Rõ ràng nhất có thể thấy chính là Luật Đất đai 2013 với hơn 30 bộ nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật. Với tính chất đặc biệt của đối tượng là đất đai thì các vụ việc tranh chấp thường sẽ không diễn ra trong khoảng thời gian nhất định mà sẽ trải dài qua nhiều thời kỳ hoặc xảy ra tại thời điểm rất lâu về trước. Lượng lớn các văn bản hướng dẫn khiến công tác xem xét, đánh giá vụ việc dựa trên các quy định pháp luật gặp phải rất nhiều khó khăn để xác định được văn bản nào áp dụng cho vụ việc đang tranh chấp.
Quốc hội đang trong thời kỳ xem xét việc sửa đổi Luật Đất đai. Tuy nhiên, các vấn đề cốt lõi, chuyên sâu như trình tự, thủ tục, điều kiện vẫn chưa được quy định trong luật.
Nếu không có động thái chấn chỉnh ngay từ tư tưởng và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức, từ trong chính công tác xây dựng pháp luật thì hệ thống pháp luật của nước ta sẽ không thể nào tránh khỏi vòng xoay là ban hành, đánh giá và sửa đổi nhiều lần.
Ngoài ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển đất nước và đời sống nhân dân, tình trạng các quy định pháp luật chưa điều chỉnh được sâu sắc các vấn đề hiện hữu và có thể xảy ra trong thực tiễn còn có nguy cơ tạo nên lỗ hổng để cho các thành phần xấu lợi dụng nhằm thu lợi bất chính. "Quốc nạn" tham nhũng tồn tại dai dẳng cũng một phần là do các quy định hiện hành vẫn chưa bảo đảm được sự minh bạch, công bằng khi triển khai trên thực tế.
Không chỉ riêng về vấn đề quy định chưa đủ chuyên sâu, nhiều lĩnh vực hiện nay vẫn chưa được pháp luật quy định cụ thể như chuyện dạy thêm, học thêm. Để bảo đảm khả năng tiếp nhận giáo dục và sức khỏe tinh thần đối với con trẻ, phải quy định trong luật cụ thể về điều kiện tổ chức dạy thêm, các mức giới hạn để con trẻ không bị quá áp lực bởi việc học hành và quy định về quyền được phản ánh, được xem xét đối với các hành vi bắt ép học sinh học thêm của một bộ phận nhà giáo.
Từ các nội dung trên, có thể thấy rõ nếu muốn đạt được tính áp dụng cao trong thực tiễn và gia tăng giá trị căn cứ lâu dài hơn thì đầu tiên phải kiểm soát được khâu soạn thảo văn bản pháp luật.
Phải đổi mới từ trong chính tư duy của các cá nhân, cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng pháp luật, dần dần ưu tiên tư duy phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội chứ không thể chỉ ưu tiên giảm tải trách nhiệm cho cơ quan nhà nước.
Nhằm bảo đảm công tác thực hiện pháp luật trên thực tế không bị lợi dụng, biến tướng thì phải đề cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật; trong đó, quyền giám sát và góp ý của người dân, doanh nghiệp phải được đặt lên hàng đầu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM)