(GLO)- Được bà con gọi với cái tên trìu mến “người con của buôn làng”, anh Lâm Chí Tài (sinh năm 1983, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) đã dành được sự tin yêu của bà con nơi vùng cao Ia Kreng, huyện Chư Pah bởi tấm lòng nhân ái, nhiệt huyết vì cuộc sống của bà con.
Anh Tài trao quà cho các em nhỏ xã Ia Kreng, huyện Chư Pah. Ảnh: Ngọc Thu |
Năm 2004, khi còn là sinh viên trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, được về xã Ia Kreng thực tập, anh Tài đã tự nhận ra cái duyên gắn bó mình với mảnh đất cao nguyên đầy khó khăn này. Mảnh đất trơ đá rất khó để canh tác, trong khi người dân gần 100% là dân tộc thiểu số, trình độ còn thấp nên cuộc sống còn thiếu thốn đủ bề. Hình ảnh người dân tộc miền núi phải lam lũ đi làm rẫy mà vẫn không đủ ăn, các em nhỏ trong gia đình khó khăn phải nghỉ học sớm để đi làm thuê, gồng mình làm việc phụ giúp gia đình, không được đi học đầy đủ để phát triển lành mạnh về thể chất lẫn tinh thần và những vòng luẩn quẩn đói nghèo cứ mãi theo đuổi người dân luôn là nỗi trăn trở của anh Tài. Để từ đó, đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết thiếu nhi 1-6 và Giáng sinh, anh Tài lại cùng với đội tình nguyện của mình từ TP. Hồ Chí Minh di chuyển lên xã Ia Kreng, huyện Chư Pah để làm từ thiện. Những chiếc áo ấm, bộ đồ còn mới được anh kêu gọi quyên góp, thu gom từ trong thành phố lần lượt chất lên xe khách chở về vùng cao Ia Kreng.
Không chỉ giúp bà con có áo mặc, anh Tài còn kêu gọi các nhà từ thiện quyên góp tiền ủng hộ bà con thông qua hình thức mua gạo, sữa, đồ ăn cho bà con, giúp bà con ấm lòng. Giáng sinh năm nào cũng trở nên ấm áp hơn bởi Đội tình nguyện của anh Lâm chí Tài cùng 20 thành viên đến từ TP. Hồ Chí Minh. Những phần quà gồm gạo, mì tôm, sữa, bánh kẹo lần lượt được các thành viên trong đội chia cho các em nhỏ và gia đình khó khăn. Không những thế, sợ các em bị đói trong mùa lạnh, đội tình nguyện đã nấu ăn cho các em trong 2 ngày để thay đổi khẩu phần của các em. Những món ăn nhẹ như bánh mì, giò, chả, bánh canh... phần nào giúp các em ấm lòng hơn. “Đội thiện nguyện của mình là những người có độ tuổi từ 18 đến 60 tuổi tham gia, mỗi người một việc như nấu ăn, cắt tóc, quyên góp gạo, tiền, sách vở... tập trung lại để lên vùng cao tặng cho gia đình khó khăn. Với số quà nhỏ này, tôi hy vọng mình sẽ mang lại niềm vui cho người dân nơi đây, góp phần giảm bớt khó khăn trong cuộc sống của người dân”-anh Tài bày tỏ.
Chị Bùi Thị Phương Thủy (tình nguyện viên của Đội thiện nguyện chia sẻ: “Năm nào mình cũng theo Tài lên đây làm từ thiện. Mình phụ trách nấu những bữa ăn nóng, đủ dinh dưỡng cho bà con mùa lạnh này khiến mình vui vẻ, nhẹ nhàng hơn”.
Những khuôn mặt bé thơ đang hoan hỉ bên những phần quà tuy nhỏ nhưng chứa chan tình cảm của các anh chị trong đoàn thiện nguyện đã xua tan không khí lạnh giá trên cao nguyên. Em A Lê Thái (làng Dip, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) không giấu nổi sự vui mừng khi gặp lại anh Tài, em nói: “Chú Tài hay về làng của cháu lắm. Sáng nay cháu đã đến trường sớm để gặp chú. Được chú tổ chức cho chúng cháu chơi trò chơi, nấu ăn, tặng quà cháu vui lắm. Cháu muốn được gặp chú nhiều hơn nữa”.
Không chỉ dành cho bà con vùng cao những phần quà ý nghĩa, anh Tài còn hỗ trợ học sinh trong làng đi học tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng về cách trồng rau sạch để về nhà áp dụng trồng rau, sau đó hướng dẫn dân làng làm theo. Từ đó tạo công ăn việc làm, kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, anh Tài còn hỗ trợ trường Mầm non Ia Kreng trồng rau sạch trong lồng kính, cung cấp nguồn rau sạch cho các em học sinh nội trú. Ông Nguyễn Ngọc Tài-Bí thư Đảng ủy xã Ia Kreng, huyện Chư Pah, cho biết: “Hơn 10 năm nay, anh Lâm Chí Tài tuy đang sinh sống và làm việc trong miền Nam nhưng luôn hướng về xã Ia Kreng. Cứ hễ quyên góp được quần áo, gạo tiền là anh liền cho xe chở về hoặc tổ chức về thăm bà con, cùng bà con nơi đây chung tay xây dựng cuộc sống ấm no”.
Những gì xuất phát từ trái tim luôn chạm đến trái tim, người dân nơi đây luôn dành tình cảm yêu quý đặc biệt cho anh Tài, coi anh Tài như thành viên trong gia đình. Bà Rơ Châm Nhiên (làng Duch 1, xã Ia Kreng, huyện Chư Pah) bày tỏ: “Mỗi lần anh Tài về làng, dân làng vui lắm. Trẻ con háo hức mong đến ngày anh lên để được chơi các trò chơi, ăn uống, sinh hoạt cùng các anh chị. Người lớn thì chuẩn bị nơi ở sạch sẽ đón đoàn về thăm, sinh hoạt cùng buôn làng”.
Cũng vì mang nặng tình cảm với cao nguyên đầy nắng gió, khó khăn này, anh Tài luôn mong ước sẽ làm thay đổi cuộc sống của đồng bào thông qua các chương trình từ thiện, hướng dẫn làm kinh tế. “Tôi hy vọng có thêm nhiều cơ hội, nguồn viện trợ tôi sẽ thường xuyên lên đây với bà con hơn, cùng với bà con làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Ngọc Thu