Lâm Đồng hướng đến nền nông nghiệp hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâm Đồng là tỉnh tiên phong trong cả nước về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chú trọng cả nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ. Những năm qua, tỉnh đã có những đột phá trong sản xuất, thúc đẩy ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Đồng chí Trần Đức Quận (thứ hai, bên trái) và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm trang trại trồng dâu tây công nghệ cao tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Đồng chí Trần Đức Quận (thứ hai, bên trái) và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm trang trại trồng dâu tây công nghệ cao tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Giai đoạn mới, Lâm Đồng xác định tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp thông minh, hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế; đưa nông sản tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phóng viên Báo Nhân Dân đã trao đổi với đồng chí Trần Đức Quận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng về chủ đề này.
Phóng viên: Thưa đồng chí, để tạo đột phá trong thực hiện mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững và hiện đại, tỉnh đã đề ra những định hướng và chính sách gì?
Đồng chí Trần Đức Quận: Lâm Đồng có nhiều lợi thế so sánh về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh xác định nông nghiệp là ngành kinh tế trọng yếu, trong đó nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những chương trình trọng tâm, khâu đột phá của tỉnh. Nhiều năm qua, tỉnh đã phát huy được lợi thế đó để phát triển nông nghiệp, tạo dựng nhiều thương hiệu sản phẩm danh tiếng tại Việt Nam cũng như thế giới, từng bước đưa nông sản thương hiệu Lâm Đồng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.  
Qua các nhiệm kỳ, tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại” để lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc. Thực tế những kết quả trong thời gian qua đã khẳng định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là chủ trương đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục quyết nghị: “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp phát triển toàn diện và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh tầm quốc gia và quốc tế”.
Với định hướng đó, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều cơ chế, chính sách trong phát triển nông nghiệp và nông thôn đồng bộ, thống nhất, như: hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp (chuyển đổi các hình thức hỗ trợ dàn trải, manh mún sang hỗ trợ hình thành các mô hình đồng bộ, khép kín; chuyển hình thức hỗ trợ trực tiếp sang gián tiếp thông qua đào tạo tay nghề, hỗ trợ kỹ thuật - công nghệ; chuyển hình thức hỗ trợ trước đầu tư sang hỗ trợ sau đầu tư đối với hạng mục phù hợp; ưu tiên hỗ trợ các hộ nông dân có điều kiện khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số…); chính sách nghiên cứu khoa học (hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu khoa học, chế tạo máy móc, thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất; chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi (các hoạt động lai tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi giống mới phù hợp với thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh); chính sách khuyến khích liên kết, hợp tác (hỗ trợ phát triển trang trại, hợp tác xã; thu hút đầu tư; liên kết trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra quỹ đất tập trung…); chính sách thủy lợi nhỏ, đặc biệt là chính sách xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu.
Đổi mới việc triển khai các cơ chế tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nông dân và doanh nghiệp. Ưu tiên thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo điều kiện cho đơn vị, cá nhân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; khuyến khích, hỗ trợ các đề án khởi nghiệp…
Phóng viên: Trong quá trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, chắc chắn sẽ có những vấn đề nảy sinh, như: trình độ quản lý, nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ… Đồng chí có thể chia sẻ những giải pháp mà tỉnh đã thực hiện để khắc phục khó khăn, vướng mắc?
Đồng chí Trần Đức Quận: Về cơ bản, Lâm Đồng đã xây dựng được nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt. Hiện giá trị sản xuất bình quân đạt 190,9 triệu đồng/ha/năm, bằng 1,85 lần cả nước và năng suất lao động trong nông nghiệp đạt 61,9 triệu đồng/người/năm, bằng 1,17 lần so với bình quân cả nước.
Toàn tỉnh hiện có 61.159 ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao (chiếm hơn 20% diện tích canh tác), nhiều mô hình đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm; 13 doanh nghiệp được công nhận là “Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao”, 90 hợp tác xã, trang trại ứng dụng công nghệ IoT, canh tác hữu cơ; 175 chuỗi liên kết, với sự tham gia của 201 doanh nghiệp, hợp tác xã và gần 17 nghìn hộ nông dân. Đây là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Qua thực tiễn triển khai, tỉnh luôn xác định và chỉ rõ những bất cập, hạn chế, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục, như về trình độ quản lý, quản trị chẳng hạn. Từ đó, Lâm Đồng xây dựng các đề án phát triển nguồn nhân lực, cùng với chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, thì việc nâng cao trình độ quản lý luôn được thực hiện thường xuyên, thông qua các lớp tập huấn, đào tạo bổ sung, bảo đảm bắt nhịp xu hướng phát triển. Với nhà nông, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, tỉnh đều hỗ trợ đào tạo, tập huấn, tổ chức các buổi trao đổi với chuyên gia để nâng cao trình độ quản trị. Lâm Đồng thường xuyên tổ chức cho các nhà nông “thế hệ mới” tham quan, tìm hiểu các mô hình của nền nông nghiệp hiện đại ở các nước như Nhật Bản, Hà Lan, Israel... Những chuyến “du học” ngắn như thế đã mở rộng tầm nhìn và tư duy làm nông nghiệp tại địa phương.
