, chỉ đạo TP. Pleiku phân bổ nguồn vốn cải tạo đường trong khu vực trường học. Mặt khác, UBND TP. Pleiku đã ban hành định nghĩa “Khu vực trường học an toàn” áp dụng cho các trường học mới và các trường đang được cải tạo để mang đến sự an toàn hơn cho học sinh khi đến trường và tan học. Đây cũng là tiền đề để Pleiku trở thành thành phố kiểu mẫu cho khu vực trường học an toàn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, tỉnh đã lên kế hoạch cải tạo 56 trường học dọc các tuyến tỉnh lộ và hiện đã hoàn thành cải tạo khu vực trường học của 12 trường.

Đánh giá về kết quả đạt được, ông Đặng Toàn Thắng-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: Đến cuối năm 2023, TP. Pleiku sẽ có 40/46 trường tiểu học, THCS thực hiện cải tạo hạ tầng trường học, góp phần đảm bảo ATGT. Đặc biệt, sau triển khai dự án, hạ tầng giao thông trước cổng trường được cải tạo khang trang, sạch đẹp. Cùng với đó, khu vực xung quanh cổng trường được lắp đặt các biển cảnh báo giao thông, đồng thời, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát việc chấp hành quy định về tốc độ. Nhờ đó, ý thức của người tham gia giao thông khi qua khu vực các trường học đã chuyển biến tích cực. Từ đó hình thành văn hóa giao thông, giảm được tình trạng ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm đưa-đón học sinh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Kim Beng Lua-cán bộ cấp cao của Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu-khẳng định: Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đạt được sự công nhận toàn cầu khi giải quyết các thách thức về ATGT đường bộ tại TP. Pleiku thông qua việc cải tạo an toàn khu vực trường học. Đồng thời, khuyến khích giao thông bền vững và ủng hộ sự đóng góp đầy ý nghĩa của thanh-thiếu niên. Điểm quan trọng là các mô hình được thực hiện ở TP. Pleiku có thể được nhân rộng trên cả nước cũng như toàn cầu nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em nói riêng và trên thế giới nói chung.

Nhân rộng ra cả nước

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku: “Dự án đã góp phần hình thành ý thức văn hóa giao thông đối với phụ huynh, học sinh và người dân, góp phần tích cực trong phong trào “Xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp-an toàn”. Việc triển khai dự án không chỉ hiệu quả trong giai đoạn hiện nay mà còn mang lại hiệu quả lâu dài, có tính bền vững đối với các trường học và giáo dục ý thức giao thông cho thế hệ trẻ”.

Hướng tới thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn, UBND TP. Pleiku tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng trường học tại các khu vực trường học chưa được triển khai mô hình. Ảnh: M.P

Hướng tới thành phố kiểu mẫu về khu vực trường học an toàn, UBND TP. Pleiku tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng trường học tại các khu vực trường học chưa được triển khai mô hình. Ảnh: M.P

Để từng bước xây dựng Pleiku là thành phố kiểu mẫu đầu tiên về khu vực trường học an toàn, UBND TP. Pleiku tiếp tục lập kế hoạch đầu tư hoàn thiện hạ tầng trường học tại các khu vực trường học chưa được triển khai mô hình “Giảm tốc độ-Trường học an toàn”. Cùng với đó, UBND TP. Pleiku còn áp dụng thí điểm giáo trình điện tử về ATGT, nâng cao hiệu quả giáo dục ATGT trong trường học, đặc biệt là khu vực trường học an toàn; đưa cẩm nang mô hình trường học an toàn do AIP biên soạn vào các tiết học ngoại khóa.

Dịp này, Ban ATGT tỉnh đã trao giấy chứng nhận cho Quỹ Botnar, Quỹ Liên đoàn Ô tô quốc tế và Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu vì có nhiều đóng góp tích cực trong triển khai Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” giai đoạn 2018-2023 tại tỉnh Gia Lai; Chủ tịch UBND TP. Pleiku cũng tặng giấy khen cho AIP vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai dự án.

Đánh giá về kết quả thực hiện dự án, ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh-khẳng định: Dự án đã góp phần kéo giảm tai nạn giao thông tại khu vực trường học thông qua các mục tiêu cụ thể, trọng tâm là cải tạo hạ tầng đường bộ ở khu vực 32 trường tiểu học để nâng cao điều kiện an toàn khu vực trường học; ban hành quy định giảm tốc độ và mô hình “Khu vực trường học an toàn” trên địa bàn TP. Pleiku; tuyên truyền kết hợp xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm tốc độ; thúc đẩy phương thức tham gia giao thông tích cực thông qua chiến dịch đi xe đạp đến trường cho học sinh THPT. “Từ kết quả tích cực của dự án, chúng tôi rất mong được tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành Trung ương và ý kiến đóng góp để tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình này trong thời gian đến”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải đề nghị.

Trong khi đó, ông Kim Beng Lua cho rằng: Dự án “Giảm tốc độ-Trường học an toàn” đã đạt Giải thưởng ATGT đường bộ quốc tế Prince Michael 2020 và Giải thưởng quốc tế Tầm nhìn không thương vong cho thanh-thiếu niên năm 2022. Điều này đã đưa TP. Pleiku không chỉ lên tầm quốc gia mà còn cho thấy tỉnh Gia Lai đang đi đầu trong vấn đề ATGT đường bộ cho trẻ em và trở thành ví dụ điển hình cho những nơi khác học hỏi để đạt được mục tiêu không có tử vong do tai nạn giao thông ở trẻ em và thanh-thiếu niên trong cộng đồng. “Dù có thành công như thế nào đi nữa thì công cuộc cải tiến của chúng ta không bao giờ được ngừng lại. Tôi mong chính quyền các cấp tiếp tục cải tiến để giảm tai nạn và tử vong do tai nạn giao thông và đảm bảo việc đi lại an toàn một cách bền vững cho thanh-thiếu niên. Tiếp nối các thành công của dự án, chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành nhân rộng mô hình khu trường học an toàn trên phạm vi toàn quốc”-ông Kim Beng Lua nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

'Bà giáo' khó đứng lớp mầm non

Giáo viên mầm non là nghề đặc thù, đòi hỏi có sức khỏe, sự dẻo dai, linh hoạt để đảm bảo an toàn cho trẻ trong quá trình chăm sóc, dạy dỗ. Do đó, nhiều nhà giáo ủng hộ đề xuất cho nhà giáo ở bậc học này nghỉ hưu ở tuổi 55.

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

Phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024

(GLO)- Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có công văn phát động cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024. Cuộc thi nhằm lan tỏa tình cảm tốt đẹp của học sinh đối với thầy-cô giáo; đồng thời tôn vinh tấm gương nhà giáo tiêu biểu, cống hiến cho ngành Giáo dục.