Hay như hoạt động sở hữu trí tuệ, đây là vấn đề chúng tôi rất quan tâm khi bước vào “sân chơi” quốc tế, đưa nông sản của tỉnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lâm Đồng đã chủ động xây dựng thương hiệu và đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với 28 sản phẩm đặc thù; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và được cấp bằng bảo hộ độc quyền cho hơn 1.500 đơn vị.
Các vấn đề khác như chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn vốn, bản quyền về giống, chuỗi liên kết, dịch vụ logistics, hợp tác và phát triển thị trường… chúng tôi đều có những giải pháp cụ thể để khơi thông điểm nghẽn. Lâm Đồng cũng đã ban hành quy định về tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, du lịch canh nông, tạo hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; bên cạnh đó, về vấn đề thương mại điện tử, tỉnh cũng đang tập trung đào tạo nguồn nhân lực để quảng bá, bán hàng trực tuyến các nông sản có chất lượng cao, đáp ứng phân khúc thị trường mới.
Phóng viên: Nông nghiệp công nghệ cao tạo ra năng suất lớn, vì thế, khâu tiêu thụ sản phẩm càng phải được chú trọng. Những chính sách cụ thể mà tỉnh đã triển khai để giúp nhà nông có thị trường tiêu thụ ổn định, mở rộng thị trường là gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Đức Quận: Nông sản Đà Lạt, Lâm Đồng đã có tiếng từ lâu, đó là điều kiện rất thuận lợi trong phát triển thị trường. Với sự khắt khe của thị trường tiêu dùng hiện nay, chúng tôi định hướng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà nông chủ động đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn các loại hàng hóa để tăng năng lực cạnh tranh. Tỉnh cũng tăng cường công tác định hướng thị trường để định hướng sản xuất; hỗ trợ hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, khâu xúc tiến thương mại, chương trình kết nối tiêu thụ, hỗ trợ quảng bá thương hiệu nông sản qua nhiều kênh, có chính sách quảng bá phù hợp, hiệu quả; hỗ trợ kết nối kênh bán hàng trên sàn thương mại điện tử và thúc đẩy phát triển logistics.
Nông nghiệp Lâm Đồng cần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế để tăng tính cạnh tranh, hướng đến thị trường xuất khẩu ở phân khúc cao. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng và triển khai mạnh mẽ đề án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành, xây dựng thành công các chỉ dẫn địa lý cũng như thương hiệu nông sản Lâm Đồng với nhãn hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Đây là định hướng quan trọng mở đường cho nông sản của tỉnh tiếp cận các thị trường trong nước và tận dụng cơ hội từ  Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để đẩy mạnh xuất khẩu; bên cạnh đó tỉnh đã triển khai hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay đã có 123 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Hiện nay, nông sản Lâm Đồng đã xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tiếp cận được các thị trường tiểm năng đã ký kết FTA với Việt Nam như: các nước khu vực EU, khu vực Đông Á, khu vực Bắc Mỹ, trong đó, thị trường truyền thống là: khu vực Đông Bắc Á, khu vực Liên minh châu Âu, khu vực Bắc Mỹ. Đặc biệt, nông sản xuất khẩu của Lâm Đồng hiện đang có mặt ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, các nước châu Âu, Mỹ.
Phóng viên: Hiện nay, một số địa phương có chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Vị thế dẫn đầu của Lâm Đồng trong lĩnh vực này sẽ được “định vị” như thế nào? 
Đồng chí Trần Đức Quận: Chúng tôi không đặt nặng “vị thế dẫn đầu”. Bởi khi cơ cấu lại ngành nông nghiệp, định hướng phát triển theo hướng tiếp cận đa ngành, bền vững, hiện đại, có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao; lấy công nghệ là phương tiện để đạt mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất; để trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ tầm quốc gia và quốc tế, ắt phải có chiến lược và những chính sách, giải pháp phù hợp. Khi nền nông nghiệp phát triển hiện đại, nông sản Lâm Đồng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, những “nông dân thế hệ mới” có thể làm giàu bằng nông nghiệp, khi đó vị thế nông nghiệp Lâm Đồng mặc nhiên được định vị.
Với định hướng như vậy, nông nghiệp Lâm Đồng triển khai thực hiện phương châm: “Doanh nghiệp là nòng cốt, ứng dụng khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể”. Qua đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm đạt quy chuẩn quốc tế để mở rộng thị trường.
Hiện nay, Lâm Đồng thực hiện những giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại trên các yếu tố cốt lõi, như lập kế hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển nông nghiệp với chương trình xây dựng nông thôn mới và triển khai tốt các chính sách về đất đai, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải pháp huy động nguồn vốn và chính sách tín dụng, phát triển logistics, khởi nghiệp, hợp tác và hội nhập quốc tế. Tỉnh cũng quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp bằng các cơ chế, chính sách và môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi. Để bảo đảm phát triển bền vững, chúng tôi quan tâm việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Và điều rất quan trọng là sự quan tâm, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
MAI VĂN BẢO, ĐÔNG HÀ thực hiện (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm